Sốc tim – chẩn đoán và điều trị

Chào bạn, nếu bạn là sinh viên Y Khoa đã, đang hoặc sắp đi thực hành lâm sàng tại bệnh viện thì không nên bỏ qua Khóa học kiến thức lâm sàng nội khoa này nhé! Đây là khóa học chất lượng được đánh giá cao bởi khoảng 400 thành viên đăng ký là các sinh viên Y Khoa trên khắp cả nước và các bác sĩ nội khoa. LINK KHÓA HỌC: https://ykhoa247.com/gioi-thieu-khoa-hoc-lam-sang-noi-khoa/

SỐC TIM

TS.Nguyễn Cửu Lợi

BV TW Huế

Sốc tim là tình trạng giảm đột ngột cung lượng tim không đáp ứng được nhu cầu oxy mô của cơ thể. Dựa vào các thông số huyết động, có thể định nghĩa sốc tim khi:

Chỉ số cung lượng tim < 1,8 l/phút/m2.

Huyết áp tâm thu < 90 mmHg.

Áp lực nhĩ trái > 20 mmHg.

Lượng nước tiểu < 20 ml/giờ.

Sức cản mạch hệ thống >2100 dyne- giây /cm2.

Nguyên nhân thường gặp: nhồi máu cơ tim cấp, bệnh cơ tim giãn, hở 2 lá cấp, thủng vách liên thất, viêm cơ tim nặng, chèn ép tim cấp, rối loạn nhịp nặng.

CHẨN ĐOÁN LÂM SÀNG

Đau ngực nếu bị nhồi máu cơ tim cấp, viêm cơ tim; khó thở dữ dội nếu chèn ép tim cấp, tĩnh mạch cổ nổi, mạch nghịch. Huyết áp thấp < 80 mmHg khi không có thuốc vận mạch hoặc < 90 khi có thuốc vận mạch.Tim nhanh >100 lần / phút trừ khi có block nhĩ thất.

Thiểu niệu.

Tay chân lạnh, da xanh tái.

Tri giác giảm.

Nghe tim có thể có tiếng ngựa phi, âm thổi do hở van.

XÉT NGHIỆM CẬN LÂM SÀNG

Huyết học: men tim, khí máu, lactic máu, điện giải…

Điện tâm đồ: biểu hiện NMCT, viêm màng ngoài tim…

X quang Phổi: bóng tim, trường phổi.

Siêu âm tim: phát hiện các tổn thương cơ học như hở van, thủng vách liên thất, giảm vận động cục bộ thành cơ tim.

Catheter tĩnh mạch trung ương (Swan- Ganz) theo dõi áp lực buồng tim, mạch phổi, đo cung lượng tim.

ĐIỀU TRỊ

Biện pháp chung

Nhanh chóng xác định tình trạng sốc tim và chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân gây hạ huyết áp khác.

Lập đường truyền tĩnh mạch.

Thở Oxy, thông khí nhân tạo nếu cần.

Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm theo dõi huyết động.

Theo dõi độ bão hòa Oxy mạch SpO2.

Theo dõi lượng nước tiểu.

Đảm bảo tốt thể tích tuần hoàn.

Kiểm soát các rối loạn nhịp.

Kiểm soát thăng bằng kiềm toan, điện giải.

Sử dụng các thuốc vận mạch.

Sử dụng các biện pháp hỗ trợ cơ học.

Theo dõi huyết động: theo dõi huyết động là yếu tố quyết định để điều chỉnh và can thiệp kịp thời trong sốc tim.

Thuốc

Các catecholamine làm tăng sức co bóp cơ tim, tăng nhịp tim, co giãn mạch phụ thuộc liều

Dobutamin, TTM, 2 -5 µg/kg/phút, chỉ định tốt khi huyết áp trên 80mmHg.

Dopamin, TTM, 5- 20 µg/kg/phút. Khi huyết áp <80mmHg.

Noradrenalin 2-16 µg/kg/phút, khi huyết áp <70 mmHg.

Phối hợp các thuốc vận mạch nếu không kết quả.

Các thuốc giãn mạch: chỉ dùng khi đã ổn định được huyết áp

Nitroglycerine hoặc nitroprusside liều bắt đầu 10 µg/phút.

Các thuốc trợ tim:

Không dùng digitalis trong NMCT có sốc tuy nhiên nếu suy tim do các bệnh van tim có rung nhĩ nhanh thì lại nên dùng. Các thuốc tăng co bóp do ức chế phosphodiesterase ( milrinone, amrinone) có thể dùng khi suy tim nặng.

Các thuốc lợi tiểu:

Làm giảm áp lực tuần hoàn, dùng khi có quá tải thể tích và huyết áp đã được kiểm soát.

Hỗ trợ tuần hoàn bằng cơ học

Bơm bóng ngược dòng trong động mạch chủ.

Tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể.

Điều trị nguyên nhân

NMCT cấp: can thiệp động mạch vành cấp cứu hoặc mổ làm cầu nối chủ vành.

Chọc và tháo dịch màng tim nếu có chèn ép tim cấp.

Phẫu thuật thay van….

Đánh giá bài viết

YKHOA247.com thành lập với mục đích chia sẻ kiến thức Y Khoa.

Mọi thông tin trên trang web chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc không nên tự chẩn đoán và điều trị cho mình.