Sốt ở trẻ em

Chào bạn, nếu bạn là sinh viên Y Khoa đã, đang hoặc sắp đi thực hành lâm sàng tại bệnh viện thì không nên bỏ qua Khóa học kiến thức lâm sàng nội khoa này nhé! Đây là khóa học chất lượng được đánh giá cao bởi khoảng 400 thành viên đăng ký là các sinh viên Y Khoa trên khắp cả nước và các bác sĩ nội khoa.

Sốt là một triệu chứng thường gặp trên lâm sàng và là lý do chính để trẻ được gia đình mang đi khám bệnh. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng đều có sốt tuy vậy không nên lạm dụng kháng sinh để điều trị triệu chứng sốt . Ở tuyến y tế cơ sở chúng ta nên đánh giá, phân loại sốt và xác định chuyển viện kịp thời theo hướng dẫn của chương trình xử trí lồng ghép bệnh trẻ em (IMCI) và tại tuyến trên chúng ta biết ra những quyết định xét nghiệm bổ sung cần thiết để truy tìm nguyên nhân gây sốt và kịp thời điều trị có hiệu quả .

Sinh lý điều hòa nhiệt độ của cơ thể

Ở ngưòi, thân nhiệt luôn luôn hằng định ở 37 0C mặc dù nhiệt độ môi trường bên ngoài có nhiều biến động. Trong ngày thân nhiệt thay đổi, thấp nhất lúc sáng sớm và cao nhất lúc về chiều, biên độ biến đổi thân nhiệt trong ngày trung bình là 0,6 0C .Cao hơn biên độ này là sốt. Trung tâm điều nhiệt nằm ở hạ khâu não, hình như luôn giữ điểm ngưỡng thân nhiệt ở mức bình thường là 37 0C . Sốt là một phản ứng của trung khu dưới võ, nhưng chịu sự điều hòa của võ não. Võ não hoạt động bình thường có tác dụng cảm ứng âm tính đối với trung khu dưới võ, do đó sốt được giữ trong một giới hạn nhất định. Trên thực nghiệm khi cắt bỏ võ não con vật vẫn còn phản ứng sốt và phản ứng rất mạnh. Trạng thái thần kinh hưng phấn đáp ứng với sốt rõ rệt hơn là những người có trạng thái thần kinh thăng bằng. Ở trẻ nhỏ tuổi, vì võ não chưa được hoàn chỉnh nên hay có sốt cao dù nguyên nhân gây sốt rất nhẹ. Trung tâm điều nhiệt ở trẻ sơ sinh chưa được hoàn chỉnh và khả năng điều nhiệt kém nên thân nhiệt của trẻ dễ bị tác động với nhiệt độ môi trường.

Các chấn thương tại chổ, xuất huyết, khối u, hay rối loạn chức năng hạ khâu não gây sốt cao. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân bị tổn thương hạ khâu não có nhiệt độ thấp và không thể thích nghi điều nhiệt theo biến đổi của nhiệt độ ngoại môi.

Để thân nhiệt được hằng định, chịu sự tác động của võ não và trung tâm điều nhiệt, cơ thể có những phản ứng sinh lý đối với nhiệt độ môi trường. Da là cơ quan cảm thụ với nhiệt, khi gặp lạnh cơ thể run lên, tất cả năng lượng mà các bắp thịt tiêu phí đều chuyển thành nhiệt lượng, làm tăng thân nhiệt đồng thời co mạch ngoại vi làm giảm mất nhiệt qua da, cơ thể ớn lạnh và tìm mọi cách để ủ ấm. Khi trời nóng ấm, cơ thể tìm mọi cách để thải nhiệt, dãn mạch ngoại vi tăng sự trao đổi nhiệt lượng, vã mồ hôi bay hơi làm mất nhiệt qua da, và con người ăn mặc mong manh hơn.

Sinh lý bệnh của sốt

Khi có sốt, tại trung tâm điều nhiệt hình như điểm ngưỡng thân nhiệt đột nhiên được nâng cao lên từ 370C đến mức cao hơn ví dụ 400C do tác dụng của các chất gây sốt trên hệ thần kinh trung ương. Cơ thể bị đặt trong điều kiện thiếu hụt năng lượng, thiếu nhiệt 30C nhiệt độ, khi sốt lên 400C. Hệ thần kinh phản ứng lại, tăng thân nhiệt bên trong lên 30C để chống lạnh bằng cách run lạnh và co mạch ngoại vi. Khi thân nhiệt đạt được nhiệt độ mới 400C thì có sự cân bằng giữa sinh nhiệt và thải nhiệt, trẻ hết co mạch và tay chân ấm, nhiệt độ được duy trì trên lâm sàng tạo nên triệu chứng sốt. Khi bệnh lui, chất gây sốt ngoại lai hết phát huy tác dụng, hoặc dùng các thuốc hạ sốt. Hình như điểm ngưỡng nhiệt độ 400C đã trở về bình thường 370C. Cơ thể ở trong tình trạng thừa nhiệt, nên đáp ứng lại để thải nhiệt bằng cách dãn mạch ngoại vi, toát mồ hôi, tung chăn mền.

Tóm lại, một bệnh nhân sốt, bị giảm thân nhiệt lúc sốt bắt đầu, tăng thân nhiệt khi bệnh lui, và bình nhiệt trong giai đoạn toàn phát. Như vậy có thể chia quá trình sốt làm 3 giai đoạn :

  • Sốt tăng : sinh nhiệt mạnh hơn thải nhiệt. Thường có hiện tượng cường giao cảm, co mạch ngoại vi, da nhợt nhạt, lạnh, nổi da gà, các thớt thịt co lại, ngưng chảy mồ hôi, rét run.
  • Sốt đứng : sinh nhiệt bằng thải nhiệt. Khi sốt cao, các mao mạch ngoài da dãn, mặt đỏ bừng, da khô nóng, nước tiểu giảm.
  • Sốt lui : sinh nhiệt giảm, quá trình thải nhiệt tăng mạnh. Có hiện tượng cường phó giao cảm, mạch chậm lại , ra mồ hôi nhiều, tiểu nhiều.

