TÁC DỤNG CỦA ACID FOLIC LÊN PHỤ NỮ MANG THAI
Acid folic là vi chất rất quan trọng đối với phụ nữ ở tuổi sinh nở và em bé trong tương lai. Vậy, acid folic có vai trò như thế nào đối với thai nhi và cách sử dụng ra sao để hiệu quả cao nhất, chúng ta cùng tìm hiểu một số vấn đề sau.
- Vai trò của Acid folic (vitamin B9) đối với thai phụ:
Acid folic hay còn gọi là folate hoặc folacin, là một trong những vitamin B rất cần thiết cho sự phát triển, phân chia tế bào và sự hình thành của tế bào máu, sự sản sinh, phục hồi và chức năng lại AND, bản đồ di truyền và các tế bào.
Acid folic còn giúp tăng cường sự phát triển của nhau thai và thai nhi. Sự gia tăng nhu cầu Acid Folic đối với phụ nữ mang thai tăng lên nhằm đáp ứng sự gia tăng của quá trình phân chia tế bào cũng như tăng kích thước của tử cung, cần cho sự tổng hợp nhân tế bào và protein, hình thành rau thai, tăng trưởng của bào thai và do tăng thải folate qua nước tiểu trong khi mang thai.
Những nghiên cứu khoa học trên thế giới về ảnh hưởng của việc thiếu hụt Folate trên sức khỏe con người
Khoa học từ lâu đã xác nhận: thiếu Acid folid con người sẽ bị những rối loạn sau: thiếu máu, giảm sức đề kháng, trầm cảm do rối loạn tâm thần. Thai phụ thiếu acid folic có thể bị bệnh thai trứng, thai suy dinh dưỡng.
Các nghiên cứu trong những thập niên gần đây tập trung vào việc ảnh hưởng của việc thiếu Folate lên sức khỏe sinh sản:
- Thiếu Folate sẽ làm cho phụ nữ khó thụ thai, bị thiếu máu do thiếu hồng cầu có chất lượng, bệnh Sikle cell (WHO) 2000.
- Một nghiên cứu của Scholl và cộng sự ở Mỹ năm 1996: các em bé con của các bà mẹ thiếu Acid folic dễ bị sanh non và khi sanh ra sẽ bị nhẹ cân.
- Thiếu hụt Acid folic sẽ làm cho nồng độ homocystein trong máu cao liên quan đến các biến chứng như nhau bong non, thai chết lưu, tiền sản giật và sản giật (Rolschau et cs 1999).
Từ năm 1988, nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã nghiên cứu vai trò của Folate trong việc phòng tránh khiếm khuyết ống thần kinh…Các thử nghiệm cho thấy:
- Phụ nữ có bổ sung vitamin có chứa Acid folic trước và trong 6 tuần đầu của thai kỳ làm giảm đáng kể nguy cơ khiếm khuyết ống thần kinh:
- Theo Werler và Michell 1993: tỷ lệ giảm 60% .
- Theo Milunsky và cộng sự 1989, Stanley 1989: 75% .
- Một nghiên cứu ở Trung Quốc năm 1999 trên một số lượng lớn: trên 12000 phụ nữ mang thai. Kết quả cho thấy: tỷ lệ khiếm khuyết ống thần kinh ở trẻ sơ sinh trong nhóm không uống là 5.8 phần ngàn và nhóm có uống thuốc là 1.6 phần ngàn.
- Việc bổ sung Folate làm giảm nguy cơ tái diễn khiếm khuyết ống thần kinh:
- Nguy cơ tái diễn khiếm khuyết ống thần kinh ở lần mang thai thứ hai của các bà mẹ tiền căn sanh con khuyết ống thần kinh tăng 10 lần.
- Tỷ lệ giảm 80% ở những bà mẹ này khi có bổ sung Acid folic: Smithells và cộng sự.
- Nghiên cứu mù đôi ở Anh bổ sung 4mg Acid folic mỗi ngày làm giảm hơn 70% tỷ lệ tái diễn khiếm khuyết ống thần kinh cho trẻ sơ sinh.
- Ceizel 1993 (Ý): cho các thai phụ uống 800 microgram Acid folic mỗi ngày làm giảm tần số xuất hiện các khiếm khuyết ống thần kinh cũng như các khiếm khuyết sơ sinh khác so với nhóm Placebo.
Các bệnh lý có thể xảy ra nếu thai phụ thiếu Acid Folic trong khi mang thai:
- Thiếu máu hồng cầu khổng lồ.
- Sinh non.
- Nguy cơ sẩy thai.
- Suy dinh dưỡng bào thai.
