U nang buồng trứng – chẩn đoán và điều trị

Chào bạn, nếu bạn là sinh viên Y Khoa đã, đang hoặc sắp đi thực hành lâm sàng tại bệnh viện thì không nên bỏ qua Khóa học kiến thức lâm sàng nội khoa này nhé! Đây là khóa học chất lượng được đánh giá cao bởi khoảng 400 thành viên đăng ký là các sinh viên Y Khoa trên khắp cả nước và các bác sĩ nội khoa. LINK KHÓA HỌC: https://ykhoa247.com/gioi-thieu-khoa-hoc-lam-sang-noi-khoa/

 

U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là các túi chứa đầy dịch ở trong hoặc trên bề mặt buồng trứng. Có 2 buồng trứng, mỗi buồng trứng có kích thước và hình dạng bằng một quả hạnh nhân nằm ở hai bên tử cung. Trứng phát triển và chín trong buồng trứng và rụng theo chu kỳ hằng tháng trong độ tuổi sinh đẻ của phụ nữ. Nhiều phụ nữ bị u nang buồng trứng vào một thời điểm nào đó trong đời. Phần lớn nang buồng trứng ít hoặc không gây khó chịu và không có hại. Đa số nang buồng trứng biến mất trong vòng vài tháng mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nang buồng trứng nhất là những nang đã vỡ đôi khi gây các triệu chứng nghiêm trọng, có thể đe doạ tính mạng.

Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn là biết các triệu chứng và kiểu nang có thể báo hiệu vấn đề nghiêm trọng hơn và phải cần khám phụ khoa định kỳ.

1. TỔNG QUAN VỀ CÁC LOẠI U BUỒNG TRỨNG

Khối u buồng trứng, là những khối u xuất phát từ buồng trứng. Chúng có thể lành tính hoặc ác tính (ung thư buồng trứng).

1.1 Khối u lành tính: Bao gồm các nang buồng trứng.

1.2 Ung thư: Ung thư buồng trứng được phân loại theo mô học của khối u. Mô học giúp giải thích nhiều khía cạnh cho điều trị, quản lý trên lâm sàng và tiên lượng.

– Khối u biểu mô buồng trứng

Là loại ung thư buồng trứng hay gặp nhất. Bao gồm khối u thanh dịch (serous tumour), khối u dạng lạc nội mạc tử cung (endometrioid tumour) và khối u nhầy (mucinous tumour). Chúng có thể lành tính – u nang tuyến (cystadenoma) hoặc ác tính – ung thư biểu mô tuyến nang (cystadenocarcinoma). Những khối u ác tính ít gặp hơn là U Brenner và ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (transitional cell carcinoma).

– U đệm – dây sinh dục

Bao gồm u tế bào hạt tiết estrogen và u tế bào Sertoli-Leydig (virilizing Sertoli-Leydig cell tumour) hoặc u nam tính hóa buồng trứng (arrhenoblastoma), chiếm khoảng 8% các ung thư buồng trứng.

– U tế bào mầm

Chiếm khoảng 30% các khối u buồng trứng, nhưng chỉ chiếm 5% các ung thư, bởi vì hầu hết các khối u tế bào mầm là u quái (u nang bì – teratoma) và hầu hết u quái lành tính. Các khối u tế bào mầm có khuynh hướng xảy ra ở phụ nữ trẻ (20-30 tuổi) và trẻ gái. Mặc dù nhìn chung tiên lượng của u tế bào mầm thường thuận lợi, nhưng nó có thể thay đổi căn bản những cấu trúc mô học cụ thể: ví dụ, khối u tế bào mầm hay gặp nhất (u nghịch mầm – dysgerminoma) có tiên lượng tốt, trong khi khối u tế bào mầm phổ biến thứ hai (u xoang nội bì buồng trứng – endodermal sinus tumor) lại có tiên lượng xấu. Ngoài ra, các marker ung thư được sử dụng khác nhau đối với từng loại khối u: ung thư nguyên bào nuôi (choriocarcinomas) được theo dõi với beta-hCG, u nghịch mầm (dysgerminomas) theo dõi với LDH; và u xoang nội bì buồng trứng (endodermal sinus tumor) theo dõi với alpha-fetoprotein.

Các khối u dạng hỗn hợp

Chứa các thành phần nhiều hơn một trong các lớp mô học khối u ở trên.

Phân loại theo WHO:

– Phân loại theo nguồn gốc mô học có thể có. Bao gồm: Từ tế bào biểu mô (65%), từ tế bào mầm (15%), từ dây sinh dục – đệm (10%), di căn đến (5%), và hỗn hợp.