Hiện nay các khái niệm về cơ chế sinh sốt đều căn cứ vào hiện diện của chất gây sốt nội sinh bạch cầu (leucocytic pyrogen hay endogenous pyrogen E.P) do Beeson và Bennett tìm ra năm 1948 – 1953. Các tác nhân gây sốt phần lớn ngoại lai nhưng gây phản ứng sốt lại qua trung gian chất gây sốt nội sinh E.P .

Tác nhân gây sốt ngoại lai

  • Vi khuẩn và độc tố .
  • Lipopolysacchride của thành phần vi khuẩn gram âm.
  • Protein kháng nguyên của vi khuẩn gram dương .
  • Các thành phần protein của độc tố vi khuẩn
  • Virus, levure, mycobacteries .
  • Các protein khác mang tính kháng nguyên.
  • Vài steroides : có chứa gốc hydroxyl 3 ; ion hydrogen 5 , progesterone trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Thuốc điều trị : ampicillin, cephalosporin, amphotericin, barbiturates, quinidine, thiouracil…

Chất gây sốt nội sinh (E.P endogenous pyrogen)

Chất gây sốt nội sinh là một protein có phân tử lượng khoảng 15.000, sản sinh ra từ các bạch cầu đa nhân, đại thực bào, các tế bào Kupffer ở gan, đại thực bào ở lách, đại thực bào ở phế nang. Người ta không phân lập được chất gây sốt nội sinh từ các lymphocytes, nhưng các tế bào này có thể phản ứng với kháng nguyên, và qua tác dụng của lymphokines có thể kích thích bạch cầu đa nhân trung tính và đại thực bào để phóng thích ra chất gây sốt nội sinh. Tuy

nhiên có những trường hợp sốt mà thiếu chất gây sốt nội sinh, nhưng lại có nồng độ prostaglandines rất cao (PGE1, PGE2).

Định nghĩa sốt

Định nghĩa

Sốt khi thân nhiệt cơ thể vược quá giới hạn bình thường, nhiệt độ ở nách  3705C.

Trẻ có sốt là triệu chứng chính khi : mẹ khai bị sốt từ mấy hôm trước, hoặc đang có nhiệt độ nách  3705C hoặc sờ thấy nóng .

Phát hiện triệu chứng sốt bằng cách hỏi bà mẹ, sờ vào ngực trẻ ở vùng nách hoặc đo nhiệt độ.

Đo nhiệt độ trẻ và vẽ biểu đồ nhiệt độ theo thời gian

Để xác định mức độ sốt cần đo nhiệt độ chính xác bằng nhiệt kế. Nhiệt kế có nhiều loại, chủ yếu là loại nhiệt kế thủy ngân, lấy nhiệt độ có thể ở nách, miệng và hậu môn, ở trẻ em thường khuyến cáo lấy nhiệt độ nách, vì lấy nhiệt độ miệng và hậu môn gây kích thích trẻ và trẻ thường không hợp tác khi lấy nhiệt độ, nhiệt độ nách thường thấp thua nhiệt độ hậu môn khoảng 0,50C. Ngoài ra còn có thể lấy nhiệt độ qua nhiệt kế băng dán ở trán trẻ hoặc nhiệt độ cảm ứng nhiệt qua điện tử ở tai trẻ, cách lấy nhiệt độ này nhanh ít gây khó chịu cho trẻ song cần có dụng cụ đo, mà dụng cụ thì chưa phổ biến hiện nay. Mỗi sinh viên trong quá trình thực tập lâm sàng phải tự mình đo được nhiệt độ chính xác cho trẻ và có thể hướng dẫn cho bà mẹ cách đo nhiệt độ, đồng thời vẽ được biểu đồ thân nhiệt theo thời gian nếu sốt kéo dài và phân tích nhận biết được kiểu sốt.

Phân loại sốt

Theo mức thân nhiệt

Sốt nhẹ : dưới 380C

– Sốt vừa : 380 – 390C

– Sốt cao : 390 – 410C

Sốt rất cao : trên 410C

Theo thời gian sốt

Sốt cấp tính : thường sốt dưới 7 ngày, gồm các bệnh nhiễm trùng và nhiễm virus tự giới hạn.

Sốt kéo dài : sốt thường trên 7 tới 10 ngày, có khi kéo dài trên 2 -3 tuần, gồm các bệnh nhiễm trùng nặng nề hoặc mãn tính như: nhiễm trùng hệ tiết niệu, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, bệnh thương hàn, bệnh lao, nhiễm leptopira, rickettsia, chlamydia, CMV. Các ổ nhiễm trùng sâu như áp-xe các cơ quan nội tạng, viêm xoang, viêm xương tủy xương. Nhiễm ký sinh trùng như: sốt rét, amip, nấm, toxoplasmosis . Các bệnh ác tính như: Hodgkin, lymphoma, ung thư máu, các bướu đặc nội tạng. Bệnh collagen như: lupút ban đỏ, bệnh thấp… Vì tính chất phức tạp của sốt kéo dài nên chương trình IMCI khuyến cáo tuyến y tế cơ sở nên chuyển viện tất cả các trường hợp có sốt trên 7 ngày.

Theo kiểu sốt trên lâm sàng

Các bệnh lý khác nhau, thường cho các kiểu cách sốt khác nhau trên lâm sàng, phân tích và nhận định được kiểu sốt theo biểu đồ thân nhiệt giúp ta định hướng được nguyên nhân và làm rõ nguyên nhân gây sốt.