- Khuyết tật bẩm sinh.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng acid folic có thể giúp giảm nguy cơ các khuyết tật khác của bé như sứt môi, hở hàm ếch và một số loại khuyết tật tim. Nó cũng có thể làm giảm nguy cơ tiền sản giật, rối loạn huyết áp nghiêm trọng ảnh hưởng đến khoảng 5% phụ nữ mang thai. Đặc biệt là nguy cơ khuyết tật của ống thần kinh của thai.
Hình 1. Phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ cần bổ sung đầy đủ acid folic để thai nhi phát triển một cách tốt nhất.
- Dị tật ống thần kinh:
Trên thế giới, trung bình hằng năm có khoảng hơn 300.000 trẻ sinh ra bị dị tật ống thần kinh (NTDs – Neural Tube Defects), là một dị tật bẩm sinh của não bộ và tủy sống rất nghiêm trọng. Dị tật ống thần kinh là một trong những nguyên nhân quan trọng gây tử vong sơ sinh và tàn tật suốt đời, điều đó cần phải được ngăn chặn. Một nghiên cứu cho rằng cần đến 400 microgam acid folic hằng ngày trước và trong giai đoạn sớm của thai kì để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh. Acid folic là một loại vitamin nhóm B (vitamin B9) có thể ngăn ngừa dị tật ống thần kinh. Mặc dù, cơ chế còn chưa được hiểu rõ, nhưng một số giả thuyết cho rằng Folate cần thiết cho việc sản xuất và bảo trì các tế bào mới trong đó có tế bào thần kinh do đó lợi ích của việc sử dụng acid folic là rất lớn.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Phòng tránh bệnh Hoa Kỳ (CDC), các phụ nữ nên cung cấp cho cơ thể một lượng acid folic ít nhất một tháng trước khi mang thai, hoặc trong quý đầu thời kỳ mang thai để giảm 50% – 70% nguy cơ bị khuyết tật ống thần kinh cho trẻ, acid folic thậm chí còn giúp phòng tránh một số dị tật về môi, tim, ống tiểu và chân tay ở trẻ mới sinh.
Ống thần kinh và dị tật ống thần kinh:
Ở một phôi thai đang phát triển trong bụng mẹ thì hệ thần kinh sơ khai nhất có hình dạng một cái ống nằm dọc sau lưng trẻ được gọi là ống thần kinh. Ống thần kinh này dần dần sẽ phát triển thành tủy sống, não và xương bao quanh não, tủy, tức là cột sống và xương sọ. Ống thần kinh phát triển từ rất sớm, vào tuần thứ 3 của thai kỳ. Bắt đầu từ ngày thứ 18, ống thần kinh sẽ khép dần lại cho đến ngày thứ 28 ống thần kinh sẽ khép hoàn toàn.
.
Hình 2. Quá trình phát triển của ống thần kinh.
Nếu có một bất thường nào đó xảy ra trong quá trình quá trình này thì dị tật ống thần kinh sẽ xuất hiện. Và nguyên nhân thường là do cơ thể người mẹ không có đủ hàm lượng acid folic khiến cho ống thần kinh không khép kín, từ đó gây ra các dị tật não úng thủy, nứt đốt sống, kèm các dị tật khác như sứt môi, hở hàm ếch, dị tật tim, liệt các chi,… hay thậm chí gây tử vong. Các dị tật ống thần kinh có thể nhẹ nhàng khó phát hiện hoặc rất nặng nề gây thai chết lưu hoặc chết sớm sau sinh.
Có 2 loại dị tật ống thần kinh:
- Dị tật mở: phổ biến hơn, xảy ra khi não và/hoặc tủy sống được tiếp xúc khi sinh thông qua một số khiếm khuyết trong sọ hoặc cột sống. Chẳng hạn như thai vô sọ, tật nứt đốt sống.
- Dị tật kín: xảy ra khi khiếm khuyết được bao phủ bởi da.
Một số dị tật ống thần kinh thường gặp là thai vô sọ, tật nứt đốt sống, thoát vị não – màng não.
- Thai vô sọ:
Là loại khiếm khuyết ống thần kinh rất nghiêm trọng. Ở trường hợp này, não hầu như không phát triển. Trẻ bị tật vô sọ đều chết trong tử cung hoặc chết ngay sau khi sinh.
- Tật nứt đốt sống:
Là loại khiếm khuyết do ống thần kinh không đóng kín ở vùng thắt lưng làm lộ tủy sống ra ngoài. Trẻ bị tật này thường có các biến chứng:
- Vận động khó khăn, thậm chí không thể vận động được.
- Mất khả năng kiểm soát đại tiểu tiện.
