Thoái hóa khớp gối

Chào bạn, nếu bạn là sinh viên Y Khoa đã, đang hoặc sắp đi thực hành lâm sàng tại bệnh viện thì không nên bỏ qua Khóa học kiến thức lâm sàng nội khoa này nhé! Đây là khóa học chất lượng được đánh giá cao bởi khoảng 400 thành viên đăng ký là các sinh viên Y Khoa trên khắp cả nước và các bác sĩ nội khoa.

THOÁI HÓA KHỚP GỐI

ĐẠI CƯƠNG

Định nghĩa:

Thoái hóa khớp gối là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa sự tồng hợp và hủy hoại của sụn và xương dưới sụn. Sự mất cân bằng có thể được bắt đầu bởi nhiều yếu tố như di truyền, phát triển, chuyển hóa và chấn thương, biểu hiện cuối cùng của thoái hóa khớp là các thay đổi hình thái, sinh hóa, phân tử và cơ sinh học của tế bào và chất căn bản của sụn dẫn đến nhuyễn hóa nứt loét và mất sụn khớp, xơ hóa xương dưới sụn, tạo gai và hốc xương dưới sụn.

Dịch tễ học:

Thoái hóa khớp gặp ở mọi chủng tộc, dân tộc, mọi điều kiện khí hậu, địa lý, kinh tế. Tần số mắc bệnh tăng theo tuổi. Tỷ lệ thoái hóa khớp gối ở nữ cao hơn nam, ở Việt Nam tỷ lệ thoái hóa khớp nhiều hơn thoái hóa các khớp khác.

Phân loại:

Thoái hóa khớp được chia làm 2 loại sau:

Thoái hóa khớp nguyên phát: do quá trình lão hóa , yếu tố di truyền, nội tiết và chuyển hóa.

Thoái hóa khớp thứ phát: sau chấn thương khớp, các dị dạng bẩm sinh, rối loạn phát triễn, tiền sử phẩu thuật hay bệnh xương, rối loạn chảy máu, sau bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa.

CHẨN ĐOÁN

2.1. Triệu chứng lâm sàng:

Đau khớp kiểu cơ học

Hạn chế vận động: Các động tác của khớp khi đi lên hoặc xuống độ dốc, đang ngồi chuyển sang tư thế đứng, ngồi xổm, đi bộ lâu xuất hiện cơn đau….

Biến dạng khớp: Thường do các chồi xương tân tạo, do lệch trục khớp hoặc thoát vị màng hoạt dịch.

Các dấu hiệu khác:

Tiếng lạo xạo khi vận động.

Dấu “ phá rĩ khớp” cứng khớp buổi sáng ≤ 30 phút.

Có thể sờ thấy các chồi xương quanh khớp.

Teo cơ do ít vận động.

Tràn dịch khớp do phản ứng viêm của màng hoạt dịch.

Bệnh lý kèm theo như thừa cân, béo phì.

2.2 Cận lâm sàng

2.2.1 X quang qui ước

Hẹp khe khớp: khe không đồng đều, bờ không đầu.

Xơ xương dưới sụn: gặp ở phần đầu xương. Trong phần xương đặc thấy có một số hốc nhỏ.

Gai xương: ở phần tiếp giáp giữa xương, sụn và màng hoạt dịch. gai xương có thể rời ra nằm trong ổ khớp hay phần mềm quanh khớp.

Tiêu chuẩn của Kellgren và Lawrenec:

Giai đoạn 1: gai xương nhỏ hoặc nghi ngờ có gai xương

Giai đoạn 2: mọc gai xương rõ

Giai đoạn 3: hẹp khe khớp vừa

Giai đoạn 4: hẹp khe khớp nhiều kèm xơ xương dưới sụn

2.2.2 Các phương pháp khác:

2.2.2.1 Siêu âm khớp: Đánh giá hẹp khe khớp, gai xương, tràn dịch, đo độ dày sụn khớp, màng hoạt dịch khớp, phát hiện mảnh sụn bong tróc.

2.2.2.2 Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phát hiện tổn thương sụn khớp, dây chằng, màng hoạt dịch.