  • Sốt cao liên tục: nhiệt độ lúc nào cũng trên 390C, dao động sáng chiều không quá 10C, nhiễm virus như virus dengue, thường dưới 7 ngày, trên 7 ngày thường là thương hàn.
  • Sốt cao dao động : thân nhiệt lúc nào cũng cao, dao động mạnh, sáng chiều chênh lệch từ 1,50C trở lên, các ổ nung mủ sâu, nhiễm trùng nặng.
  • Sốt từng cơn : thân nhiệt có lúc bình thường, lúc tăng cao, như trong bệnh sốt rét.
  • Sốt hồi qui : cứ sau mỗi đợt sốt 3 -7 ngày lại có một đợt không sốt, tiếp theo là một đợt sốt trở lại, điển hình là bệnh sốt hồi qui do Borrrelia recurrentis.
  • Sốt làn sóng : thân nhiệt từ từ lên cao, sau đó ít lâu lại từ từ giảm xuống đến mức bình thường, sau một thời gian dài ngắn tùy trường hợp, sốt lại tái phát, bệnh Brucella.
  • Sốt dạng cao nguyên : sốt từ từ lên cao, duy trì sốt cao liên tục 7 -10 ngày hoặc dài hơn, rồi sốt từ từ giảm xuống, bệnh thương hàn.
  • Sốt cách nhật : ngày sốt một cơn, ngày hôm sau nghỉ sốt, tiếp theo lại sốt cơn khác, sốt ngày rồi nghỉ một ngày, bệnh sốt rét do P. vivax.
  • Sốt về chiều : thường sốt không cao, sốt về chiều và đêm, trong sơ nhiễm lao trẻ em.- – Sốt hai pha : pha một sốt cao đột ngột từ 1 đến 4-5 ngày, giảm sốt đột ngột một hai ngày, sốt lại pha hai cao đột ngột kéo dài 1 -2 ngày, trong bệnh cảnh sốt Dengue.
  • Sốt kéo dài không theo qui luật nào : các bệnh bướu , ác tính.

Các nguyên nhân gây sốt ở trẻ em

Không phải đứng trước một trẻ em nào có sốt người thầy thuốc cũng tìm ra ngay nguyên nhân gây sốt, trong lúc bà mẹ đang hết sức lo lắng về triệu chứng sốt của con mình, hảy biết thông cảm và động viên bà mẹ, đồng thời tích cực tìm nguyên nhân gây sốt bằng cách thăm khám lâm sàng cẩn thận, ra những quyết định xét nghiệm và điều trị hợp lý, để sớm giải quyết tình trạng sốt trên lâm sàng.

Nguyên nhân sốt do nhiễm khuẩn

Sốt nhiễm khuẩn do vi trùng

Các vi trùng gây bệnh phần lớn đều gây sốt, có thể là do kháng nguyên hay độc tố hoặc là các sản phẩm của vi khuẩn ly giải, cũng có thể là một số chất gây sốt tiết ra từ các tổ chức bị tổn thương, hoại tử nhất là các tổ chức liên võng nội mô khi bị nhiễm khuẩn. Cần lưu ý là khả năng gây bệnh không luôn luôn tương ứng với khả năng gây sốt của vi khuẩn. Một số bệnh nhiễm trùng không gây sốt hoặc sốt nhẹ như bệnh giang mai, các nhiễm trùng ngoài da, nhiễm trùng khu trú, đôi khi thân nhiệt lại giảm như bệnh dịch tả, bệnh Bạch hầu thể ác tính. Các bệnh nhiễm khuẩn gây sốt cao và sốt kéo dài thường là các nhiễm trùng nặng như viêm màng não, viêm xương tủy xương, nhiễm trùng huyết như thương hàn, tụ cầu, các ổ áp-xe phủ tạng, nhiểm khuẩn tiết niệu…

Sốt do bệnh ký sinh trùng

Nhiễm các ký sinh trùng thường ít khi gây sốt như nhiễm giun đường ruột, amip ruột, nấm. Bệnh ký sinh trùng gây sốt đặc hiệu là bệnh sốt rét với sốt từng cơn, hàng ngày hoặc cách nhật, nếu không được chẩn đoán sớm thường gây thiếu máu, gan lớn, lách lớn trong giai đoạn sau. Bệnh amip khi có biến chứng, thường gặp là biến chứng áp-xe gan, viêm gan lan tỏa gây sốt cao. Các biến chứng của giun chui đường mật, gây viêm túi mật, viêm đường mật , viêm gan đều gây sốt cao thứ phát do vi trùng đường ruột được giun mang lên theo đường dẫn mật. Ngoài ra Toxoplasmosis, Trypanasomiasis, Leishmaniasis, Trichinosis là những ký sinh trùng đều gây sốt nhưng hiếm gặp.

Sốt nhiễm khuẩn do virus

Bệnh do virus ít khi gây sốt kéo dài, trên lâm sàng thường gặp là các virus đường hô trên như hợp bào hô hấp, adenovirus, rotavirus; enterovirus; Coxackie A, B gây ỉa chảy, các loại virus cúm.

Các virus khác gây bệnh đặc hiệu hơn có sốt cao cấp tính như : Sốt xuất huyết Dengue, Sởi, Sởi Đức, Quai bị, Thủy đậu, viêm gan A, B, C …, viêm não nhật bản B, Sốt phát ban ở trẻ nhỏ, Herpes simplex virus (HSV) .

Bệnh do virus gây sốt dai dẵng với diễn biến tự hồi phục hoặc chuyển sang nặng nề như: Epstein-Barr virus, Cytomegalovirus (CMV), Viêm gan mãn do virus viêm gan B, C, D. Cytomegalovirus gây sốt kéo dài đặc biệt trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch, trên bệnh nhân ghép thận, ghép tủy, ghép tim hoặc có thể là biến chứng sau chuyền máu, trên bệnh nhân khỏe mạnh cytomegalovirus có thể gây hội chứng giống bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng. Nhiễm HIV không gây sốt và sốt cao, phần lớn những trường hợp sốt trên những bệnh nhân này là do bị nhiễm trùng thứ phát bởi những tác nhân khác, khi mà tình trạng suy giảm miễm dịch bắt đầu xuất hiện, vì vậy mà mọi trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao khi đến khám bệnh vì sốt cần được xét nghiệm tìm kháng thể HIV.

Nguyên nhân sốt không do nhiễm khuẩn

Bệnh huyết thanh , bệnh collagen, bệnh tự miễn

Bệnh ung thư : ung thư máu, bệnh Hodgkin, Lymphoma ….

