Trong cơ thể của chúng ta, pH máu dao động trong một khoảng hẹp từ 7,35 – 7,45. pH này là phù hợp để các enzym và protein thực hiện được chức năng của mình. pH < 7,35 được gọi là nhiễm toan, trong khi pH > 7,45 được gọi là nhiễm kiềm.
pH máu trong cơ thể được duy trì nhờ cân bằng sau: CO2 + H2O ↔ H2CO3 ↔ H+ + HCO3-. Khi cân bằng này bị xáo trộn, pH máu sẽ bị ảnh hưởng.
Bình thường, trong ruột non của chúng ta có một lượng ion bicarbonat (HCO3-) – có trong dịch mật và dịch tụy đổ vào tá tràng. Thức ăn từ dạ dày chuyển xuống hòa lẫn với axit dịch vị và bicarbonat có vai trò trung hòa lượng axit này, để các enzym tiêu hóa trong ruột có thể phân hủy carbohydrate, lipit và protein trong thức ăn thành các dưỡng chất đơn giản. Ở cuối ruột non, lượng bicarbonat còn dư sẽ được tái hấp thu vào dòng máu.
Tiêu chảy xảy ra khi thức ăn đi qua ruột non, và sau đó là phân đi qua ruột già rất nhanh → làm cho ion bicarbonat ít được tái hấp thu trở lại máu, mà bị mất ra ngoài cùng phân → giảm nồng độ bicarbonat trong máu.
Theo cân bằng trên, HCO3- có vai trò như một chất trung hòa ion H+. Do đó, khi nồng độ bicarbonat giảm xuống, sẽ có một lượng H+ không được trung hòa → làm tăng tính axit cho máu. Kết quả là pH máu giảm và bệnh nhân bị nhiễm toan. Tình trạng nhiễm toan do giảm bicarbonat được gọi là nhiễm toan chuyển hóa.
YKHOA247.com thành lập với mục đích chia sẻ kiến thức Y Khoa.
Mọi thông tin trên trang web chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc không nên tự chẩn đoán và điều trị cho mình.