- Có hiện tượng tăng áp lực trong sọ não: não úng thủy…
- Tật thoát vị não- màng não:
Chiếm khoảng 10% các dị tật ống thần kinh. Trẻ bị tật này não bị lộ ra ngoài xương sọ và chỉ được da bao bọc. Trẻ có thể sống nếu được điều trị nhưng sẽ bị khuyết tật nặng về tâm thần .
Hình 3. Một số dị tật ống thần kinh thường gặp.
Việc bổ sung Acid Folic từ trước khi thụ thai mới có hiệu quả dự phòng khuyết tật ống thần kinh cho thai nhi. Đặc biệt, những thai phụ đang điều trị bệnh động kinh grain sốt rét càng cần được bổ sung chất này vì các thuốc họ dùng có thể gây thiếu hụt Acid Folic.
- Tác dụng phụ:
Hiện vẫn không có bằng chứng nào về tác dụng phụ của thuốc ở những người có sức khỏe bình thường, mặc dù có thể có vấn đề ở nhóm người nào đó.
Nếu bổ sung acid folic quá liều có nguy hiểm không?
Mặc dù acid folic rất cần thiết cho cơ thể, tuy nhiên nếu dùng quá nhiều, acid folic có thể gây tác hại không nhỏ cho sức khỏe. Nó có thể che dấu tình trạng thiếu vitamin B12, là tình trạng gây thiếu máu nguy hiểm và thường thấy ở người lớn tuổi. Liều acid folic cao (trên 1 gam mỗi ngày) có thể cải thiện tình trạng thiếu máu do thiếu vitamin nhưng lại không điều chỉnh được tình trạng thiếu vitamin B12. Nếu không được điều trị, tình trạng thiếu vitamin B12 có thể gây tổn thương thần kinh không hồi phục.
Ngoài ra, việc sử dụng acid folic quá liều gây tăng sinh tế bào. Sự tăng sinh nhanh chóng sẽ dẫn đến thoái hóa tủy sống bán cấp. Đối với những người có khối u, acid folic cũng gây tăng sinh tế bào, làm cho khối u phát triển nhanh hơn.
Thừa acid folic còn có thể gây ra chứng ngứa, nổi ban, mề đay và rối loạn tiêu hóa. Trên thực tế, có thể rất nhiều người (đặc biệt là trẻ em) đã gặp các phản ứng này nhưng không biết nguyên nhân là do thừa acid folic.
Tuy nhiên, cách “giải độc” chất này lại rất đơn giản. Acid folic là một sinh tố tan được trong nước, vì vậy, bạn chỉ cần uống thật nhiều nước để lượng acid dư thừa được thải ra ngoài cơ thể qua đường tiểu.
Cần lưu ý rằng thuốc chống co giật sử dụng ở những bệnh nhân động kinh cũng có thể mất tác dụng nếu dùng acid folic liều cao.
- Một số loại thức ăn giàu acid folic và một số chế phẩm chứa acid folic:
Thực phẩm chứa acid folic
Acid folic có trong nhiều loại thực phẩm như các loại rau lá màu (màu xanh càng đậm càng tốt như rau dền, củ cải, bông cải…), trong các loại đậu đỗ (đậu Hà lan, đậu nành…), mầm lúa mì, cám lúa mì, trong hoa quả như cam, chanh, bưởi, cà rốt, cà chua. Tất cả những phụ nữ muốn mang thai nên ăn thêm những thực phẩm này hàng tháng trước khi có thai.
Thức ăn nguồn gốc động vật thì acid folic có nhiều trong gan (gan lợn, gà, bò…) và thịt gia cầm, sữa…
Dược phẩm chứa acid folic:
Thuốc dạng viên liều 400 microgram, uống ngày 1 viên từ 3 tháng trước khi có thai đến khi sinh.
Trong dạng acid folic uống, 1 bịch khoảng 1 ly đầy chứa đủ lượng acid folic cần dùng hàng ngày. Dạng này thích hợp cho những người không muốn dùng thuốc viên.
Lưu ý: các loại thực phẩm đóng hộp đã làm mất đi từ 50 đến 90% acid folic có trong đó, bởi trong quá trình chế biến acid folic đã bị mất đi bởi sức nóng. Chính vì thế, sẽ là rất quan trọng và cần thiết để nên ăn những món ăn được chế biến từ các loại thực phẩm tươi sống. Đối với các món rau không nên ngâm quá lâu trong nước và nấu chín kỹ. Chính vì vậy mà cần bổ sung thêm sắt theo đường uống.
Hình 4. Một số thực phẩm chứa acid folic.