Bệnh huyết tán : những bất thường của hồng cầu gây tan máu .

Bệnh Basedow do rối loạn nội tiết .

Bệnh rối loạn chuyến hóa : bệnh goutte, bệnh porphyria, bệnh hypertriglyceridemia .

Bệnh do rối loạn thần kinh : khi các thụ thể thần kinh bị kích thích như sỏi mật kích thích vào thành túi mật và ống mật gây sốt ngay cả khi không có nhiễm trùng thứ phát, một vùng của hệ thần kinh trung ương bị tổn thương như vùng đồi thị, chấn thương sọ não …

Những tổ chức bị tổn thương hoại tử hay chảy máu : như gãy xương kín, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não màng não.

Protein lạ : vaccin, sữa, kháng huyết thanh…..

Dược liệu : kháng sinh, adrenalin, cafein …..

Hậu quả sốt cao đối với trẻ em

Hậu quả tốt

Sốt có tác dụng trên các mầm bệnh hoặc trực tiếp do tăng nhiệt độ kích thích các phản ứng tự vệ của cơ thể, hoặc gián tiếp qua nhiều trung gian.

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy nhiệt độ có tác dụng ức chế sinh trưởng của vi khuẩn .

Chất gây sốt nội sinh là tiền đề của nhiều sự biến đổi trong nội môi và hàng loạt đáp ứng kích thích có lợi cho cơ thể, gia tăng sản sinh các bạch cầu đa nhân trung tính, phóng thích các lysozyme và lactoferrin .

Tăng bài tiết corticosteroids, glucagon, insulin với những tác dụng chuyển hóa thứ phát .

Sốt tạo điều kiện cho virus tiêu hủy lysosome, gây chết tế bào, kéo theo sự chết của virus .

Sốt tác dụng gián tiếp qua trung gian interferon, ức chế không đặc hiệu sự tổng hợp của nhiều chất và sự sinh trưởng của virus.

Hậu quả xấu

Sốt cao ở trẻ em thường gây co giật nhất là đối với trẻ dưới 3 tuổi, co giật làm cho bà mẹ lo lắng và hoang mang, đây cũng là lý do trẻ được đi khám và là một trong những dấu hiệu nguy hiểm toàn thân mà chương trình IMCI khuyến cáo chuyển viện, thật vậy cũng khó mà nhận biết ngay là co giật lành tính do hậu quả của sốt cao hay là biểu hiện của một bệnh lý não- màng não nặng nề hay co giật do nguyên nhân khác ở một trẻ có sốt.

Sốt cao kéo dài gây mất nước và điện giải qua vả mồ hôi và tăng nhịp thở.

Gây kiềm hô hấp.

Sốt cao kéo dài gây vỡ hồng cầu gây thiếu máu, tăng chuyển hóa gây suy kiệt .

Đánh giá, phân loại và xác định điều trị sốt ở tuyến y tể cơ sở

Sốt là 1 trong 4 triệu chứng chính phải đánh giá, phân loại và xác định điều trị ở tuyến y tế cơ sở , sau khi kiểm tra các dấu hiệu nguy hiểm toàn thân, phải hỏi 4 triệu chứng chính là:

  • Trẻ có ho hoặc khó thở không?
  • Trẻ có bị tiêu chảy không ?
  • Trẻ có bị sốt không ?
  • Trẻ có vấn đề ở tai không ?

Trẻ được xem là có sốt khi bà mẹ khai trẻ bị sốt từ mấy hôm trước, hoặc đang có nhiệt độ nách  3705C hoặc sờ thấy nóng.

Có quá nhiều nguyên nhân gây sốt, nên chương trình IMCI chọn lọc và đưa ra 3 bệnh lý phổ biến thường gặp ở trẻ em và có xu hướng diễn biến xấu đó là : sốt có nguy cơ sốt rét, sởi và sốt xuất huyết, đồng thời lồng ghép phân loại các bệnh lý khác có sốt có diễn biến nặng nề mặc dù không biết chắc là nguyên nhân gì, mục đích của đánh giá, phân loại sốt ở tuyến y tế cơ sở là xác định ngay các trường hợp có sốt, có nguy cơ diễn biến xấu để xác định điều trị chuyển bệnh viện sớm.

Trẻ từ 1 tuần tuổi đến 2 tháng tuổi khi có sốt, là một trong các dấu hiệu được phân loại là có khả năng nhiễm khuẩn nặng và có chỉ định chuyển gấp đi bệnh viện.

Tất cả các trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi có sốt đều phải được phân loại sốt theo hai hướng: sốt có nguy cơ sốt rét, và sốt không có nguy cơ sốt rét. Nếu trẻ đang mắc sởi, hoặc đã mắc sởi trong vòng 3 tháng thì được phân loại sởi. Nếu trẻ có nguy cơ sốt xuất huyết thì trẻ được phân loại theo phân loại sốt có nguy cơ sốt xuất huyết.

Trẻ > 5 tuổi cũng có nguy cơ bị sốt rét, sởi và sốt xuất huyết vì vậy đối với các trẻ nầy nếu có sốt cũng có thể tham khảo đánh giá, phân loại và xác định điều trị theo khuyến cáo được. Tuy vậy về điều trị trẻ cụ thể cần xem lại liều lượng thuốc tương ứng với tuổi, đồng thời trong quá trình thăm khám cần thận trọng và cố gắng tìm được nguyên nhân gây sốt.

Sau đây là các phân loại có chỉ định chuyển gấp đi bệnh viện ở trẻ có sốt :

  • Viêm phổi nặng hoặc bệnh rất nặng.
  • Bệnh rất nặng có sốt hoặc sốt rét nặng.
  • Bệnh rất nặng có sốt : viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết…
  • Sởi biến chứng nặng.
  • Hội chứng sốc sốt xuất huyết Dengue.
  • Có khả năng sốt xuất huyết Dengue nặng.

