Những điều cần biết về mãn kinh

Chào bạn, nếu bạn là sinh viên Y Khoa đã, đang hoặc sắp đi thực hành lâm sàng tại bệnh viện thì không nên bỏ qua Khóa học kiến thức lâm sàng nội khoa này nhé! Đây là khóa học chất lượng được đánh giá cao bởi khoảng 400 thành viên đăng ký là các sinh viên Y Khoa trên khắp cả nước và các bác sĩ nội khoa. LINK KHÓA HỌC: https://ykhoa247.com/gioi-thieu-khoa-hoc-lam-sang-noi-khoa/

CÁC VẤN ĐỀ CẦN BIẾT VỀ MÃN KINH

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Theo thời gian, buồng trứng dần dần giảm sản xuất estrogen, thường bắt đầu từ sau độ tuổi 30 và hầu hết phụ nữ ngừng sản xuất estrogen khi ở độ tuổi 50, giai đoạn tiến triển về mặt nội tiết của người phụ nữ từ chu kì kinh bình thường đến kì kinh cuối cùng và sự lão hóa của buồng trứng gọi là tiền mãn kinh. Dân số chịu ảnh hưởng của sự suy giảm estrogen là đáng kể. Tại Hoa Kì, có khoảng 70 triệu phụ nữ trên 50 tuổi và có từ 2.500 đến 3.500 phụ nữ đang bước vào độ tuổi 50. Nhờ sự tiến bộ y khoa, tuổi thọ trung bình tăng dần lên, và ngày nay phụ nữ có thể hi vọng một giai đoạn sau mãn kinh có thể kéo dài ít nhất 1/3 cuộc đời của mình. Đặc biệt là khoảng năm 2020, sẽ có khoảng 43 triệu phụ nữ ở độ tuổi từ 45 đến 60. Điều quan trọng là, giai đoạn tiền mãn kinh và sau mãn kinh luôn có những vấn đề liên quan đến chất lượng cuộc sống cũng như phòng và đều trị bệnh tật. Mãn kinh được định nghĩa là giai đoạn xảy ra 12 tháng sau chu kì kinh cuối cùng. Mãn kinh có thể xảy ra ở độ tuổi khoảng 40 đến 50, trung bình là 51 ở Hoa Kì. Mãn kinh là một quá trình tự nhiên, mặc dù không thể thụ thai được nữa nhưng bạn vẫn có thể khỏe mạnh và vẫn có thể có cuộc sống tình dục. Nhiều phụ nữ cảm thấy nhẹ nhõm vì không còn lo lắng về mang thai nữa. Mặc dù vậy, các triệu chứng như nóng bừng, hay các vấn đề về cảm xúc có thể làm bạn mất ngủ, giảm năng lượng hoạt động, gây ra cảm giác lo âu, buồn bã. Đừng do dự đi khám về các triệu chứng của mình. Có nhiều biện pháp để điều trị các vấn đề này từ thay đổi lối sống đến các liệu pháp hormone.

II. ĐỊNH NGHĨA VÀ MỘT SỐ KHÁI NIỆM

Mãn kinh là thuật ngữ dùng để chỉ thời điểm 1 năm sau khi chấm dứt hoàn toàn kinh nguyệt. Sau mãn kinh dùng để chỉ những năm sau thời điểm đó. Thời điểm có kì kinh cuối cùng trung bình là khoảng 51.5 tuổi, nhưng dừng kinh do suy buồng trứng có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào. Nếu trước 40 tuổi, thì gọi là suy buồng trứng sớm – premature ovarian insufficiency – POI, có liên quan với tăng nồng độ FSH và các nguyên nhân khác. Nếu sau 55 tuổi thì gọi là mãn kinh muộn.

Thuật ngữ cũ: quanh mãn kinh (perimenopause) và climacteric thường dùng để chỉ người phụ nữ giai đoạn sau của độ tuổi sinh đẻ, thường cuối những năm 40 tuổi và đầu những năm 50 tuổi. Những thuật ngữ này có thể dùng để giao tiếp với bệnh nhân nhưng ít được dùng về mặt khoa học. Ở đây, thuật ngữ menopausal transition được ưa dùng hơn, nó chỉ giai đoạn bắt đầu từ lúc có bất thường chu kì kinh cho đến 1 năm sau kết thúc hoàn toàn kinh nguyệt. Giai đoạn này cùng với sự mất hoạt động của nang trứng kéo dài trong thời gian dài (42 đến 58 tuổi). Trung bình khởi phát là ở tuổi 47 và thường kéo dài từ 4 đến 7 năm.

Vì tuổi tính theo thời gian là một chỉ số không đáng tin cậy, nên người ta đã đề xuất các guideline phân loại độ tuổi sinh sản. Hệ thống phân loại giai đoạn và danh pháp cho độ tuổi sinh sản ở phụ nữ ra đời vào năm 2001 và được cập nhật năm 2012 tại Hội thảo về phân chia giai đoạn tuổi sinh sản. Các tiêu chuẩn trong hệ thống này là các hướng dẫn chứ không áp dụng chặt chẽ cho các chẩn đoán. Không phải tất cả phụ nữ đều trải qua đầy đủ các giai đoạn và mỗi giai đoạn có thể xảy ra khác so với tiêu chuẩn. Ngoài ra, độ tuổi và độ dài của mỗi giai đoạn cũng thay đổi tùy vào mỗi cá nhân.

Trong hệ thống STRAW, thời điểm khi kết thúc kì kinh cuối được chọn cố định (hình 1). Sẽ có 5 giai đoạn đi trước và 2 giai đoạn sau thời điểm này.

+ GĐ -5: tuổi sinh sản sớm.

+ GĐ -4: tuổi chín muồi sinh sản (peak).

+ GĐ -3: tuổi sinh sản muộn.

+ GĐ -2: tuổi tiền mãn kinh sớm (early menopausal transition)

+ GĐ -1: tuổi tiền mãn kinh muộn

+ GĐ +1a: 1 năm đầu sau kì kinh cuối cùng.

+ GĐ +1b: từ năm thứ 2 đến năm thứ 5.

+ GĐ +2: còn lại.