- Liều dùng của acid folic:
Nhu cầu acid folic với người trưởng thành là 400-500mcg/người/ngày và khi có thai, nuôi con bú thì nhu cầu cần cao hơn gấp rưỡi là 600mcg/người/ngày. Để đảm bảo đủ lượng acid folic khi có thai, ngoài ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng thì phụ nữ có thai cần được bổ sung thêm acid folic bằng đường uống là 400mcg/ngày.
Là một vitamin tan trong nước, acid folic được đào thải ra ngoài theo nước tiểu và mồ hôi nếu được đưa vào cơ thể với lượng cao. Liều an toàn của acid folic rất rộng. Theo báo cáo của nhóm chuyên gia quốc tế về các vitamin và khoáng chất năm 2002 thì giới hạn trên cho phép của acid folic là 1000 mcg/ngày ở người trưởng thành.
Ngoài ra khi có thai, dự trữ sắt trong cơ thể phụ nữ không đáp ứng đủ việc tạo hồng cầu, do sự tăng thể tích máu ngày càng nhiều để nuôi thai nhi. Bệnh thiếu máu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ cả mẹ lẫn con. Người mẹ thiếu máu thường mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, khó thở khi gắng sức, khi đẻ có nhiều rủi ro, tỷ lệ tử vong khi đẻ ở những người mẹ thiếu máu cao hơn so với bà mẹ bình thường. Người ta đã coi thiếu máu là một yếu tố nguy cơ trong sản khoa. Đối với thai nhi, thiếu máu thường gây tình trạng đẻ non và tử vong sơ sinh cao. Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh thường là do mẹ bị thiếu sắt nên lượng sắt dự trữ của cơ thể trẻ thấp, chính vì vậy mà chương trình phòng chống thiếu máu của Việt Nam hiện nay sử dụng viên sắt-folic với hàm lượng 60mg sắt và 400mcg acid folic.
Phụ nữ không mang thai bổ sung sắt/acid folic mỗi tuần 1 viên (60 mg sắt nguyên tố, 2800 mcg acid folic) trong thời gian 3 tháng, nghỉ 3 tháng, sau đó tiếp tục bổ sung 3 tháng. Phụ nữ có thai cần uống bổ sung viên sắt/acid folic 1 viên/ngày (60 mg sắt nguyên tố và 400 mcg acid folic) từ khi phát hiện có thai đến sau khi sinh một tháng. Để tránh tác dụng phụ (như buồn nôn, táo bón..) của viên sắt nên uống sau bữa ăn 1-2 giờ, sắt hấp thu tốt khi trong khẩu phần ăn sử dụng những thực phẩm có nhiều Vitamin C. Không uống sắt cùng với chè, cà phê vì chất tanin trong chè, cà phê sẽ giảm hấp thu sắt. Hơn nữa, để đảm bảo sức khoẻ của người mẹ và thai, tất cả phụ nữ mang thai nên được ăn uống đầy đủ hay uống thêm acid folic nhằm duy trì nồng độ bình thường trong thai để tránh cho thai nhi bị những bất thường như đã nói ở trên do thiếu acid folic.
Tài liệu tham khảo
Tài liệu Tiếng Việt
- Bệnh viện Từ Dũ: “Acid folic và dị tật ống thần kinh” – ThS. BS Nguyễn Khắc Hân Hoan. K. XNDTYH .
- Chi cục dân số – kế hoạch hóa gia đình “Các khiếm khuyết của ống thần kinh”.
- Viện dinh dưỡng quốc gia, “Bổ sung acid folic cho phụ nữ mang thai” PGS.TS Đỗ Thị Kim Liên.
- Viện dinh dưỡng quốc gia, “Bổ sung sắt, acid folic giúp cải thiện sức khỏe bà mẹ và thai nhi” PGS. TS. BS. Phạm Vân Thúy.
Tài liệu Tiếng Anh
- Babycenter: “Folic acid: Why you need it before and during pregnancy”. April 2016.
- “Neural tube defect” Condition Information 30.11.2012.
- National Center or Birth Defect and Developmental Disabilities (2012) “ Neural Tube Defect( Annual Report)”. US Center for Disease Control and Prevention.
TÁC DỤNG CỦA ACID FOLIC LÊN PHỤ NỮ MANG THAI
Thực hiện: Nhóm 1
1. Dương Thị Ngọc Anh
2. Nguyễn Trọng Tân
3. Nguyễn Thị Thuỳ Linh
4. Nguyễn Thị Khánh Phương
Huế 08/ 2016
YKHOA247.com thành lập với mục đích chia sẻ kiến thức Y Khoa.
Mọi thông tin trên trang web chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc không nên tự chẩn đoán và điều trị cho mình.