2.2.2.3 Nội soi khớp: Quan sát trực tiếp mức độ tổn thương của sụn khớp, sinh thiết được màng bao khớp để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.

2.2.2.4 Xét nghiệm máu và sinh hóa:

VS, CRP, số lượng bạch cầu bình thường.

Dịch khớp là dịch viêm trong các đợt tiến triễn (dịch thường có màu vàng, độ nhớt bình thường hoặc giảm nhẹ. Bạch cầu ˂ 1.000 /mm3)

CHẦN ĐOÁN XÁC ĐỊNH

3.1 Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp của Hội thấp khớp học Mỹ (American College of Rheumatology) 1991 (cho thoái hóa khớp gối nguyên phát)

Có gai xương ở rìa khớp (trên X Quang)

Dịch khớp là dịch thoái hóa

Tuổi trên 38

Cứng khớp gối dưới 30 phút

Có dấu hiệu lạo xạo khi cử động khớp.

Chẩn đoán xác định khi có yếu tố:

1,2,3,4

Hoặc 1,2,5

Hoặc 1,4,5

3.2 Trong thực hành lâm sàng, có thể áp dụng tiêu chuẩn đơn giản, dễ thực hiện: Tuổi trung niên, đau khớp kiểu cơ học, lạo xao khi vận động khớp, x quang khớp có hình ảnh thoái hóa điển hình, bilan xét nghiệm máu hoạc dịch khớp không phải dịch viêm.

CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT

Viêm khớp dạng thấp thể một khớp.

Viêm khớp tinh thể : bệnh gút, bệnh giả gút (Pseudogout).

Viêm cột sống dính khớp.

Bệnh lý đường ruột có biểu hiện khớp: Viêm loét đại tràng, bệnh Crohn.

Nhóm bệnh cột sống huyết thanh âm tính: Viêm khớp vẫy nến, bệnh Reiter.

ĐIỀU TRỊ

5.1 Mục tiêu điều trị

Giảm đau.

Duy trì và tăng khả năng vận động khớp.

Hạn chế và ngăn ngừa biến dạng khớp.

Nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

5.2 Điều trị nội khoa

5.2.1 Các biện pháp không dùng thuốc

Giáo dục bệnh nhân để tránh quá tải cho các khớp bởi vận động và trọng lượng, giảm cân ở bệnh nhân béo phì. Sửa chữa các tư thế xấu gây lệch trục khớp.

Vật lý trị liệu: dung nhiệt trị liệu như sóng siêu âm, hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, bùn khoáng có hiệu quá cao.

5.2.2 Các thuốc điều trị:

Thuốc điều trị có tác dụng nhanh:

Thuốc giảm đau: chọn một trong các thuốc theo bậc thang giảm đau của tổ chức y tế thế giới acetaminophen (paracetamol, efferalgan); paracetamol codein (Efferalgan codein), paracetamol + tramadol (ultracet); morphin. Tùy theo tình trạng đau mà điều chỉnh liều cho phù hợp.

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) khi bệnh nhân đau nhiều: chọn một trong các thuốc sau (không phối hợp 2 thuốc trong nhóm).

Diclofenac

Diclofenac SR 75mg: 1 viên / 1 lần / 1 ngày uống sau ăn no.

Diclofenac 50mg , diclofenac 50mg: 1 viên x 2 lần / 1 ngày.

Diclofenac 75mg: tiêm bắp 1A/1ngày trong 3 – 5 ngày khi đau nhiều sau đó chuyển sang dạng uống.

Meloxicam

Meloxicam 7.5 mg: 1 – 2 viên/ 1 ngày sau ăn no.

Meloxicam 15 mg: tiêm bắp 1A / 1 ngày / 3 – 5 ngày nếu bệnh nhân đau nhiều, sau đó chuyển sang dạng uống.

Piroxicam:

Felden, Brexin: viên 20mg, uống 1 viên /1 ngày sau ăn no.

Felden ống 20mg: tiêm bắp 1A / 1 ngày trong 3– 5 ngày, sau đó chuyển sang dạng uống.