 

Hình 1. Hệ thống phân loại giai đoạn và danh pháp cho độ tuổi sinh sản ở phụ nữ

III. NHỮNG THAY ĐỔI NỘI TIẾT TRONG THỜI KỲ MÃN KINH

Bắt đầu từ độ tuổi 40 và giai đoạn sớm của tiền mãn kinh, nồng độ FSH tăng nhẹ, cùng với đó là nhiều nang noãn hơn được chiêu mộ, điều này làm tăng nồng độ estrogen. Các trường hợp FSH tăng đơn độc thường do nguyên nhân giảm tiết inhibinbuồng trứng – chất ức chế tiết từ tế bào hạt của buồng trứng, có tác dụng ngăn sự tổng hợp và phóng thích FSH – hơn là do feedback sự sụt giảm estrogen. LH có tăng nhưng không nhiều bằng FSH và đỉnh LH thưa dần. Ở phụ nữ tiền mãn kinh, sản xuất estradiol thay đổi cùng với nồng độ FSH và có thể đạt nồng độ cao hơn so với những phụ nữ dưới 35 tuổi. Nồng độ estradiol thường không sụt giảm đáng kể cho đến giai đoạn sau của tiền mãn kinh. Mặc dù vẫn tiếp tục có chu kỳ kinh nguyệt bình thường, progesterone trong giai đoạn sớm của quá trình mãn kinh thấp hơn giai đoạn giữa độ tuổi sinh sản. Testosterone không thay đổi đáng kể trong tiền mãn kinh.SHBG(sex hormone-binding globulin) giảm sút sau khi mãn kinh có thể dẫn đến tăng tương đối nồng độ estrogen và testosterone tự do.

Phụ nữ ở giai đoạn sau của tiền mãn kinh bắt đầu có sựrối loạn quá trình trưởng thành của nang noãn và ngày càng tăng tỷ lệ các tháng không rụng trứng so với những phụ nữ ở giữa thời kỳ sinh sản. Ngoài ra, trong thời kỳ này diễn ra sự thoái hóa các nang noãn một cách nhanh chóng, cuối cùng vào cuối giai đoạn tiền mãn kinh, các nang không còn đáng kể. Những thay đổi này, bao gồm cả tăng nồng độ FSH đã nói ở trên, phản ánh sự giảm khả năng tiết inhibin của các nang thoái hóa. Một chỉ số khác, antimüllerian hormone (AMH) là một glycoprotein được tiết ra bởi các tế bào hạt của các nang thứ cấp và nang tiền hốc (nang sơ cấp nhiều hàng tế bào) gián tiếp phản ánh số lượng nang trứng nguyên thủy. Nồng độ AMH lưu hành tương đối ổn định suốt các chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và tương quan với số lượng các nang thứ cấp giai đoạn sớm. Nồng độ AMH giảm rõ rệt trong giai đoạn tiền mãn kinh, phản ánh sự sụt giảm dự trữ các nang noãn.

Trong giai đoạn suy buồng trứng trong thời kỳ mãn kinh (giai đoạn + 1b),số lượng các nang hầu như cạn kiệt, buồng trứng ngừng bài tiết hormone steroid.Buồng trứng trở nên kém nhạy cảm với các kích thích từ trục hạ đồi – tuyến yên, và quá trình feedback âm cứ lặp đi lặp lại. Kết quả là, GnRH được bài tiết với tần suất và nồng độ tối đa.Do đó, lượng FSH và LH lưu hành tăng lên cao hơn so với những người trong độ tuổi sinh sản: FSH tăng gấp 10 lần, LH tăng gấp 3 lần.

Tuy nhiên lượng 17 beta-estradiol (E2) lại giảm <50 pg/ml (khi E2 <50 pg/ml thì nội mạc tử cung không xuất huyết với test progesterone).

LH-RH tăng (do lượng 17 beta-estradiol giảm).

Estrone (E1) tăng > 45 pg/ml (E1 là một estrogen yếu, được tiết từ tế bào vỏ trong của buồng trứng. Vào thời kì mãn kinh, E1 được chuyển hóa tại mô mỡ từ androsterine có nguồn gốc từ tuyến thượng thận).

Androgen, delta-4 androstenedione và testosterone vẫn được sản xuất từ tuyến thượng thận và buồng trứng (từ mô đệm và từ tế bào Berger). Những chất này cũng được chuyển hóa thành estrone tại mô mỡ.

Như vậy, estrone là loại estrogen chủ yếu trong thời kỳ mãn kinh, được sản xuất ở mô đệm buồng trứng, nang thượng thận, ở mô mỡ, ở cơ và ở gan. Vì vậy, khôngphải tất cả các phụ nữ khi mãn kinh đều thiếu estrogen. Thụ thể estrogen có ở nhiều mô trong cơ thể, mỗi nơi có một độ nhạy cảm khác nhau khi tiếp xúc với estrogen. Vì vậy, estrogen giảm sau mãn kinh không đủ làm nội mạc tử cung phát triển tạo kinh nguyệt, nhưng vẫn có thể đầy đủ ở các mô khác. Vì thế không phải phụ nữ nào cũng có biểu lộ sự thiếu estrogen như nhau.

Hình 2. Sơ đồ tóm tắt biến đổi nội tiết thời kì mãn kinh

IV. CÁC THAY ĐỔI VỀ SINH LÝ VÀ GIẢI PHẪU

4.1 Tắt kinh

Mất kinh liên tiếp 12 tháng.

Rối loạn kinh nguyệt là rối loạn sớm nhất trong các thay đổi ở thời kì mãn kinh.Vào tuổi mãn kinh, người phụ nữ thôi không hành kinh nữa. Nhưng trước đó một số năm, thường là 2 – 8 năm, hoạt động của buồng trứng đã giảm xuống khiến kinh nguyệt không đều, các vòng kinh thưa dần phóng noãn. Trong thời kì trước mãn kinh này, các nang noãn có 2 khả năng phát triển:

+ Trường hợp thứ nhất: các nang noãn vẫn phát triển nhưng không đủ trưởng thành do đó không rụng trứng, không tạo thành hoàng thể mà tiếp tục duy trì nang noãn, duy trì tiết Estrogen, làm niêm mạc tử cung luôn duy trì ở mức dày. Sau một thời gian dài, các nang noãn này thoái triển làm nồng độ Estrogen tụt và gây hành kinh. Chu kỳ kinh nguyệt này dài, không có Progesterone và niêm mạc tử cung dày, kết quả sẽ dẫn đến niêm mạc bong nhiều và lâu, trên lâm sàng biểu hiện rong kinh, cường kinh, kinh thưa. Hậu quả gây thiếu máu, suy nhược cơ thể và ảnh hưởng tâm lý, làm giảm chất lượng sống.

+Trường hợp thứ hai: nang noãn vẫn rụng trứng nhưng tuổi thọ hoàng thể giảm (<14 ngày), dẫn đến chu kỳ kinh bị rút ngắn, niêm mạc tử cung được chuẩn bị bởi Progesterone nhưng không tốt nên bong không đều, loang lổ, kết quả là quá trình bong niêm mạc kéo dài. Trên lâm sàng xuất hiện cácchu kỳ kinh ngắn nhưng rong kinh, gây thiếu máu, mệt mỏi, lo lắng, chán chường, tác động xấu đến tâm lý.