– Các khối u tế bào biểu mô bề mặt được phân loại nữa theo loại tế bào (thanh dịch, nhầy, dạng nội mạc tử cung,…) và không điển hình (lành tính, giới hạn [tăng sinh không điển hình, khả năng ác tính thấp] hoặc ác tính; ác tính có thể là dạng xâm nhập hoặc không xâm nhập)

– Hầu hết các khối u ác tính thuộc về biểu mô bề mặt (90%)

Hình 1: Các thành phần của u buồng trứng

Bảng 1: Phân loại u nang buồng trứng

 

2. U NANG BUỒNG TRỨNG:

U nang buồng trứng được chia làm 2 loại chính là: U nang cơ năng và U nang thực thể.

2.1. U nang cơ năng (Functional ovarian cysts):

U nang buồng trứng cơ năng có nguồn gốc từ các nang noãn, sinh ra theo chu kỳ kinh nguyệt, không có tổn thương giải phẫu. Là những nang nhỏ, vỏ mỏng, căng nước, chỉ gặp ở những phụ nữ còn hành kinh và tiến triển nhanh, mất đi sau vài vòng kinh. Dựa vào bản chất mô học và cơ chế bệnh sinh, u nang buồng trứng cơ năng được chia làm 2 loại chính: Nang noãn (Follicular cysts) và nang hoàng thể (Corpus luteum cysts). Triệu chứng và cách xử trí đối với 2 loại nang này là tương tự nhau.

Hình 2.1 Thời điểm hình thành nang noãn và nang hoàng thể

  • Nang noãn (Follicular cysts):

Do nang Degaff không vỡ vào ngày quy định. Dịch bên trong noãn có thể hình thành u nang trong buồng trứng. Kích thước nang thường từ 3-8cm hoặc lớn hơn, tiếp tục tiết estrogen, do đó bệnh nhân bị chậm kinh.

Hình 2.2 Nang noãn

  • Nang hoàng thể (corpus luteum cysts):

Xuất huyết quá nhiều sau khi rụng trứng có thể lấp đầy trung tâm hoàng thể tạo nên nang hoàng thể.

Hình 2.3 Nang hoàng thể

      1. Triệu chứng

Hầu hết u nang buồng trứng cơ năng không có triệu chứng và thường được phát hiện tình cờ qua khám phụ khoa định kỳ, nang càng lớn càng có khả năng gây ra triệu chứng. Những triệu chứng có thể bao gồm:

Đau hoặc nhức ở vùng bụng dưới, thường ở giữa chu kỳ kinh nguyệt

Chậm kinh

Chảy máu âm đạo

Một số u nang buồng trứng cơ năng có thể xoắn hoặc vỡ và chảy máu gây ra các triệu chứng:

– Đột ngột đau dữ dội, thường kèm nôn và buồn nôn

Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục

      1. Chẩn đoán

U nang buồng trứng cơ năng được chẩn đoán tương tự như những tổn thương dạng nang khác ở buồng trứng. Vì vậy, siêu âm được thực hiện đầu tiên. Nang noãn điển hình là một vùng rỗng âm hoàn toàn có thành mỏng, đều (hình 4). Ngược lại, Nang hoàng thể được gọi là “Kẻ bắt chước vĩ đại” (great imitators) bởi vì các đặc điểm khác nhau trên siêu âm của nó (hình 5).

Hình 2.4 Nang noãn trên siêu âm đường âm đạo

Hình 2.5. Nang hoàng thể trên siêu âm đường âm đạo

Trên siêu âm Doppler năng lượng, nang hoàng thể được bao quanh bởi một vòng sáng được gọi là “Ring of fire”, vì có sự gia tăng của mạnh máu xung quanh nang.

Hình 2.6 “ring of fire” trên siêu âm Doppler năng lượng nang hoàng thể

      1. Yếu tố nguy cơ:

COCs liều cao ức chế hoạt động của buồng trứng và giúp bảo vệ chống lại sự phát triển của nang (Ory, 1974). Tuy nhiên, trong các nghiên cứu sau đó với liều thấp, COCs chỉ cung cấp số liệu bảo vệ khiêm tốn (Holt, 2003, Lanes, 1992). Ngược lại, tỷ lệ mắc nang noãn tăng lên do nhiều biện pháp tránh thai chỉ sử dụng progestin. Progestin liên tục, liều thấp không làm giảm hoàn toàn chức năng của buồng trứng. Kết quả là các nang trội có thể phát triển do phản ứng với gonadotropin, tuy nhiên quá trình thụ tinh bình thường bị gián đoạn, dẫn đến nang noãn phát triển. Trên lâm sàng, nang noãn được phát hiện với tần số cao ở những bệnh nhân sử dụng LNG-IUS có chứa nội tiết progestin (Hidalgo, 2006; Nahum, 2015).

