HỘI CHỨNG SUY THẬN CẤP
Chẩn đoán xác định Hội chứng suy thận cấp cần dựa vào:
Có nguyên nhân cấp tính dẫn đến suy thận cấp như: uống mật cá trắm, ngộ độc kim loại nặng, ỉa chảy mất nước, viêm cầu thận cấp, v.v.. (bảng nguyên nhân suy thận cấp)
Xuất hiện: Hội chứng rối loạn thể tích nước tiểu (thiểu niệu, vô niệu).
Tốc độ gia tăng Urea, Creatinin máu so với nồng độ nền (baseline) của bệnh nhân trong vòng vài giờ đến vài ngày
K+ máu tăng dần
Có thể có rối loạn thăng bằng toan – kiềm đi kèm (thường là toan chuyển hóa)
Dựa vào tính chất cấp tính: (1) chức năng thận bình thường trước đó; (2) kích thước thận bình thường hoặc lớn; (3) không có thiếu máu, không có hạ Ca2+ máu
Thường tóm tắt trên bệnh nhân suy thận cấp được các HC sau: HC tăng urea máu
+ HC bất thường màu sắc nước tiểu + HC bất thường thể tích nước tiểu + có thể có các HC nhiễm trùng, HC rối loạn nước – điện giải
Nguyên nhân gây suy thận cấp tuy khác nhau nhưng lại có cùng một bệnh cảnh lâm sàng trải qua 4 giai đoạn. Thể điển hình tiến triển qua 4 giai đoạn như sau (hoại tử ống thận cấp gây suy thận cấp là một thể điển hình)
GIAI ĐOẠN KHỞI PHÁT
Đây được hiểu là giai đoạn tính từ lúc nguyên nhân gây bệnh tác động cho đến bắt đầu giai đoạn thiểu niệu – vô niệu. Giai đoạn này kéo dài từ vài giờ đến vài ngày (thường < 24 giờ) tùy theo nguyên nhân mà có các triệu chứng khởi phát. Ví dụ:
Do ngộ độc mật cá trắm: đau bụng, buồn nôn, ỉa lỏng
Do tắc niệu quản: cơn đau quặn thận
Do shock: mạch nhanh, tụt HA, có thể có HA kẹp
Can thiệp kịp thời có thể tránh chuyển sang giai đoạn thiểu niệu – vô niệu
GIAI ĐOẠN THIỂU NIỆU HAY VÔ NIỆU
Cơ năng
Thiểu niệu – vô niệu: có thể diễn biến từ thiểu niệu đến vô niệu một cách từ từ hoặc đột ngột vô niệu (nhất là trong trường hợp ngộ độc), kéo dài vài ngày cho đến dưới 6 tuần (trung bình 7-14 ngày) bệnh
nhân sẽ bước vài giai đoạn đái trở lại
Có thể đau vùng hố thắt lưng, đôi khi đau kiểu cơn đau quặn thận do nguyên nhân sau thận
Thực thể
Có thể có phù: tùy vào lượng nước đưa vào cơ thể
Có thể thấy triệu chứng của tăng K+
Có thể thấy kiểu thở Kussmaul do toan chuyển hóa
Khám thấy các triệu chứng của Hội chứng tăng Urea máu có thể nhẹ hoặc nặng
Cận lâm sàng
Điện giải đồ:
K+ có thể tăng dần nếu không được điều trị
Na+, Cl–, Ca2+ thường giảm do bị hòa loãng máu
Xét nghiệm máu:
Urea, Creatinin tăng phụ thuộc vào mức độ vô niệu (tuy nhiên Urea phụ thuộc vào chế độ ăn và quá trình giáng hóa protid
trong cơ thể còn Creatinin thì không phụ thuộc nên phản ánh chức năng thận chính xác hơn)
Protein máu thường giảm
Xét nghiệm nước tiểu: protein máu có thể dương tính, có thể thấy trụ hạt màu nâu bẩn, có thể có hồng cầu, bạch cầu, tế bào biểu mô,
khuẩn trong nước tiểu
Khí máu: HCO3– giảm, pH giảm
GIAI ĐOẠN ĐÁI TRỞ LẠI (TIỂU NHIỀU)
Giai đoạn này được tính từ khi bệnh nhân bắt đầu đái trở lại đến khi Urea, Creatinin máu bắt đầu giảm (thường 5-7 ngày)
Cơ năng
Lượng nước tiểu tăng dần đạt đến 2 lít/24h hoặc hơn (đa niệu, có khi 4-5 lít/24h)
Các triệu chứng giảm dần về bình thường
Thực thể
Phù giảm bớt
Khám lâm sàng có thể vẫn còn triệu chứng của Hội chứng tăng Urea
máu trong giai đoạn đầu đái trở lại
Huyết áp dần trở lại bình thường
Nguy cơ đa niệu có thể dẫn đến mất nước, mất điện giải
Cận lâm sàng
Các thông số dần trở về bình thường ngoại trừ Urea, Creatinin
Nếu đái quá nhiều nguy cơ hạ K+, Na+
GIAI ĐOẠN HỒI PHỤC
Được tính từ khi Urea, Creatinin máu bắt đầu giảm cho đến khi các chức năng thận hồi phục trở lại bình thường (thường kéo dài khoảng 4 tuần)
Cơ năng
Đa niệu kéo dài thêm khoảng 1 tuần sau khi Urea, Creatinin máu bắt đầu giảm
Thực thể
Các triệu chứng lâm sàng trở về bình thường
Nguy cơ mất nước và điện giải trong giai đoạn đa niệu
Cận lâm sàng
Điện giải đồ: nguy cơ mất Na+, K+ trong thời gian đa niệu
Xét nghiệm máu: Urea, Creatinin bắt đầu giảm dần về giá trị bình thường
Xét nghiệm nước tiểu: Urea, Creatinin niệu tăng dần
Mức lọc cầu thận (GFR) trở về bình thường (thường sau 1-2 tháng) o Thăm dò chức năng ống thận (khả năng cô đặc nước tiểu): trở về
bình thường chậm hơn (có khi 6 – 12 tháng)
YKHOA247.com thành lập với mục đích chia sẻ kiến thức Y Khoa.
Mọi thông tin trên trang web chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc không nên tự chẩn đoán và điều trị cho mình.