Nguyên nhân của sự giảm hoạt động buồng trứng không phải do thiếu FSH hay LH của tuyến yên mà trái lại, FSH và LH đã được tăng tiết. Nguyên nhân chính của sự giảm hoạt động buồng trứng là do bản thân buồng trứng đã kém nhạy với sự kích thích của các hormone hướng sinh dục của tuyến yên.

Vào giai đoạn chuyển tiếp (tiền mãn kinh), các nang noãn đã giảm nhạy đáng kể. Đến giai đoạn mãn kinh, lượng Estrogen do nang noãn chế tiết ra không còn đủ để làm thay đổi nội mạc tử cung tới mức gây được kinh nguyệt.

4.2 Rối loạn vận mạch

– Cơn bốc hỏa:

+ Thường xảy ra đột ngột, tự nhiên cảm thấy bốc hỏa mặt, cổ, ngực.

+ Cơn bốc hỏa xảy ra chừng vài phút, có thể ngắn hơn, chỉ vài giây, nhưng thường kèm theo triệu chứng vã mồ hôi. Thường các cơn bốc hỏa hay xảy ra vào ban đêm hoặc trong khi có stress.

+ Triệu chứng này thường kéo dài 6 tháng đến vài năm, có thể 2 – 3 năm nhưng cũng có người đến 5 năm.

+ Triệu chứng này không gây nguy hiểm nhưng gây khó chịu do thường xảy ra trong giấc ngủ, gây mất ngủ, thậm chí trầm cảm.

– Vã mồ hôi đêm:

+ Có thể kèm theo cơn bốc hỏa mặt hoặc xảy ra đơn lẻ.

+ Cũng thường xảy ra vào ban đêm nên gây mất ngủ, khó chịu.

Các triệu chứng sẽ giảm dần sau vài năm khi người phụ nữ quen dần với sự thay đổi khi mãn kinh.

Có một điều lý thú là đối với những người phụ nữ chưa bao giờ chịu tác dụng của Estrogen thì không có những triệu chứng của rối loạn vận mạch như đã nói trên. Ví dụ, những người bị bất sản buồng trứng như bị hội chứng Turner đã không có những rối loạn vận mạch.Ngược lại, nếu những người này đã từng được điều trị bằng Estrogen thì khi ngừng cho Estrogen, các rối loạn về vận mạch sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, không phải tất cả phụ nữ mãn kinh đều có những biểu hiện rối loạn này. Có thể ở những người này, Estrone đã được chế tiết đầy đủ nên đã không bị xảy ra những rối loạn về vận mạch.

Người ta có xu hướng giải thích cơ chế thần kinh – nội tiết của sự xuất hiện các triệu chứng trong mãn kinh. Ngày nay, người ta thấy có một mối liên quan tạm thời giữa những cơn bốc hỏa và nhịp độ giải phóng LH. Có thể một số nhân thần kinh chế tiết ra Gn-RH có liên quan đến việc điều hòa nhiệt độ của các trung tâm ở các phần trước của vùng dưới đồi.

4.3 Triệu chứng thần kinh tâm lý

-Hồi hộp, mệt mỏi, khó chịu.

-Mất ngủ, giảm cảm giác khi quan hệ tình dục hay lo lắng, cáu gắt, trầm cảm.

-Đau nhức xương khớp, có thể xuất hiện cơn đau nhức nửa đầu (migrain).

-Có 2 cơ chế giải thích được đưa ra:

+ Thứ nhất, do các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt và rối loạn vận mạch gây khó chịu và tác động xấu đến tâm lý.

+ Thứ hai, não có nhiều mạch máu, đặc biệt các mạch máu ở vùng dưới đồi được điều khiển bới các neuron noradrenergic. Khi nồng độ Estrogen giảm sẽ làm tăng nồng độ Norepinephrin và Prostaglandin, do đó gây co mạch, dẫn đến tình trạng kích động thần kinh, lo âu, suy sụp và mất trí nhớ.

4.4 Các rối loạn về tiết niệu:

Là một phần của hội chứng niệu dục trong thời kỳ mãn kinh, triệu chứng tiết niệu bao gồm tiểu khó, són tiểu, sa niệu đạo và nhiễm trùng đường tiểu tái phát (Portman, 2014: rutnovsky, 2014).

Mối liên quan giữa sự giảm estrogen và són tiểu đang được bàn cãi. Người ta cho rằng, do niệu đạo ngắn và teo đi. Theo Bhatia và cộng sự (1989), điều trị estrogen có thể cải thiện hoặc chữa khỏi cho hơn 50% phụ nữ được điều trị tiểu tiện không tự chủ. Có thể là do những tác dụng trực tiếp của estrogen lên niêm mạc niệu đạo. Do đó, liệu pháp hormone có thể xem xét sử dụng trước khi lựa chọn phẫu thuật cho bệnh nhân tiểu tiện không tự chủ bởi tình trạng khô teo âm đạo.

Người ta cũng tìm thấy mối liên quan giữa tiểu tiện không tự chủ với stress, tăng BMI, tăng cân và ĐTĐ mới khởi phát (Waetjen và đồng nghiệp: 2009).

Giải thích:

+ Trong bàng quang có một vùng tam giác được phủ bởi biểu mô lát tầng như của âm đạo và cũng chịu tác dụng của Estrogen như biểu mô âm đạo. Khi thiếu Estrogen, vùng biểu mô này cũng bị teo, dễ bị kích thích nên người phụ nữ mãn kinh có thể bị đái rắt, đái buốt, triệu chứng như của viêm bàng quang.

+ Các cơ vòng niệu đạo, cổ bàng quang cũng bị teo nhỏ, yếu đi nên dễ bị hở và gây ra són tiểu hoặc tiểu không tự chủ.

+ Cơ bàng quang bị yếu nên nếu niệu đạo bị một chút chèn ép hay gãy gấp như trong trường hợp sa tử cung, sa thành trước âm đạo thì sẽ dễ bị bí tiểu.

4.5 Rối loạn về đường sinh dục:

– Âm đạo khô teo, giao hợp đau, dễ bị viêm, nhiễm khuẩn, khám âm đạo thấy niêm mạc mỏng, khô, nhợt nhạt.

+Sự giảm sút estrogen khiến âm đạo mất collagen, mô mỡ và khả năng giữ nước. Thành âm đạo co lại, các nếp gấp phẳng ra, biểu mô bề mặt mỏng với chỉ vài lớp tế bào. Điều này làm giảm đáng kể số lượng các tế bào bề mặt đến lớp tế bào đáy. Các mô liên kết ở dưới biểu mô âm đạo bị teo khiến lòng âm đạo bị hẹp, gây đau đớn khi giao hợp và khi khám phụ khoa.Teo âm đạo thường chỉ xuất hiện muộn, sau mãn kinh chừng 5 năm trở lên.