Cả phụ nữ tiền mãn kinh và hậu mãn kinh sử dụng tamoxifen để điều trị ung thư vú đều có nguy cơ gia tăng u nang buồng trứng lành tính (Chalas, 2005). Phụ nữ tiền mãn kinh và phụ nữ với BMI cao có nguy cơ cao đáng kể. Hầu hết là các nang cơ năng và sẽ biến mất dần theo thời gian cho dù tiếp tục hay ngưng điều trị với tamoxifen (Cohen, 2003). Nếu phát hiện được những nang đơn giản, thì giám sát bằng siêu âm là hợp lý. Nếu có dấu hiệu lâm sàng của bệnh ác tính, thì chỉ định phẫu thuật và ngưng sử dụng tamoxifen. Trong các SERMs khác, bazedoxifene, raloxifene, và ospemifene dường như không làm tăng tỷ lệ u nang buồng trứng (Archer, 2015).

Một số nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra sự liên quan giữa hút thuốc lá và sự phát triển của u nang cơ năng (Holt, 2005, Wyshak, 1988). Mặc dù cơ chế chính xác chưa được biết, nhưng sự thay đổi về nội tiết gonadotropin và chức năng buồng trứng là có thể xảy ra (Michnovicz, 1986).

      1. Nang hoàng tuyến (Theca Lutein cysts):

Là một loại nang noãn không phổ biến, thường gặp ở cả 2 bên buồng trứng, đặc trưng bằng sự phì đại lớp áo trong và hoàng thể hóa các nang noãn.Các nang có vỏ mỏng, đường kính từ 1 đến 4 cm, bên trong chứa dịch lutein do sự tăng cao LH hoặc β-hCG. Các yếu tố nguy cơ thường gặp bao gồm bệnh lý nguyên bào nuôi do thai nghén (Gestational Trophoblastic Disease: GTD), đa thai, phù nhau thai và kích thích buồng trứng quá mức trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (hình 7). Các u nang này thường biến mất tự nhiên sau khi loại bỏ các yếu tố kích thích. Tuy nhiên, trước khi tiêu biến, những nang này có thể gây nên biến chứng như xoắn hay vỡ u nang.

Hình 2.7 Nang hoàng tuyến

2.2 U nang buồng trứng thực thể lành tính (Benign neoplastic ovarian cysts)

2.2.1 U nang biểu mô buồng trứng

2.2.1.1 U nang nước

– Cấu tạo: Vỏ mỏng, cuống dài, chứa dịch trong, to, đôi khi choán hết ổ bụng, thường không dính vào xung quanh, là khối u lành tính, có thể có nhú ở mặt trong hoặc mặt ngoài vỏ nang. Nếu có nhú dễ ác tính.

Hình 2.8 Hình ảnh vi thể và đại thể của U nang nước

– Triệu chứng: Gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay phát hiện ở tuổi 20-30. Khám tiểu khung thấy khối u.

2.2.1.2. U nang nhầy

– Cấu tạo vỏ nang gồm 2 lớp: tổ chức xơ ở bên ngoài và biểu mô trụ đơn. U nang gồm nhiều thuỳ trong chứa dịch nhầy màu vàng, kích thước to nhất trong các u buồng trứng. Nang nhầy có thể bám vào các tạng chung quanh.

Hình 2.9. Hình ảnh vi thể của U nang nhầy

– Triệu chứng: Bệnh nhân thường có cảm giác nặng ở tiểu khung, phần lớn không có triệu chứng. Khám tiểu khung thấy khối u to biệt lập với tử cung, mật độ căng, ấn không đau, tử cung thường bị đẩy lệch sang một bên hố chậu.

– Chẩn đoán phân biệt:

Nếu nang nhỏ cần chẩn đoán phân biệt với

+ GEU

+ Ứ nước vòi trứng

+ U xơ tử cung, đặc biệt dễ nhầm với u xơ tử cung dưới phúc mạc

Nếu nang to choán hết ổ bụng phải phân biệt với cổ chướng.

2.2.2 Teratoma buồng trứng

Thuộc họ tế bào mầm của các loại u nang buồng trứng thực thể. Teratoma phát sinh từ một tế bào mầm đơn lẻ, và do đó có thể chứa bất kỳ một trong ba lớp mầm – ngoại bì, trung bì, hoặc nội bì. Các lớp này thường thiếu trật tự.