Phân loại các nguyên nhân gây sốt có thể điều trị tại tuyến y tế cơ sở có theo dõi :

  • Viêm phổi
  • Ho hoặc cảm lạnh.
  • Lỵ.
  • Sốt rét (xét nghiệm máu dương tính).
  • Sởi có biến chứng mắt hoặc miệng.
  • Đang mắc sởi.
  • Viêm tai cấp.
  • Các nguyên nhân gây sốt khác không được đề cập đến trong hướng dẫn đánh giá và phân loại mà các bạn phát hiện được và đánh giá có thể điều trị được.

Không giữ lại điều trị tất cả các trường hợp có sốt >7 ngày.

Phát hiện các dấu hiệu kèm theo sốt và ra quyết định xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán nguyên nhân . (tuyến bệnh viện).

Hầu hết các trường hợp sốt dưới 7 ngày là các bệnh virus tự giới hạn, hoặc các nhiễm trùng có chỉ điểm rõ ràng mà ngưòi thầy thuốc điều trị thấy có hiệu quả hết sốt, có thể là các nhiễm trùng cấp tính nặng nề được phân loại là bệnh rất nặng có sốt, các bệnh lý này diễn biến khó lường phức tạp, song các biểu hiện lâm sàng tương đối rõ nét để hướng tới một cơ quan bị bệnh hay một nguyên nhân gây sốt, giúp người thầy thuốc xác định sớm chẩn đoán, điều trị và thường không kéo dài thời gian gây sốt. Vì vậy những trường hợp sốt chưa rõ nguyên nhân gây sốt thường có sốt > 7 ngày hoặc kéo dài hơn .

Thực tế không có một kế hoạch nào cố định, độc nhất cho việc tìm kiếm căn nguyên một trường hợp sốt chưa rõ nguyên nhân. Hãy chia xẻ và thông cảm với bà mẹ về tình trạng sốt của con họ mà chúng ta chưa tìm ra nguyên nhân. Hảy hỏi bệnh sử một cách kỷ càng, điều tra tỉ mỉ dịch tể học các bệnh lây nhiễm, thăm khám lâm sàng thận trọng, chi ly, không bỏ sót từng chi tiết, từng ngày, hoặc nhiều hơn trong một ngày để phát hiện các triệu chứng mới phát sinh, phát hiện các triệu chứng kèm theo sốt, ra những quyết định xét nghiệm bổ sung đầy đủ, đúng, kịp thời để sớm xác định nguyên nhân gây sốt, chỉ định các điều trị thích hợp theo hướng chẩn đoán nghi ngờ để sớm chấm dứt tình trạng sốt của trẻ.

Sau đây là một vài gợi ý về nguyên nhân gây sốt và hướng dẫn ra quyết định xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán nguyên nhân sốt ở một số tình huống lâm sàng thường gặp .

Nghi ngờ bệnh lao

Ở những trẻ có tiếp xuác với nguồn lây lao, mặc dù đã được chủng BCG, trẻ có sốt, sốt về chiều, chán ăn, sút cân, có các biểu hiện đặc hiệu nghi ngờ lao tại phổi hoặc các triệu chứng đặc thù của lao ngoài phổi. (mười dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị lao)

  • Công thức máu : thiếu máu nhẹ, bạch cầu tăng nhẹ, lymphocyte chiếm ưu thế.
  • VSS : tăng trong 60 – 80 % trường hợp.
  • IDR : dương tính, có thể âm tính trong trường hợp lao nặng, suy giảm miễm dịch.
  • X quang phổi : thấy hình ảnh phức hợp nguyên thủy, viêm rảnh liên thùy, phản ứng màng phổi, hạch rốn phổi trong trường hợp lao sơ nhiễm, hình ảnh phế quản phế viêm trong lao phổi, tràn dịch màng phổi do lao và hình ảnh lao kê.
  • Tìm BK đàm : nếu trẻ có ho khạc đàm .
  • Tìm BK dạ dày : hút dịch dạ dày tìm BK
  • chọc dò màng phổi: nghi tràn dịch màng phổi do lao
  • chọc hạch, sinh thiết hạch : nghi ngờ lao hạch
  • chọc dò màng bụng : nghi ngờ lao màng bụng .
  • Chọc dò nước não tủy : nghi ngờ lao màng não .
  • X quang xương cột sống thẳng nghiêng : lao cột sống.
  • X quang khớp háng : lao khớp háng .

Nghi ngờ nhiễm trùng

Nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu, phổ biến gây sốt, một số nhiễm trùng có thể xác định chắc chắn qua thăm khám lâm sàng, một số khác cần xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán xác định.

  • Công thức máu : có thể thiếu máu, bạch cầu tăng cao chủ yếu là trung tính .
  • VSS : tăng
  • CRP : tăng
  • Cấy máu : nghi ngờ nhiễm trùng huyết, viêm nội tâm mạc, thương hàn
  • X quang phổi : nghi viêm phổi, tràn dịch màng phổi.
  • X quang xương : nghi ngờ viêm xương tủy xương .
  • Khi nghi ngờ nhiễm trùng đường tiểu: Xét nghiệm nước tiểu : sinh hóa, tế bào vi trùng, cặn lắng, siêu âm bụng tìm sỏi niệu quản, viêm thận bể thận, ứ nước thận, x quang đường tiểu, chụp hệ tiết niệu có cản quang (UIV) , các xét nghiệm sinh hóa máu liên quan chức năng thận, ure máu, creatinin máu …
  • Khi nghi ngờ áp- xe trong ổ bụng: siêu âm bụng có thể xác định được áp-xe gan, lách, áp xe ruột thừa, khoảng dưới cơ hoành, tụy, áp-xe quanh thận …
  • Nghi viêm xoang : chụp x quang các xoang, xương chủm, chụp blondeau-Hizt.
  • Nghi ngờ áp-xe não: soi đáy mắt, CT scan sọ não.