Celecoxib:

Celebrex viên 200 mg 1 – 2 viên / 1 ngày. Cẩn trọng khi bệnh nhân có tiền căn bệnh lý bệnh mạch vành.

Các loại kháng viêm không steroids bôi ngoài da hay dạng miếng dán như voltarel emugel, profenic gel, ketopacific….

Corticosteroides tiêm nội khớp dùng cho các trường hơp thoái hóa khớp kèm phản ứng viêm nhất là khi có tràn dịch khớp:

Hydrocortisone acetat

Methyl prednisolone acetat (Depo Medrol) 40mg; betamethasone dipropionat (Diprospan ) 2mg tiêm mỗi mũi cách nhau 1 – 2 tuần và không tiêm quá 3 đợt /1 năm.

Thuốc điều trị theo cơ chế bệnh sinh (DMOADs – disease modifying osteoarthritis drugs): là thuốc điều trị tác dụng chậm, đạt hiệu quả điều trị sau 1 thời gian trung bình 1 tháng và hiệu quả này được duy trì cả ngay sau khi dừng điều trị (sau vài tuần đến 2 – 3 tháng).

Glucosamine sulfat (viartril’s, gói 1,5g hoặc viên 250mg) 1.5 g / ngày trong 6 – 8 tuần hoặc kéo dài hơn tùy đáp ứng.

Chrondroitin sulfat.

Phối hợp giữa chrondroitin và glucosamine (DuoVital): uống 30ml mỗi ngày, trong 30 ngày (2 chai 500ml).

Diacerin (Artrodar) 50mg , 1 – 3 viên /ngày.

Piascledine (Avocado&soybean unsaponnifiables) 300mg: 1 viên/ ngày

Bổ sung chất nhầy:

Acid hyaluronic dưới dạng natri hyaluronat như Hyalgan, Go on… tiêm vào ổ khớp 1 ống / 1 tuần trong 3 – 5 tuần liên tiếp.

Phương pháp cấy ghép tế bào gốc đang hứa hẹn nhiều triễn vọng:

Huyết tương tự thân giàu tiểu cầu (PRP).

Tế bào gốc chiết xuất từ mô mỡ tự thân.

Tế bào gốc từ nguồn gốc tủy xương tự thân

5.3 Điều trị ngoại khoa

5.3.1 Nội soi khớp:

Cắt lọc, bào, rửa khớp, chỉnh trục.

Khoan kích thích tạo xương (Microfracture).

Cấy ghép tế bào sụn.

Phẫu thuật thay khớp nhân tạo: Được chỉ định ở những bệnh nhân nặng, có giảm nhiều chức nặng của khớp gối, thường áp dụng ở những bệnh nhân lớn tuổi và các biện pháp điều trị bảo tồn thất bại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ y tế, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (2014), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh và cơ xương khớp. Nhà xuất bản Y học Hà Nội.

Bệnh viện Chợ Rẫy, Phác đồ điều trị 2013 – Phần Nội khoa (2013), Nhà xuất bản Y học, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.

Edward D., Harris Jr M, et al (2005), Hip and Knee Pain. Kelley’s Textbook of Rheumatology, Elsevier V, 40-68.

Hochberg MC, Altman RD, et al (1995), Guidelines for the medical management of osteoarthritis. Part I: Osteoarthritis of the Hip. Part II: Osteoarthritis of the Knee. Arthritis Rheum, 38: 1535-1546.

Hochberg MC, Burden of Osteoarthritis. The 3rd International Symposium on Clinical and Economic Aspects of Osteoarthritis and Osteoporosis. Barcelona, Spain.

Kim I, Kim H.A, et al (2010), Tibiofemoral osteoarthritis affects quality of life and function in elderly Koreans, with women more adversely affected than men. BMC Musculoskelet Disord, 11, pp. 129.

Kim I, Kim H.A., et al (2010), The prevalence of knee osteoarthritis in elderly community residents in Korean. J Korean Med Sci, 25(2), pp. 293-298.

Đăng ký nhận thông báo
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả các bình luận
You cannot copy content of this page
Copy link
Powered by Social Snap