Khám động mạch, khám tĩnh mạch

Chào bạn, nếu bạn là sinh viên Y Khoa đã, đang hoặc sắp đi thực hành lâm sàng tại bệnh viện thì không nên bỏ qua Khóa học kiến thức lâm sàng nội khoa này nhé! Đây là khóa học chất lượng được đánh giá cao bởi khoảng 400 thành viên đăng ký là các sinh viên Y Khoa trên khắp cả nước và các bác sĩ nội khoa. LINK KHÓA HỌC: https://ykhoa247.com/gioi-thieu-khoa-hoc-lam-sang-noi-khoa/

KHÁM ĐỘNG MẠCH

I. HỎI BỆNH

Nhằm đánh giá các rối loạn chức năng và sự tưới máu chi dưới bằng cách dựa vào: – khoảng cách xuất hiện cơn đau cách hồi, khoảng cách càng ngắn tổn thương thiếu máu càng nặng. – cơn đau chi dưới xẩy ra khi nằm, nhất là về đêm.- cơn đau do tắc mạch chi rất đặc biệt vì thường rầm rộ, nặng nề. Hỏi bệnh còn giúp tìm hiểu các yếu tố nguy cơ (thuốc lá), tiền sử gia đình (xơ vữa động mạch)…

II. PHƯƠNG PHÁP NHÌN

Chủ yếu quan sát các động mạch nông

2.1. Sự gia tăng nhịp đập của một động mạch nông

Đặc biệt ở cổ như trong trường hợp: hở van động mạch chủ, tim cường kích thích, cường giáp, tăng huyết áp.

2.2. Xơ vữa động mạch

Có thể thấy động mạch cứng và đập (dấu kéo chuông) tại thái dương hay khuỷu tay.

2.3. Một khối u đập

Trong phình động mạch hay thông động tĩnh mạch, thấy được ở hõm kheo hay tam giác Scarpa. Trong bệnh Horton có thể thấy hiện tượng viêm ở vùng thái dương.

2.4. Các biểu hiện khách quan của sự thiếu máu cục bộ chi

Sự biến đổi màu da: sự tái nhợt gia tăng khi đưa chân cao, sự tái nhợt nầy có thể kèm vân tím khi bị thuyên tắc hay giai đoạn tiền thuyên tắc. Giảm nhiệt độ da. Rối loạn dinh dưỡng: thoái hóa da với da mõng, rụng lông, móng gẫy, teo cơ, sẹo xấu, hoại tử bắt đầu ở các ngón chân.

III. PHƯƠNG PHÁP SỜ

1. Nguyên tắc chung

Bắt mạch là động tác chủ yếu chẩn đoán các bệnh động mạch. Khi khám cần: có phương pháp, khám toàn bộ động mạch, so sánh hai bên và nếu có thể nên bắt hai bên cùng lúc. Ngoài ra, khi khám dùng tay phải bắt các động mạch bên trái của bệnh nhân và ngược lại. Đừng nhầm lẫn giữa mạch bệnh nhân và mạch của ngón tay người khám khi mạch bệnh nhân quá yếu hay không có mạch.

2. Kỷ thuật

Cần khám đủ các động mạch bắt được:

2.1. Động mạch nách

Nằm ở hõm nách, ta dùng các ngón tay ép động mạch vào đầu xương cánh tay khi để cánh tay bệnh nhân nằm ngang.

2.2. Động mạch cánh tay

Nằm trong gân cơ nhị đầu.

2.3. Động mạch quay

Nên sờ với cả 3 ngón tay trỏ, ngón giữa và ngón áp út; bàn tay người khám bọc dưới lưng cổ tay bệnh nhân.

2.4. Động mạch đùi

Nằm dưới cung đùi, ta để các ngón tay thẳng góc cung nầy, động mạch đùi nằm ở phía trước-trong đùi.

2.5. Động mạch kheo

Khám khi bệnh nhân nằm cẳng chân gấp 70o, hay khi bệnh nhân ngồi cạnh giường chân buông thẳng. Cần phải khám rất tỉ mỉ động mạch nầy.

2.6. Động mạch chày sau

Ta áp lòng bàn tay vào mặt trước cổ chân, ngón cái ở mắt cá ngoài, các ngón tay kia tìm động mạch bệnh nhân trong rãnh sau mắt cá nằm ở phía dưới và phía sau mắt cá

2.7. Động mạch mu bàn chân

Ta đặt ngón cái dưới bàn chân bệnh nhân, dùng các ngón kia tìm động mạch trên mu bàn chân, ở phía ngoài cơ duỗi riêng ngón cái. Với hai động mạch sau có thể khám cùng lúc để so sánh.

3. Đánh giá kết quả

3.1. Vách động mạch

Bình thường vách động mạch mềm, dễ đè bẹp. Khi bị xơ vữa các động mạch nhất là động mạch cánh tay và trụ to hơn, ngoằn ngoèo, cứng, không bị đè bẹp nữa.

3.2. Sự tưới máu của động mạch

Sự mất tính đập của một động mạch thường biểu thị sự tắc nghẽn, hẹp, chèn ép, sự co thắt ở vùng thưọng lưu. Sự mất nhịp đập của mạch là một dấu lâm sàng trầm trọng cần phải xác định một cách chắc chắn, cẩn thận. Đôi khi lại có sự xuất hiện nhịp đập bất thường.