+ Biểu mô âm đạo không chỉ mỏng đi mà còn không chứa glycogen nên trực khuẩn Doderlein dù có cũng không tạo được acid lactic và môi trường âm đạo trở nên mất toan tính, không bảo vệ được âm đạo chống lại các vi khuẩn gây bệnh. Âm đạo dễ bị viêm so với thời kì hoạt động sinh sản.

pH âm đạo trở nên kiềm, pH lớn hơn 4,5 thường có sự thiếu hụt estrogen đi kèm (Caillouette, 1997; Roy, 2004). Độ pH kiềm gây nên sự giảm hệ khuẩn chí làm nhạy cảm với tác nhân gây bệnh đường niệu dục và đường phân. Hofmann và cộng sự (2014) cho thấy tỷ lệ viêm âm đạo do vi khuẩn dao động từ 23-38% trong phụ nữ tiền mãn kinh và gia tăng theo tuổi. Ngược lại, các loài candida được ghi nhận 5-6% trong cùng nhómvà giảm theo độ tuổi.

+ Các tuyến nhờn ở âm hộ như tuyến Bartholin và Skene cũng bị teo và không được Estrogen kích thích nên ít hoặc thôi chế tiết chất nhờn khiến giao hợp khó khăn và gây đau.

– Bề mặt âm đạo mỏng và bở nên dễ xuất huyết dưới niêm mạc hay chảy máu do những chấn thương tối thiểu. các thành mạch máu âm đạo rất hẹp, theo thời gian, cùng với thành âm đạo, nó cũng mất đi tính mềm dẻo. Đặt mỏ vịt, soi âm đạo và cổ tử cung thấy nổi nhiều mạch máu, đó là những mạch máu ẩn ở dưới lớp biểu mô rất mỏng nên đã nhìn thấy rất rõ. Cũng vì các mạch máu ở rất nông nên rất dễ bị tổn thương khi va chạm và gây chảy máu, do đó có thể gây chảy máu khi giao hợp hoặc khám phụ khoa.

– Các dây chằng giữ tử cung và các cơ quan vùng chậu mất tính đàn hồi và sức căng nên dễ đưa đến sa sinh dục.

-Tử cung và cổ tử cung teo nhỏ. Nội mạc tử cung mỏng, không còn có hiện tượng phân bào hay chế tiết, rất ít mạch máu. Lâm sàng là triệu chứng mất kinh.

4.6 Loãng xương

Loãng xương nguyên phát là “sự mất xương” do lão hóa và sự thiếu hụt estrogen tuổi mãn kinh. Với mức estrogen sau tuổi mãn kinh thì sự điều hòa của nó trên xương giảm sút, dẫn đến sự mất cân bằng giữa tạo xương và hủy xương. Nếu loãng xương do các bệnh lý khác hoặc do thuốc thì được gọi là loãng xương thứ phát.

Mật độ xương ở bất kỳ thời điểm nào đều phản ánh sự cân bằng hoạt động giữa tạo cốt bào và hủy cốt bào. Như đã đề cập trước đó, sự lão hóa hay sự thiếu hụt estrogen dẫn đến sự gia tăng đáng kể hủy cốt bào hoạt động. Ngoài ra, khẩu phần ăn thiếu canxi hay sự giảm hấp thu canxi từ ruột làm giảm lượng canxi ion trong huyết thanh. Điều này kích thích tiết hormone tuyến cận giáp (PTH) để giải phóng canxi từ xương bằng cách tăng hoạt động của hủy cốt bào. Tăng PTH kích thích sự sản xuất vitamin D. Sự tăng nồng độ vitamin D dẫn đến sự tăng Canxi máu thông qua: (1) kích thích hủy cốt bào giải phóng canxi từ xương, (2) tăng hấp thu canxi ở ruột, (3) tăng hấp thu canxi ở thận và (4) làm giảm sự sản xuất PTH ở tuyến cận giáp.

Hình 3. Chuyển hóa Canxi.

Estrogen bảo vệ chống loãng xương qua cơ chế:

+Sự cấu tạo xương thông qua 2 quá trình: tạo xương và tiêu xương.

+Estrogen, nhất là Estrogen tự nhiên, trong đó có 17β estradiol có tác dụng chống loãng xương dù bắt đầu sử dụng ở bất cứ tuổi nào.

+Ngược lại với Estrogen, các Corticosteroid, đặc biệt Cortisol có tác dụng làm tăng tiêu xương.

+Estrogen bảo vệ xương chống lại tác dụng gây tiêu xương của Parahormone của tuyến cận giáp.

+Estrogen giúp Canxi gắn kết vào mô xương, giúp niêm mạc ruột hấp thu canxi và ngăn cản đào thải canxi qua phân.

+Trong mãn kinh, sự giảm tiết hormone sinh dục của buồng trứng xảy ra nhanh và nhiều, trong khi sự tiết các corticosteroid của vỏ thượng thận gần như vẫn bình thường nên quá trình tạo xương bị giảm và quá trình tiêu xương lại tăng lên, tạo điều kiện cho loãng xương xuất hiện.

Loãng xương là rối loạn duy nhất của xương, biểu hiện bằng khối lượng xương toàn phần bị giảm xuống. Quá trình tiêu xương đã trội hơn quá trình tạo xương làm cho mất chất xương dẫn đến nhức mỏi, đau xương, gãy xương, tử vong.

Đàn ông và phụ nữ cùng lứa tuổi đều bị loãng xương như nhau, mặc dù người phụ nữ da trắng hay bị gãy xương hơn do ngay từ đầu họ có khối lượng xương ít hơn. Tỷ lệ gãy cổ xương đùi ở sau tuổi 60 tăng gần gấp 2 lần trong vòng 10 năm. Những phụ nữ già gãy xương chậu có tới 16% tử vong trong vòng 3 tháng. Bên cạnh gãy xương chậu và xương cột sống, những vùng dễ bị gãy là cổ xương đùi, đầu xương cẳng tay, nhất là đầu xương quay, xương cánh tay, xương sườn.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ mắc loãng xương. Đó là chế độ ăn, loại hoạt động và mức độ hoạt động của cơ thể, sức khỏe toàn thân, sang chấn và tổng khối lượng xương.

Chế độ ăn, đặc biệt là chế độ ăn đủ canxi và tỉ lệ hấp thu canxi qua dạ dày – ruột là rất quan trọng để duy trì xương lành mạnh. Sang chấn, sự bất động, sự hoạt động tĩnh tại của cơ thể cũng tạo điều kiện cho loãng xương xuất hiện. Sử dụng corticoid kéo dài làm tăng nhanh tình trạng mất chất xương.