Sốt + xuất huyết

  • Sốt xuất huyết Dengue: CTM, tiểu cầu, Hct, siêu âm bụng và phổi tìm dấu hiệu thoát dịch, trường hợp có choáng hoặc chảy máu nhiều, can thiệp dịch chuyền: Điện giải đồ, chức năng đông máu, SGOT,SGPT, theo dõi Hct và tiểu cầu. Phân loại nhóm máu khi cần chuyền máu.
  • Nhiễm trùng huyết não mô cầu : CTM, cấy máu, nếu bệnh nhân chưa có choáng có thể chọc nước não tủy, xét nghiệm sinh hóa, tế bào, vi trùng, soi, cấy.
  • Nhiễm trùng huyết, tắc mạch do nhiễm trùng: trong bối cảnh nhiễm trùng nặng, có thể phát hiện các đám xuất huyết, hoại tử trên da ở các tỉnh mạch nông. CTM, cấy máu
  • Bệnh viêm mao mạch dị ứng (Schoenlein – Henoch), Bệnh giảm tiểu cầu tiên phát, Bệnh Hemophilie : Các bệnh lý gây xuất huyết và chảy máu này thường không kèm theo sốt hoặc sốt tự giới hạn, nên hỏi tiền sử bệnh, thăm khám các hình thái xuất huyết đặc thù trên lâm sàng, nếu có sốt cao thường phải tìm thêm nguyên nhân nhiễm khuẩn phối hợp. CTM, tiểu cầu, TS,TC, chức năng đông máu, các yếu tố đông máu.
  • Bệnh về máu : Bệnh bạch cầu, suy tủy, thường kèm theo sốt nên làm các xét nghiệm CTM, huyết đồ máu ngoại vi trước khi quyết định chọc tủy xét nghiệm.
  • Xuất huyết não màng não: bệnh sử có thể không có sốt, khi đã xuất huyết thường có sốt kèm theo, chọc nước não tủy có máu, chụp CT scan sọ não, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi có xuất huyết da, niêm mạc, tỷ prothrombin giảm, có dấu hiệu thần kinh, siêu âm qua thóp có bằng chứng xuất huyết thì không có khuyến cáo chọc nước não tủy để chẩn đoán, trừ trường hợp chỉ định chọc để giảm áp lực nội sọ.
  • Xuất huyết do giảm tỷ prothrombin: gặp ở trẻ sơ sinh và dưới 5 tháng thường không kèm theo sốt, nếu có sốt, cảnh giác xuất huyết não – màng não : CTM, tiểu cầu, TS, TC, Tỷ prothrombin, siêu âm qua thóp.
  • Chảy máu tiêu hóa : có thể kèm theo sốt như lỵ trực trùng, viêm ruột hoại tử, sốt xuất huyết dengue có xuất huyết tiêu hóa, nhiều bệnh lý khác không kèm theo sốt, hướng nghi ngờ dựa vào bệnh sử và thăm khám lâm sàng, trực tiếp xem phân, trong những tình huống cần gián biệt lồng ruột nên chỉ định siêu âm bụng và x quang bụng không chuẩn bị, chỉ định nội soi thường thực hiện với các bệnh lý không kèm theo sốt.
  • Xuất huyết kết mạc : gặp trong ho gà, thường không có sốt vào giai đoạn ho cơn này, nếu có sốt kèm theo nên cho chụp x quang phổi.
  • Các sang chấn sau đẻ: thường phát hiện qua thăm khám lâm sàng và tiền sử sản khoa của trẻ

Sốt + phát ban

  • Sởi , sởi Đức : dấu koplik, ban phát theo tuần tự, bay theo tuần tự, sốt giảm, để lại vết thâm đen trên da.
  • Echo virus : sốt , ỉa chảy, ban dạng chấm, thưa thớt ở bụng lưng.
  • Đào ban ấu nhi : sốt cao liên tục, 5-6 ngày, giảm sốt, ban phát toàn thân không theo tuần tự, bay nhanh, không để lại dấu vết.
  • Sốt Dengue: ban dạng sởi, dạng dị ứng, xuất hiện nhanh, biến mất nhanh.

Các bệnh lý virus có phát ban này thường kèm theo sốt trước khi phát ban, để chẩn đoán xác định đòi hỏi các xét nghiệm cao cấp để chẩn đoán virus, vì vậy về mặc chẩn đoán lâm sàng đòi hỏi các bạn hỏi kỷ lại yếu tố dịch tể, chủng ngừa, thăm khám ban trên lâm sàng, chẩn đoán gián biệt giữa các ban, và với dị ứng da, dị ứng thuốc, trước khi đưa ra quyết định của mình.

  • Ban do tụ cầu : gặp trong bối cảnh tụ cầu phổi-màng phổi hoặc nhiễm trùng huyết tụ cầu, CTM, cấy máu, tùy theo cơ quan tổn thương tụ cầu, chụp x quang phổi, chụp xương…
  • Ban vòng : gặp trong bệnh lý thấp tim, làm các xét nghiệm về thấp CTM, VSS, ASLO, Waaler-Rose, Fibrinogen, ECG, siêu âm tim …, ban vòng là dấu chứng hiếm gặp trong thấp, nếu đúng là ban vòng thì có giá trị chẩn đoán thấp rất cao, thường gặp hơn là các dấu chứng về đau khớp, sốt mệt mõi và một tiếng thổi tâm thu ở tim.
  • Dị ứng da: hỏi tiền sử dị ứng, thường kèm theo ngứa, phù nề tại chổ khi gải, thường gặp là do thức ăn, tiếp xúc với côn trùng, phấn hoa, cây sơn, hóa chất…
  • Dị ứng thuốc: tổn thương thường cả da và niêm mạc, ban sẩn, thường kèm theo xuất huyết, bọng nước, và bong da, hỏi lại tiền sử dùng thuốc, chú ý các thuốc dễ gây dị ứng, hội ý thêm với da liễu.
  • Lupút đỏ: đặc biệt có ban hình cánh bướm ở mặt, kèm tổn thương bệnh lý nhiều cơ quan khác, đồng thời với ban dỏ ngoài da và sốt chẩn đoán xác định tìm kháng thể kháng nhân (anti-nuclear antibody), tuy vậy kháng thể kháng nhân còn có thể dương tính trong một số bệnh lý khác như: thấp, scleroderma, bệnh gan mãn và tăng đơn nhân nhiễm trùng.
  • Bệnh collagen: sốt kéo dài, sốt không theo một quy luật nào, có thể kèm phát ban trên da, tổn thương nhiều cơ quan, chẩn đoán cần các xét nghiệm miễm dịch cao cấp, sốt thường đáp ứng với corticoide, thường cho làm quá nhiều xét nghiệm mà không tìm ra nguyên nhân.