Teratoma được phân loại như sau:

– Teratoma chưa trưởng thành có chứa hỗn hợp rối loạn mô trưởng thành và chưa trưởng thành xuất phát từ ba lớp tế bào mầm.

-Teratoma chưa trưởng thành – khối u này là ác tính.

Hình 2.10. Hình ảnh cắt ngang đại thể và vi thể của Teratoma chưa trưởng thành

– Teratoma trưởng thành – khối u lành tính có chứa những dạng trưởng thành của ba lớp tế bào mầm:

+ Teratoma phát triển thành một nang, đây là loại phổ biến, và cũng gọi là u Teratoma lành tính hoặc u nang bì.

+ U Teratoma đặc trưởng thành có các thành phần tạo thành một khối đặc.

+Teratoma hình bầu dục tạo hình như búp bê.

Hình 2.11. Hình ảnh cắt ngang đại thể và vi thể của Teratoma trưởng thành

Teratoma xuất phát từ một lớp tế bào mầm – Loại u lành tính này được tạo thành từ một lớp tế bào mầm hay phần lớn từ chỉ một loại mô biệt hóa cao. Một trong số chúng được tạo thành chủ yếu từ mô tuyến giáp và được gọi tên là struma ovarii.

Trong số những loại teratoma này, Teratoma trưởng thành là phổ biến nhất. Những loại u lành này chiếm khoảng 10-25% của tất cả các loại u nang buồng trứng và 60% của tất cả các loại u nang buồng trứng lành tính. Những loại u này thường phát triển chậm và giới hạn từ 5-10cm. Xuất hiện ở cả 2 buồng trứng trong khoảng 10% các trường hợp. Khi cắt, hầu hết các u nang đều có một khoang và thường chứa một khu vực tăng trưởng cục bộ, nhô ra vào khoang nang. Còn được gọi là nốt Rokitansky, nốt này có thể không có hoặc có nhiều nốt..

Dưới kính hiển vi, các thành phần xuất phát từ lớp nội bì hoặc trung bì được tìm thấy, nhưng các thành phần từ lớp thượng bì thường chiếm ưu thế hơn. Các nang thường được lót bằng biểu mô vảy keratin và chứa nhiều tuyến bã và tuyến mồ hôi. Tóc và chất béo tiết thường được tìm thấy bên trong khối u. Đôi khi, xương và răng cũng được phát hiện. Nốt Rokitansky thường là vị trí nơi mà các loại mô khác nhau được tìm thấy và cũng là một vị trí phổ biến của sự chuyển đổi ác tính. Sự biến đổi ác tính phát triển trong 0.06-2% các trường hợp và thường ở phụ nữ lớn tuổi (Choi, 2014, Rim, 2006). Hầu hết các trường hợp ác tính là ung thư biểu mô tế bào vảy.

Các mô khác nhau trong các khối u không phát sinh do thụ tinh của trứng bằng tinh trùng. Thay vào đó, chúng được cho là phát triển từ vật liệu di truyền chứa trong một tế bào trứng do sự sinh sản vô tính. Kết quả là, gần như tất cả các khối u u nang trưởng thành có 46, XX karyotype

Các khối u u nang trưởng thành thường có thể bị xoắn, nhưng rất hiếm khi vỡ . Có lẽ, vỏ nang dày của chúng làm chúng khó vỡ hơn so với các khối u buồng trứng khác. Nếu u nang vỡ, thường gây viêm phúc mạc cấp tính.

Triệu chứng: Thường không có triệu chứng. Phát hiện khi mổ lấy thai hoặc chụp X-quang thấy răng trong khối u.

Chẩn đoán: Siêu âm là công cụ chẩn đoán hình ảnh chính

Hình 2.12. Teratoma trưởng thành trên siêu âm

2.3 Tiến triển và biến chứng

2.3.1 Xoắn u nang buồng trứng

Buồng trứng và vòi trứng thường xoay cùng với nhau như một thực thể. Thỉnh thoảng buồng trứng có thể tự quay một mình về phía mạc treo buồng trứng của nó hoặc vòi trứng tự quay một mình về phía mạc treo vòi trứng. Bình thường phần phụ vẫn có khả năng bị xoắn, khả năng xoắn càng cao khi phần phụ càng di động. Tuy nhiên trong 50-80% trường hợp ghi nhận là xoắn thứ phát có liên quan đến khối u ở buồng trứng (u nang buồng trứng chiếm tỷ lệ lớn), thường là những khối u có đường kính tối thiểu từ 5 cm. Khởi phát tình trạng xoắn thường sau khi hoạt động thể dục, đi tàu xe đường dài và xóc…

Hình 2.13. Xoắn u nang buồng trứng

Xoắn phần phụ chiếm khoảng 3% các cấp cứu phụ khoa. Và có thể xảy ra ở mọi phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi. Tình trạng cấp hay bán cấp thường xảy ra với nang bì, kích thước không to lắm và nặng, đôi khi xảy ra với nang nhầy, nang nước.