Các bệnh như đái tháo đường, viêm khớp, điều trị tia xạ, cường giáp cũng hay kèm theo loãng xương. Xương dễ gãy cũng tùy thuộc vào chủng tộc, giới, tuổi tác.

Người ta phân biệt 2 loại loãng xương: type 1 và type 2. Loãng xương type 1 xảy ra ở người sau mãn kinh, loãng đi các bè xương. Loãng xương type 2 xảy ra ở người già, kể cả nam và nữ, từ 75 tuổi trở lên, loãng cả các bè xương và màng xương.

Loãng xương type 1 hay xảy ra 7-10 năm sau mãn kinh. Sự giảm mật độ xương bắt đầu từ trước khi mãn kinh. Tỉ lệ giảm mật độ xương càng tăng khi tuổi càng cao.

Loãng xương ở tuổi mãn kinh là do tình trạng thiếu Estrogen gây ra, bằng chứng cho thấy sử dụng Estrogen thay thế đã cải thiện được rõ rệt, đề phòng được loãng xương hoặc ít nhất cũng làm chậm được quá trình loãng xương.

4.7 Rối loạn tim mạch

Trước tuổi mãn kinh, phụ nữ ít có nguy cơ bị bệnh lý tim mạch hơn nam giới cùng tuổi. Lý do đưa ra là mật độ HDL cao hơn ở phụ nữ trẻ tuổi do tác dụng của estrogen. Tuy nhiên, theo thời gian, những tác dụng này mất đi vì vậy mà người phụ nữ sau tuổi 70 có nguy cơ mắc các bênh lý tim mạch ngang bằng với nam giới (Matthews, 1989, van Beresteijn, 1993).

Estrogen có tác dụng bảo vệ tim mạch theo các cơ chế sau đây:

+ Điều hòa vận chuyển các ion, đặc biệt các ion canxi ở màng tế bào.

+ Trên hệ động mạch vành: Giúp tạo mạch máu bằng cách kích thích phát triển tế bào nội mạc mạch máu, hạn chế sản sinh tế bào cơ trơn. Ngăn cản xơ vữa động mạch bằng cách ngăn cản quá trình oxy hóa các lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL) và ngăn cản sự thâm nhập của cholesterol este hóa vào thành động mạch, qua đó giúp loại bỏ cholesterol ra khỏi thành mạch. Trực tiếp gây giãn mạch, tăng cường tác dụng giãn mạch của các chất có liên quan đến nội mạc như NO, prostacyclin, giảm tác dụng co mạch liên quan với nội mạc mạch máu của Angiotensin II, Endothelin.

+ Trên tế bào cơ tim: tác dụng lên chuyển hóa tế bào qua các phản ứng sinh hóa men lysosome, điều hòa sinh năng lượng qua ly giải Glycogen, điều hòa hô hấp tế bào qua men creatininkinase trong ty lạp thể, dẫn truyền tín hiệu tại tế bào qua vai trò của NO, có tác dụng dương tính gây co sợi cơ, làm tăng cường chức năng tim

Do đó khi giảm Estrogen có thể đưa đến các rối loạn lipid, huyết áp… và đưa đến các bệnh lý thường gặp là: tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đột quỵ và thuyên tắc, huyết khối tĩnh mạch.

4.7.1 Tăng huyết áp:

– Thiếu estrogen làm giảm tính đàn hồi của động mạch, quá trình phát triển có thể mất 5 đến 20 năm.

– Sự tăng hoạt của hệ thần kinh giao cảm

– Sự hoạt hóa hệ thông renin- angiotensin- aldosterone

– Tăng béo phì, béo bụng.

– Stress oxy hóa

Sơ đồ 1. Hormone sinh dục và Tăng huyết áp sau mãn kinh

4.7.2 Bệnh mạch vành:

Tác động gây xơ vữa động mạch của thời kỳ mãn kinh là do hội chứng chuyển hóa thời kỳ mãn kinh:

– Rối loạn chuyển hóa lipid và lipoprotein

+ Triglycerid máu tăng

+ LDL-C tăng

+ HDL-C giảm

+ Thải trừ triglycerid giảm

– Rối loạn chuyển hóa glucose và insulin

+ Đậm độ insulin tăng

+ Thải trừ insulin giảm

+ Bài tiết insulin của tụy tạng giảm

+ Đề kháng với insulin

+ Tích tụ mỡ của thân mình tăng

+ Tăng acid uric máu

– Rối loạn cầm máu và tan sợi huyết

+ Tăng hoạt tính đông máu của yếu tố VII, tăng yếu tố VIIc và fibrinogen

+ Giảm antithrombin III

+ Tăng yếu tố ức chế chất hoạt hóa plasminogen

4.7.3 Đột quỵ:

Nguyên nhân hay gặp nhất là nhồi máu não: xơ vữa ở những điểm nhánh của động mạch não. Vỡ túi phình động mạch não ít gặp hơn, gây xuất huyết trong não và khoang dưới nhện.

4.7.4 Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch:

Hơn 90% bắt nguồn từ tĩnh mạch sâu chi dưới, biến chứng thường gặp là thuyên tắc phổi.Viên estrogene làm tăng nguy cơ 2-3 lần nhưng số tăng tuyệt đối rất nhỏ.

4.8 Biểu hiện ở da và phần phụ của da

Vì thiếu Estrogen nên mô lien kết dưới da bị mỏng đi, giảm tính đàn hồi làm cho da bị mỏng và nhăn nheo. Da của người mãn kinh bị nhăn một phần còn do trữ lượng nước ở da đã giảm hẳn.

Các phần phụ của da như tuyến mồ hôi, tuyến bã, hệ thống long cũng bị teo, giảm hoạt động nên da bị khô, lông tóc bị rụng, thưa đi, hói đầu.

Hình 4:Sinh lý bệnh sự thay đổi các cơ quan thời kì mãn kinh.

5. CHẨN ĐOÁN MÃN KINH

5.1 Theo UptoDate 2015 những triệu chứng điển hình của thời kì mãn kinh là:

– Cơn bốc hỏa (Hot flashes): là triệu chứng phổ biến nhất trong giai đoạn mãn kinh, nó thường bắt đầu trước kỳ kinh cuối cùng của người phụ nữ, và có thể kéo dài trung bình trong 4 năm.

– Vã mồ hôi đêm (Night sweats) thường kèm theo cơn bốc hỏa, làm gián đoạn giấc ngủ và khiến người phụ nữ mệt mỏi, khó chịu, thay đổi tâm trạng.

– Rối loạn giấc ngủ (Sleep problems).

– Khô âm đạo (Vaginal dryness) thường gây khó chịu và đau khi đau giao hợp.