Sốt + thiếu máu

  • Sốt rét : cơn sốt điển hình sốt rét kèm thiếu máu, nên kéo máu tất cả các trường sốt có nguy cơ sốt rét, sốt không có nguy cơ sốt rét, chưa rõ nguyên nhân gây sốt cũng phải kéo máu tìm ký sinh trùng sốt rét nhiều lần.
  • Thương hàn: thường kèm thiếu máu nhẹ, vừa ở tuần thứ 2 của sốt, gan lách lớn, đau bụng, vẽ mặt thương hàn, CTM bạch cầu thường giảm, cấy máu, phản ứng Widal, cấy phân, cấy nước tiểu.
  • Bệnh về máu: Thường có kèm theo xuất huyết, như đã trình bày phần trên, riêng bệnh bạch cầu và suy tủy thường gây thiếu máu nặng.
  • Bệnh tan máu : Sốt, thiếu máu, vàng da, lách to là chỉ điểm của một bệnh lý tan máu: như sốt rét, bất đồng nhóm máu mẹ con ở trẻ sơ sinh, bệnh về màng hồng cầu, bệnh hồng cầu liềm, bệnh huyết sắc tố, thalassemie, tan máu do kháng nguyên-kháng thể. CTM, KSTSR, test coombs, bilirubin máu, nhóm máu, huyết đồ, sức bền hồng cầu, điện di huyết sắc tố, …
  • Các ổ nhiễm trùng sâu : sốt kéo dài, nhiễm trùng rõ ràng, thiếu máu mặc dù chưa nhận định được ổ nhiễm trùng.
  • Suy dinh dưỡng, nhẹ cân, thiếu Fe: thường không kèm theo sốt, tuy vậy trên cơ địa này nguy cơ nhiễm trùng cao, nếu có kèm sốt nên tìm theo hướng nhiễm trùng, cho chụp x quang phổi.

Sốt và co giật

  • Sốt cao co giật lành tính : gặp ở trẻ <3 tuổi, khi bệnh nhân hết co giật, cần khám kỷ dấu hiệu thần kinh, thường không có một biểu hiện thần kinh nào đáng lo ngại, có thể có tiền sử sốt cao thì co giật, cần tìm nguyên nhân gây sốt ngoài hệ thần kinh, nếu không loại trừ được bệnh lý não – màng não thì nên chỉ định chọc tủy sống, nước não tủy bình thường sinh hóa và tế bào.
  • Viêm não virus : sốt cao, co giật, hôn mê, chọc nước não tủy trong.
  • Viêm màng não mủ: chọc nước não tủy có màu ám khói, mờ, đục mờ, đục, mủ đặc.
  • Viêm màng não nước trong: sốt, co giật, dấu màng não rõ, nước não tủy trong.
  • Sốt rét ác tính: sốt cao, co giật, hôn mê, thiếu máu nhẹ hoặc nặng, gan lách lớn, ở vùng có nguy có sốt rét, chú ý khai thác kỷ cơn sốt trên lâm sàng.
  • Lỵ trực trùng : sốt cao, co giật, ỉa chảy, ỉa phân nhầy, hoặc phân nhầy máu, thường xuất hiện co giật kèm theo sốt mà chưa có các dấu hiệu của đường tiêu hóa, được gọi là lỵ trực trùng thể co giật sớm, thường gặp ở trẻ nhỏ <3 tuổi.

Các bệnh lý trên đây đều có khả năng gây sốt kèm co giật, để chẩn đoán cần hỏi bệnh kỷ càng, thăm khám dấu thần kinh cẩn thận và ra quyết định xét nghiệm bổ sung đầy đủ : CTM, KSTSR, CRP, đường máu, điện giải đồ, chọc tủy sống xét nghiệm sinh hóa, tế bào, vi trùng, cấy máu nếu nghi ngờ kèm nhiễm trùng huyết, soi phân, cấy phân.

  • Động kinh : thường không kèm theo sốt, trong tiền sử có co giật rõ, hoặc đang được điều trị duy trì thuốc chống động kinh, nếu có kèm theo sốt cần làm rõ nguyên nhân sốt.

Các xét nghiệm cao cấp, đắt tiền, và các xét nghiệm có can thiệp bạn nên suy tính thận trọng tốt nhất là sau khi đã có các kết quả xét nghiệm cơ bản. Tất nhiên điều trị nguyên nhân sốt theo hướng lâm sàng mà bạn chẩn đoán khi trẻ vào viện, theo dõi đáp ứng lâm sàng với điều trị của bạn đã cho, cọng thêm kết quả các xét nghiệm bổ sung giúp bạn cũng cố hướng chẩn đoán của bạn hoặc có các bước đi tiếp theo để tiếp tục làm rõ nguyên nhân gây sốt.

Điều trị triệu chứng sốt và các hậu quả của sốt

Sốt là một phản ứng thích ứng của cơ thể khi bị nhiễm trùng, là dấu hiệu giúp theo dõi sự diễn biến của bệnh để xác định thêm một bước chẩn đoán lâm sàng, đồng thời đánh giá kết quả trị liệu đặc hiệu. Trong bệnh nhiễm trùng, không nên cho thuốc hạ sốt một cách máy móc để đối phó với triệu chứng sốt mà không cố gắng tìm ra bệnh nguyên để xử trí đặc hiệu, trừ trường hợp trẻ sốt quá cao và có các triệu chứng có hại.