3.3. Một số ý nghĩa triệu chứng

Mạch không đều: ngoại tâm thu, loạn nhịp hoàn toàn rung nhĩ. Mạch nhỏ: hẹp lá khít, hẹp van động mạch chủ(mạch lên nhanh xuống chậm) Mạch nhỏ nhẹ: tụt huyết áp. Mạch nẩy mạnh, căng cứng: tăng huyết áp. Mạch nẩy mạnh, chìm sâu: hở van động mạch chủ. Mạch đập có cường độ không đều: như mạch ngẫu phát Kussmaul, mạch sẽ giảm hay biến mất khi hít vào sâu gặp trong tràn dịch màng ngoài tim nhiều nước; mạch luân phiên, một nhịp bình thường một nhịp yếu gặp trong suy cơ tim nặng. Mạch nhịp đôi: hai nhịp đi liền nhau sau đó là khoảng nghĩ trong ngoại tâm thu.

IV. NGHE ĐỘNG MẠCH

Dùng ống nghe trực tiếp (loa) để nghe bằng cách đặt trực tiếp lên động mạch nhưng không được ấn xuống quá mạnh vì sẽ tạo ra tiếng thổi giả tạo. Có thể nghe được tiếng thổi đôi Durozier ở động mạch đùi trong hở van động mạch chủ. Sự phát hiện một tiếng thổi tâm thu tại động mạch thường biểu thị một sự hẹp động mạch phía trên, hoặc một phình động mạch. Nếu nghe ở lưng hay vùng quanh rốn cần nghĩ đến hẹp động mạch thân. Sự phát hiện một tiếng thổi liên tục tăng lên kỳ tâm thu cần nghĩ đến thông động tĩnh mạch.Việc khám động mạch sẽ được hoàn thiện sau khi tiến hành đo huyết áp tứ chi với nhiều vị trí để so sánh.

KHÁM TĨNH MẠCH

I.KHÁM TĨNH MẠCH CHI DƯỚI

Nhằm phát hiện: dãn tĩnh mạch, tắc tĩnh mạch, phình động tĩnh-mạch, hậu quả suy yếu tuần hoàn tĩnh mạch.

1.Dãn tĩnh mạch

-Nhìn có thể thấy nhất là khi bệnh nhân đứng, các tĩnh mạch nổi rõ, ngoằn ngoèo dưới da.

– Các thủ thuật khám: giúp phát hiện cơ chế tổn thương

+ Do hở van tĩnh mạch: bằng thủ thuật Trendelenburg như sau: bệnh nhân nằm, nâng hai chân lên rồi ép tĩnh mạch hiển với một dây thắt tại gốc chi. Để bệnh nhân đứng dậy, tháo dây. Nếu bị suy lỗ van tĩnh mạch hiển trong, các tĩnh mạch bị dãn sẽ bị làm đầy rất nhanh từ trên xuống. Nếu bị suy các tĩnh mạch thông sẽ có kết quả tương tự với cùng thủ thuật nhưng cần buộc dây thăt lâu hơn 30 giây.

+ Do tính thấm các tĩnh mạch sâu: thủ thuật Perthes-Delbet. Sau khi ép quai tĩnh mạch hiển trong ở gốc đùi, để bệnh nhân bước nhanh và làm vài động tác gấp chân. Nếu các tĩnh mạch sâu bị tắc nghẽn, các tĩnh mạch nông sẽ dãn ra thay vì xẹp đi tạo ra cảm giác căng đau bắp chân.

2. Tắc tĩnh mạch

Tổn thương thường một bên, với đau khu trú, căng dọc theo một tĩnh mạch, gia tăng khi thăm khám, làm dấu Homans ( gấp bàn chân lên cẳng chân sẽ gây đau ở bắp chân).

3. Phình động tĩnh mạch

Chú ý vùng bẹn và nhượng chân

4. Rối loạn tuần hoàn tĩnh mạch

Với phù mạn tính, viêm mô dưới da, loét chân.

II. KHÁM TĨNH MẠCH CHI TRÊN

1.Tĩnh mạch cổ

– Tĩnh mạch cổ nổi to do tắc nghẽn, chèn ép tĩnh mạch chủ trên; có thể phát hiện bằng nghiệm pháp phản hồi gan tĩnh mạch cổ.

– Tĩnh mạch cổ đập trong hở van 3 lá, hẹp 3 lá nặng. Trong rối loạn nhịp có thể thấy nhịp đập tĩnh mạch cổ không trùng nhịp tim, nếu nhanh hơn nhịp tim có thể cuồng nhĩ, bloc nhĩ thất hoàn toàn, nếu chậm hơn có thể nhịp nhanh thất.

2. Thân

Tuần hoàn phụ ở ngực do nghẽn tĩnh mạch chủ trên.

Đánh giá bài viết

YKHOA247.com thành lập với mục đích chia sẻ kiến thức Y Khoa.

Mọi thông tin trên trang web chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc không nên tự chẩn đoán và điều trị cho mình.