– Trầm cảm (Depression) với những biểu hiện khó tập trung, giảm hứng thú với những hoạt động thường ngày, ngủ quá nhiều hoặc khó ngủ. Những người phụ nữ có tiền sử trầm cảm trước đó có thể tái phát trong giai đoạn mãn kinh này.

Một số phụ nữ có hoặc không có những triệu chứng này, tuy nhiên, một số phụ nữ lại bị ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Các triệu chứng thường bắt đầu vào giai đoạn trước quanh thời kì mãn kinh, trước khi kinh nguyệt của họ hết hoàn toàn.

5.2 Theo Hiệp hội mãn kinh của Úc (AMS), chẩn đoán mãn kinh có 3 điểm chính:

– Chẩn đoán thời kỳ mãn kinh được đặt ra dựa trên sự khởi phát bằng rối loạn vận mạch và rối loạn kinh nguyệt.

– Đo steroid sinh dục hoặc gonadotropin ít có giá trị vì có sự thay đổi hằng ngày.

– Một bảng điểm triệu chứng có thể hữu ích trong việc phân chia mức độ nặng, ảnh hưởng của các triệu chứng và đánh giá đáp ứng với bất kỳ sự can thiệp (bảng 1).

Trong đó: mức độ nghiêm trọng của mỗi triệu chứng được tính điểm như sau:

Không = 0; Nhẹ = 1; Vừa phải = 2; Nặng = 3

Chú ý:

Các triệu chứng được nhóm thành 4 loại: vận mạch, tâm lý, vận động và niệu sinh dục. Nếu một nhóm không đáp ứng với HRT, tìm nguyên nhân khác và xử lý cụ thể cho nhóm đó. Không phải tất cả các triệu chứng được liệt kê đều nhất thiết là triệu chứng do thiếu hụt estrogen.

Bảng 1. Bảng điểm triệu chứng
Triệu chứng Điểm trước khi sử dụng HRT 3 tháng sau khi bắt đầu sử dụng HRT 6 tháng
Cơn bốc hỏa
Cảm giác đau đầu nhẹ
Đau đầu
Cáu gắt
Trầm cảm
Cảm giác không được yêu thương
Lo lắng
Thay đổi tính tình
Mất ngủ
Mệt mỏi bất thường
Đau lưng
Đau khớp
Đau cơ
Mọc râu
Da khô
Cảm giác kiến bò dưới da
Giảm ham muốn tình dục
Khô âm đạo
Khó chịu khi giao hợp
Tiểu nhiều lần
Tổng

5.3 Theo guideline 2015 của NICE, có 4 điểm chính sau:

1. Chẩn đoán không cần các cận lâm sàng ở những phụ nữ khỏe mạnh trên 45 tuổi với các triệu chứng mãn kinh như sau:

– Tiền mãn kinh với các triệu chứng vận mạch và kinh nguyệt không đêu.

– Mãn kinh ở người phụ nữ đã không có kinh liên tiếp ít nhất 12 tháng và không sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết nào.

– Xuất hiện các triệu chứng mãn kinh ở phụ nữ không có tử cung.

2. Chú ý rằng việc chẩn đoán mãn kinh ở phụ nữ đang dùng liệu pháp hormone là rất khó, ví dụ ở phụ nữ đang điều trị rong kinh.

3. Không sử dụng các xét nghiệm sau để chẩn đoán tiền mãn kinh hay mãn kinh ở những phụ nữ trên 45 tuổi như hormone antimuller, inhibin A. Inhibin B, estradiol, đếm noãn thứ cấp (nang noãn có hốc- Antral follicle count (AFC), khối lượng buồng trứng, …

4. Cân nhắc việc sử dụng FSH để chẩn đoán mãn kinh khi:

– Phụ nữ từ 40-45 tuổi có các triệu chứng của mãn kinh bao gồm cả sự thay đổi chu kỳ kinh nguyệt.

– Phụ nữ dưới 40 tuổi nghi ngờ mãn kinh.

Như vậy, việc chẩn đoán mãn kinh, ngoài khai thác được những triệu chứng đã nêu ở phần trên, thì những thông tin sau cũng cần được khai thác kĩ (theo guideline 2015 của NICE):

– Hỏi về tiền sử kinh nguyệt trước đây.

– Hồi cứu lại tất cả các triệu chứng mãn kinh, tốt nhất sử dụng một hệ thống tiêu chuẩn hóa sự đánh giá các triệu chứng.

– Hỏi về các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là rối loạn giấc ngủ.

– Hỏi về tiền sử bệnh tật và các yếu tố nguy cơ của bản thân đối với bệnh ung thư vú, bệnh tim mạch, bệnh huyết khối tắc mạch và loãng xương.

– Hỏi về chống chỉ định tuyệt đối hoặc tương đối so với MHT: tăng huyết áp không kiểm soát được, chảy máu bất thường không được chẩn đoán, ưu tiên ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung.

– Đảm bảo rằng có sự cập nhật về sàng lọc bệnh lý ở vú, cổ tử cung.
Lưu ý trong chẩn đoán mãn kinh: trầm cảm, thiếu máu và suy giáp là những bệnh lý phổ biến nhất mà có thể các triệu chứng giống các triệu chứng mãn kinh hoặc thực sự xảy ra cùng một lúc. Bệnh đái tháo đường không kiểm soát có thể gây cơn bốc hỏa. Thuốc, chẳng hạn như họ SSRI của thuốc chống trầm cảm, cũng có thể gây cơn bốc hỏa.

Chỉ định làm công thức máu, sắt, ferritin và / hoặc nồng độ TSH thường sẽ làm chắc chắn cho chẩn đoán. Tuy nhiên, nếu một người phụ nữ có biểu hiện thay đổi tính tình hoặc lo lắng, cần thiết để đánh giá liệu này là một sự lo lắng/trầm cảm hoặc trầm trọng hơn là do thiếu estrogen. Tiền sử trầm cảm trước đó hoặc tăng FSH có thể giúp phân biệt giữa trường hợp này. Rụng tóc có thể là một dấu hiệu của thiếu sắt hoặc suy giáp hơn là biểu hiện của mãn kinh.

7. ĐIỀU TRỊ

Như chúng ta đã nói ở trên, điều trị mãn kinh không phải là điều trị y tế bởi vì mãn kinh là hiện tượng sinh lý tự nhiên khi người phụ nữ bước vào lứa tuổi trên 45. Chính vì vậy, điều trị mãn kinh chỉ bao gồm:

7.1 Về mặt tâm lý:

– Cung cấp cho bệnh nhân những hiểu biết cần thiết về hiện tượng mãn kinh, giải thích để họ biết rằng đây là một chuyển biến tự nhiên không thể tránh khỏivà không có gì phải quá lo lắng về những thay đổi trong cơ thể.

