Chu trình chuyển hóa bilirubin và những điều cần nhớ

Chào bạn, nếu bạn là sinh viên Y Khoa đã, đang hoặc sắp đi thực hành lâm sàng tại bệnh viện thì không nên bỏ qua Khóa học kiến thức lâm sàng nội khoa này nhé! Đây là khóa học chất lượng được đánh giá cao bởi khoảng 400 thành viên đăng ký là các sinh viên Y Khoa trên khắp cả nước và các bác sĩ nội khoa. LINK KHÓA HỌC: https://ykhoa247.com/gioi-thieu-khoa-hoc-lam-sang-noi-khoa/

YKHOA247.com

Các bạn có thể comment thắc mắc ở dưới bài viết nhé !

CHU TRÌNH CHUYỂN HÓA BILIRUBIN

Protein hem là phân tử protein có chứa nhân hem.  Trong cơ thể người, chúng gồm ba loại:

(1) hemoglobin – thành phần chính cấu tạo nên hồng cầu,
(2) myoglobin – protein dự trữ oxy cho cơ và
(3) cytochrome – hệ enzym có nhiều ở gan, tham gia vào chuyển hóa thuốc.

 

Bilirubin là sản phẩm phân hủy của các protein hem.  Mỗi ngày cơ thể sản sinh ra từ 250 – 300 mg bilirubin, khoảng 70 – 80% lượng bilirubin này đến từ sự phân hủy của hemoglobin trong hồng cầu già.  Lượng còn lại đến từ sự tiêu hủy myoglobin và cytochrome.  Quá trình chuyển hóa bilirubin diễn ra như sau:

1. Hồng cầu có tuổi thọ trung bình từ 100 – 120 ngày, sau thời gian này, chúng bắt đầu già đi.  Khi di chuyển qua lách, hồng cầu già sẽ bị các đại thực bào tại đây bắt giữ và tiêu hủy.  Sau khi bị tiêu hủy, hồng cầu giải phóng ra rất nhiều hemoglobin.  Tiếp theo, hemoglobin được chuyển thành biliverdin, sắt và globin.  Globin và sắt sẽ được dùng làm nguyên liệu để cơ thể tái sử dụng.  Trong khi đó, biliverdin được khử thành bilirubin tự do.

2. Theo dòng máu, bilirubin tự do được vận chuyển về gan.

3. Tại đây, các tế bào gan sẽ tiếp nhận bilirubin tự do, rồi kết hợp chúng với axit glucoronic tạo thành bilirubin liên hợp.  Quá trình này được xúc tác nhờ một enzym có tên là bilirubin uridine diphosphate-glucuronosyl transferase (UDPGT).  Sau đó, bilirubin liên hợp theo đường dẫn mật để xuống túi mật.

4. Khi cơ thể cần tiêu hóa chất béo, túi mật sẽ tiết mật chứa bilirubin liên hợp vào tá tràng.  Bilirubin liên hợp không được niêm mạc ruột hấp thu và tiếp tục đi đến đại tràng.

5. Các vi khuẩn đường ruột có trong ruột già chuyển bilirubin liên hợp thành urobilinogen.

6. Sau khi được tạo thành, 90% urobilinogen được chuyển thành stercobilinogen và được bài tiết ra ngoài qua phân.  Stercobilinogen tạo nên màu vàng nâu cho phân.  

7. 10% urobilinogen còn lại được tế bào ruột già tái hấp thu quay lại tĩnh mạch cửa để về gan, hoặc được đưa đến thận và được chuyển thành urobilin để bài tiết ra ngoài cùng nước tiểu. 

Urobilin làm cho nước tiểu có màu vàng.

Vàng da xảy ra khi nồng độ bilirubin trong máu tăng lên, hiểu về chuyển hóa bilirubin là nền tảng giúp ta hiểu về nguyên nhân gây vàng da, sau đó là cách tiếp cận triệu chứng vàng da trên lâm sàng.

Chúc các bạn sinh viên học tốt.

Admin Cộng Đồng Y Khoa.

Bài viết được đăng bởi: https://www.ykhoa247.com/
5 / 5 ( 4 bình chọn )

YKHOA247.com thành lập với mục đích chia sẻ kiến thức Y Khoa.

Mọi thông tin trên trang web chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc không nên tự chẩn đoán và điều trị cho mình.