Sử dụng thuốc hạ nhiệt cho trẻ em, liều lượng, cách dùng

Thuốc hạ nhiệt được khuyến cáo dùng cho trẻ em là Paracétamol, thuốc được điều chế dưới nhiều dạng : dạng dung dịch uống, gói bột pha dung dịch uống, viên sủi pha dung dịch uống, và viên nén uống, ngoài đường uống viên tọa dược dùng theo đường hậu môn, không nên dùng thuốc hạ nhiệt theo đường tiêm bắp và đường tĩnh mạch đối với trẻ em.

Paracétamol dạng uống được hấp thu nhanh và gần như hoàn toàn, dạng tọa dược được chỉ định khi trẻ nôn hoặc không uống được, thuốc được hấp thu kéo dài hơn, tác dụng của cả 2 dạng là tương đương. Thuốc phân phối nhanh trong môi trường, liên kết với protein huyết tương, nồng độ tối đa đạt được sau 30 -60 phút đối với dạng uống, sau 2 -3 giờ đối với dạng tọa dược. Thuốc chuyển hóa ở gan, đào thải trong nước tiểu, có 4% được chuyển hóa dưới tác

dụng của cytochrome P450 thành chất chuyển hóa, chất này sau đó được liên hợp với glutathion, trường hợp ngộ độc do dùng liều cao là do lượng chất chuyển hóa này tăng lên.

Chống chỉ định ở trẻ qúa mấn cảm với Paracétamol, suy chức năng gan. Một vài trường hợp dùng có dị ứng : phát ban ngoài da, hồng ban, nổi mề đay. Triệu chứng quá liều là buồn nôn, ói mữa, chán ăn, xanh xao, đau bụng. Ở trẻ em dùng một liều > 150mg/Kg có thể gây phân hủy tế bào gan đưa đến hoại tử hoàn toàn và không hồi phục, nhiễm toan chuyển hóa, bệnh lý não dẫn đến hôn mê hoặc tử vong. Liều lượng đối với trẻ < 5 tuổi, theo khuyến cáo của chương trình IMCI, uống Paracétamol đối với trẻ có nhiệt độ nách  38.50C, uống 6 giờ 1 lần cho đến khi hết sốt cao.

Paracétamol
Cân nặng hoặc tuổi Viên (100 mg) Viên (500 mg)
4 -< 6 kg (2 – <4 tháng) 1/2 viên /lần 1/8 viên /lần
6 -< 14 kg (4th – < 3 tuổi) 1 viên /lần 1/4 viên /lần
14 – 19 kg (3 -< 5 tuổi ) 2 viên /lần 1/2 viên /lần

Trẻ em liều lượng Paracétamol là :10 -15 mg/kg/1 lần uống, hoặc 60mg/kg/24 giờ, chia 4 lần uống/ngày, nên lấy lại nhiệt độ trước khi uống liều tiếp theo.

Đối với các trẻ có tiền sử sốt cao gây co giật, nên chủ động cho an thần khi có sốt, gardenal uống liều 7 -10 mg/kg, nếu không uống được có thể cho theo đường tiêm bắp hoặc tỉnh mạch đồng thời chủ động cho hạ nhiệt sớm. Nếu trẻ đang lên cơn co giật có sốt bằng mọi giá phải xử trí cắt cơn giật ưu tiên trước khi cho các chỉ định điều trị khác.

Các biện pháp hạ nhiệt vật lý

Trẻ không nên ủ ấm quá mức, mặc thoáng mát. Có thể dùng quạt, máy điều hòa nhiệt độ, lau mát, đắp khăn ước ở trán, lau ấm bằng nước ấm thấp hơn nhiệt độ sốt. Không nên đắp nước đá trực tiếp lên trán, lên bụng, không nên thụt nước đá rữa dạ dày, không nên bôi cồn toàn thân. Tránh cho trẻ có cảm giác khó chịu, tránh cho trẻ có cảm giác lạnh và quá lạnh gây nên phản ứng run và co mạch ngoại vi.

Tham vấn cho bà mẹ về chế độ ăn, uống khi trẻ bị sốt

  • Theo dõi phát hiện dấu hiệu nặng: một trẻ có sốt không có chỉ định điều trị nội trú cần dặn bà mẹ mang trẻ khám lại sau hai ngày và tham vấn cho bà mẹ các triệu chứng cần mang trẻ khám lại ngay.
  • Cho trẻ ăn uống đủ nước: Tham vấn cho bà mẹ về chế độ ăn, ăn bình thường, ăn nhiều bửa, không nên cho trẻ ăn ít lại, nhất là không nên cho trẻ ăn thiếu chất, ví dụ: các mẹ hay cho con mình ăn cháo muối khi bị bệnh. Chú ý khâu nước uống, uống nước nhiều hơn bình thường, giải thích cho bà mẹ hiểu vì sao phải uống nước nhiều hơn, các loại dịch mà trẻ uống được, kiểm tra và khen ngợi bà mẹ về điểm này.
  • Không nên mặc nhiều quần áo: nhất là các áo quần ấm. Lưu ý có sự khác biệt khi trẻ sốt về mùa quá nóng và quá lạnh.
  • Không nên chích lễ: thăm khám một trẻ sốt có chích lễ hoặc không có chích lễ cũng nên tham vấn cho bà mẹ không được chích lễ trẻ khi trẻ bị sốt, và đề nghị tham vấn lại cho các bà mẹ hàng xóm về vấn đề này, tập quán này hay gặp ở vùng nông thôn.

Tóm lại phải đánh giá sốt cho đúng cả hai mặt lợi và hại. Điều trị bệnh nguyên là phương pháp hạ nhiệt tốt nhất và đúng đắn nhất. Tuy nhiên vẫn phải ngăn ngừa tác hại của sốt bằng cách phối hợp thải nhiệt qua da với thuốc hạ sốt để hạ ngưỡng nhiệt cao ở hạ khâu não song song với điều trị đặc hiệu.

Đăng ký nhận thông báo
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả các bình luận
You cannot copy content of this page
Copy link
Powered by Social Snap