– Hướng dẫn bệnh nhân về sự thích nghi với những thay đổi và tạo một môi trường tình cảm, tâm lý thích hợp, giảm bớt những căng thẳng trong đời sống vào giai đoạn mãn kinh.

– Cần giải thích rõ các bệnh ung thư có thể xảy ra cho phụ nữ ở tuổi mãn kinh, cố gắng tập trung hướng dẫn khám và làm xét nghiệm để tầm soát sớm các bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư vú,…

7.2 Về mặt triệu chứng: điều trị triệu chứng nổi bật ở bệnh nhân và dự phòng các bệnh tim mạch và bệnh loãng xương bằng các biện pháp thích hợp.

7.3 Liệu pháp nội tiết thay thế (Hormone Replacement Treatment – HRT):

Liệu pháp này giúp bổ sung một lượng estrogen vào cơ thể qua nhiều con đường khác nhau (viên uống, miếng dán, kem bôi…) nhằm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mãn kinh. Tuy nhiên, sử dụng liệu pháp này cần được sử chỉ định và theo dõi chặt chẽ bởi nếu cơ thể thừa estrogen sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư.

Estrogen được sử dụng đơn độc sẽ kích thích nội mạc tử cung, có thể dẫn đến tăng sản nội mạc tử cung hoặc làm gia tăng nguy cơ ung thư thân tử cung. Do đó, trong liệu pháp thay thế hormone, người ta thường dùng estrogen kèm theo với progesteron để giảm thiểu nguy cơ trên.

Hội mãn kinh Bắc Mỹ (North American Menopause Society – NAMS) tiến hành một nghiên cứu mang tên KEEPS từ 2007 đến 2011 trên 727 phụ nữ khỏe mạnh ở độ tuổi 42-59. Sau nghiên cứu NAMS này đã đưa ra kết luận: HRT là phương pháp điều trị chấp nhận được và an toàn cho phụ nữ khỏe mạnh có triệu chứng cơ năng của mãn kinh, trong độ tuổi 50-59 và mới mãn kinh dưới 10 năm.

7.3.1 Lợi ích:

Điều trị tốt các triệu chứng cơ năng của mãn kinh

Đối với tim mạch: HRT có khả năng làm giảm thiểu nguy cơ bệnh tim mạch, giảm thiểu nguy cơ của đái tháo đường và có tác dụng tích cực trên biến dưỡng chất béo, nhờ đó bảo vệ tim mạch. Hiệp hội mãn kinh quốc tế IMS(International menopause society) không khuyến cáo bắt đầu HRT trên phụ nữ lớn hơn 60 tuổi và HRT cũng không thích hợp đối với những phụ nữ đã mắc bệnh mạch vành.

Đối với loãng xương: HRT được xem là cách điều trị hàng đầu để dự phòng loãng xương ở phụ nữ mãn kinh dưới 60 tuổi và có nguy cơ gãy xương.

Giảm và làm chậm xuất hiện sa sút trí tuệ (bệnh Alzheimer)

Biểu đồ 1: Điều trị phối hợp E/D (Estrogen/Dydrogesterone) có khuynh hướng làm giảm nguy cơ tim mạch. (Nguồn: Schneider C et al.(2009) Climacteric).

7.3.2 Nguy cơ:

Ung thư vú: việc tăng tỉ lệ ung thư vú ở phụ nữ sử dụng HRT chủ yếu là do Progestogen và thời gian sử dụng. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mang tên WHI (Womens health initiative) năm 2002 công bố thì việc sử dụng estrogen/progestin chỉ làm tăng ung thư vú sau 5 năm sử dụng.

Ung thư nội mạc tử cung: Estrogen làm quá sản nội mạc tử cung.

Bệnh huyết khối: HRT cần được sử dụng trước khi có tổn thương nội mô mạch máu.

Hiện tượng chảy máu âm đạo trở lại một cách đều đặn theo quy trình dùng thuốc, hiện tượng này được gọi là “sự chảy máu thu hồi”, thường kéo dài chỉ vài ba ngày, với lượng máu có màu nhạt hơn và ít hơn kinh nguyệt bình thường. Giảm hoặc mất đi khi điều chỉnh hàm lượng thuốc.

Biểu đồ 2: Điều trị bằng phối hợp E/D làm giảm thiểu nguy cơ ung thư vú.

Nguồn: Lyytinen H et al. (2009). Obst Gyn.

7.3.3 Nguyên tắc sử dụng liệu pháp:

Thời gian sử dụng tùy thuộc vào thể trạng và yêu cầu của từng người.

Phối hợp Estrogen/Progestogen nếu còn tử cung.

Để giống với sinh lý, Estrogen được dùng là tự nhiên hoặc giống với tự nhiên.

7.3.4 Chống chỉ định sử dụng nội tiết: (Theo phác đồ điều trị sản phụ khoa – BV Từ Dũ 2015, tr208)

Có ung thư hay nghi ngờ ung thư.

Có thai hay nghi ngờ có thai.

Có khối u liên quan đến nội tiết.

Đã bị viêm tắc tĩnh mạch hay động mạch.

Đang bị xuất huyết âm đạo bất thường nhưng chưa chẩn đoán được nguyên nhân.

Như vậy, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, khi sử dụng HRT thì cần phải bắt đầu sớm, cho phụ nữ dưới 60 tuổi, mãn kinh dưới 10 năm với lợi ích nhiều hơn và tác dụng không mong muốn rất ít. Khi sử dụng HRT cần cân nhắc tư vấn để phụ nữ tuổi mãn kinh sử dụng đúng loại nội tiết phù hợp. Sử dụng phối hợp E/D là một lựa chọn an toàn và hiệu quả để điều trị các triệu chứng mãn kinh.

8. DỰ PHÒNG

8.1 Giai đoạn tiền mãn kinh:

Việc chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ tiền mãn kinh nên bắt đầu khi người phụ nữ bắt đầu bước sang tuổi 35, khi cơ thể bắt đầu chuyển mình sang thời kỳ mới giúp giảm nhẹ những triệu chứng khó chịu trong thời kỳ tiền mãn kinh.

Bảo vệ sức khỏe thời kỳ tiền mãn kinh cũng không thể tách khỏi nguyên tắc bảo vệ sức khỏe thông thường.Phụ nữ cần cân bằng chế độ dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ các chất, nên ăn cơm gạo trắng thường ngày có xen lẫn gạo lức để bổ sung nhiều vitamin nhóm B; Bổ sung lượng calci có trong bơ sữa, sữa chua giúp làm giảm thay đổi tính khí, đau đầu, tăng lượng magne có trong trái cây, rau quả, đồng thời qua đó tăng lượng serotonin giúp giảm stress. Nên ăn dưa hấu để cung cấp một phần chất xơ và nước sẽ giúp cơ thể chống được táo bón và đặc biệt cơ thể cần một lượng nước cho cơ thể.Tránh các thức ăn có nhiều muối, dùng nhiều thức ăn giàu kali như cam, quýt, chuối, tránh các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá.

Bên cạnh đó, cần tập thể dục thể thao thường xuyên để duy trì sự dẻo dai của hệ xương cơ và giúp máu tuần hoàn đều khắp cơ thể. Thể dục với các bài tập phù hợp sẽ giúp duy trì vóc dáng gọn gàng, giúp tinh thần minh mẫn, lạc quan…

8.2 Dự phòng các vấn đề sau khi mãn kinh:

8.2.1 Loãng xương

Theo một cuộc khảo sát, phụ nữ sau mãn kinh cũng sẽ thường phủ nhận các nguy cơ về sức khỏe của mình. Điều này sẽ càng làm cho tình trạng loãng xương (và các tình trạng bệnh khác sau mãn kinh) trở nên tệ hơn vì phụ nữ sẽ không thực hiện các biện pháp bảo vệ xương cũng như sức khỏe của mình, ví dụ như ăn chế độ ăn giàu canxi, thực hiện các bài tập có lực cản với tạ và hạn chế tiêu thụ muối cũng như các loại đồ uống làm giảm lượng canxi trong xương (như rượu bia, soda, cafe).

8.2.2 Tiểu đường

Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ đưa ra khuyến nghị rằng: nên kiểm tra bệnh tiểu đường mỗi 3 năm một lần, bắt đầu từ khi bước sang tuổi 45. Điều này đặc biệt đúng nếu bị thừa cân.

8.2.3 Bệnh tim mạch

Bằng cách thực hiện các thói quen tốt cho sức khỏe, ví dụ như cai thuốc lá, ăn chế độ ăn nhiều rau quả và luyện tập thể thao 30 phút/ngày có thể sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

8.2.4 Ung thư vú

Với một phụ nữ 30 tuổi, nguy cơ có thể sẽ mắc ung thư vú trong vòng 10 năm tới là 1/227. Nhưng ở độ tuổi 60, nguy cơ sẽ tăng lên là 1/28.

Yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh ung thư vú có thể kiểm soát được đó chính là tình trạng tăng cân sau mãn kinh. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghịnên luyện tập thể thao với mức độ vừa phải trong vòng 150 phút mỗi tuần để kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ ung thư vú.

8.2.5 Các loại ung thư khác

Hạn chế sử dụng liệu pháp hormone không cần thiết.

Duy trì cân nặng khỏe mạnh theo Chỉ số khối cơ thể. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Hạn chế sử dụng rượu bia, tránh ra khói thuốc lá.

Ăn nhiều thực phẩm giàu folat như các loại đậu, các loại rau xanh đậm,…

Bổ sung đầy đủ vitamin D: tắm nắng buổi sáng ít nhất 10-15 phút mỗi tuần. Tuy nhiên đối với những phụ nữ dễ bị cháy nắng hoặc có tiền sử gia đình bị ung thư da thì nên bổ sung vitamin D thông qua thực phẩm hoặc các dạng thuốc khác. Theo khuyến cáo, phụ nữ từ 51-70 tuổi nên bổ sung 400UI vitamin D mỗi ngày, và 600UI sau tuổi 71.Ăn nhiều rau củ quả, bổ sung Calci hằng ngày từ 1200mg sau tuổi 50.

8.2.6 Các vấn đề về tiểu tiện

Một số biện pháp có thể thực hiện để dự phòng tình trạng tiểu tiện không tự chủ: luyện tập bài tập Kegel, uống nhiều nước và đi vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục.

8.2.7 Các bệnh về gan

Theo các nghiên cứu trên động vật, estrogen cũng có liên quan đến các bệnh về gan do vậy phụ nữ cũng sẽ dễ mắc các bệnh về gan do rượu, viêm gan do rượu và tử vong vì xơ gan hơn.

Đối với những phụ nữ sinh trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1965, thì Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo rằng, nên đi kiểm tra viêm gan C vì đây là loại virus có thể gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến gan.

Ngoài ra còn dự phòng một số rối loạn khác như: các rối loạn về ăn uống, các bệnh về răng miệng, các rối loạn giấc ngủ…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

TIẾNG VIỆT

1. Phác đồ điều trị sản phụ khoa – BV Từ Dũ 2015.

2. Bộ y tế, Quyết định số 315/QĐ-BYT ngày 29/01/2015, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh sản phụ khoa.

3. GS.TS. Đặng Vạn Phước, 2016, Bệnh lý tim mạch và phụ nữ tuổi mãn kinh.

4. GS.TS Nguyễn Khắc Liêu, Kinh nguyệt và rối loạn kinh nguyệt, bài Mãn kinh, Chẩn đoán mãn kinh, tr 151-170.

TIẾNG ANH

1. International Menopause Society 2014, “Prevention of diseases after menopause”.

2. Harvard Medical School 2008, “Preventing common cancers after menopause: what you need to know”.

3. Barbara Hoffman & John Schorge & Karen Bradshaw (2016), Williams gynecology, Third edition, pp. 471 – 489.

4. American Association of Clincal Endocrinologists (2011), AACE Medical Guidelines for clinical practice for the diagnosis and treatment of menopause.

5. Lyytinen H et al. (2009), Obst Gyn.

6. Schneider C et al.(2009), Climacteric.

VỀ MÃN KINH

Giáo viên hướng dẫn: Nhóm 2:

Ths.Bs. Trần Mạnh Linh 1. Hà Minh Hiếu

2. Phan Thị Minh Ý

3. Hoàng Nhật Linh

4. Nguyễn Thị Mỹ Thơm

5. Phan Thị Ngọc Hà

6. Nguyễn Tuyết Trinh

7. Nguyễn Tri Nhất

8. Lữ Bách Huy

Huế, 12/2016

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

AMS Australasian Menopause Society

(Hiệp hội mãn kinh Australia)

ĐTĐ Đái tháo đường.

HRT Hormone Replacement Treatment

(Liệu pháp nội tiết thay thế)

IMS International menopause society

(Hiệp hội mãn kinh quốc tế)

NAMS North American Menopause Society

(Hiệp hội mãn kinh Bắc Mỹ)

NICE UK’s National Institute for Health and Care Excellence

(Viện y tế và chăm sóc quốc gia Vương Quốc Anh)

STRAW Stages of Reproductive Aging Workshop

(Hội thảo về phân chia giai đoạn tuổi sinh sản)

Đánh giá bài viết

YKHOA247.com thành lập với mục đích chia sẻ kiến thức Y Khoa.

Mọi thông tin trên trang web chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc không nên tự chẩn đoán và điều trị cho mình.