Triệu chứng:

+ Đau bụng: là triệu chứng điển hình nhất của hiện tượng xoắn nang buồng trứng. Đau bụng thành từng cơn, từ đau ít hoặc đau đột ngột chuyển sang đau dữ dội khắp bụng nhưng thường có điểm đau khu trú một bên hố chậu phía có u buồng trứng xoắn. Tần suất đau cả 2 bên ít hơn, khoảng 25%.

+ Buồn nôn và nôn: Ngoài triệu chứng đau bụng, khoảng 50-70% trường hợp có thể có buồn nôn và nôn. Cùng với đó là choáng váng, vã mồ hôi.

+ Sốt: Tỷ lệ thay đổi từ 2-20%. Thường xuất hiện muộn sau khi buồng trứng bị hoại tử, của tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm phúc mạc.

Siêu âm Doppler vùng chậu là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đầu tay trong chẩn đoán.

Xử trí: Tiến hành cấp cứu để tránh xuất huyết, viêm phúc mạc, kết dính. Cân nhắc bảo tồn buồng trứng cho phụ nữ trong thời kỳ sinh nở. Phẫu thuật cắt bỏ nang cho những khối u lành tính. Nếu buồng trứng đã hoại tử hoặc khối u nghi ngờ là ác tính đòi hỏi cần cắt bỏ buồng trứng – vòi trứng.

Hình 2.14. Xoắn u nang buồng trứng trên siêu âm

2.3.2. Nhiễm khuẩn u nang: Xảy ra sau xoắn u nang, nhiễm khuẩn làm u nang to lên dính vào các tạng xung quanh, biểu hiện lâm sàng giống viêm phúc mạc tiểu khung.

2.3.3. Nang chèn ép tiểu khung: U nang buồng trứng gây chèn ép trực tràng, bàng quang, niệu quản. Nang to tiến triển trong nhiều năm choán hết ổ bụng chèn ép tĩnh mạch chủ dưới gây phù, tuần hoàn bàng hệ cổ trướng.

2.3.4. Vỡ u nang: Thường xảy ra sau khi bị xoắn nhiều vòng hoặc do chấn va đập vào u nang (ví dụ hoạt động thể lực, hoặc quan hệ tình dục)

Triệu chứng:

– Tình trạng vỡ u nang có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng khởi phát đau đột ngột vùng bụng dưới, và có thể xuất hiện phía bên trái hoặc phải tùy vị trí u nang, đi kèm buồn nôn và nôn. Có thể có chảy máu âm đạo nhẹ do hậu quả của giảm tiết hormon buồng trứng và lớp nội mạc tử cung bong ra sau đó.

– Máu từ chỗ vỡ có thể xâm nhập vào buồng trứng gây đau do căng lớp vỏ buồng trứng, hoặc chảy vào ổ bụng gây kích ứng phúc mạc. Các dấu hiệu sống thường ở trong khoảng bình thường, có thể có sốt nhẹ. Hiếm khi dẫn đến tình trạng sốc do mất máu nhiều.

Đa số trường hợp vỡ u nang tự giới hạn, chỉ cần theo dõi tình hình và thuốc giảm đau. Một số ít trường hợp có thể gây vấn đề nghiêm trọng hơn là sốc do xuất huyết và nhiễm trùng.

2.3.5. Có thai kèm u nang

U nang có thể gây sẩy, đẻ non, gây u tiền đạo, vì vậy có chỉ định mổ, cắt u nang nên chờ đến tháng thứ 4 tránh sẩy thai. Nếu xoắn u nang thì mổ ngay ở bất kỳ tháng nào.

2.3.6. Ung thư

U nang buồng trứng là bệnh phụ khoa rất phổ biến, và khoảng 95% là không ác tính. Mặc dù hiếm hơn, đặc biệt ở độ tuổi 50, một số u nang buồng trứng như ở nang nước, có các nhú trong vỏ nang có thể phát triển thành ung thư. Thường không biểu hiện triệu chứng cho tới khi kích thước của nó đủ lớn. Vì vậy rất quan trọng để chẩn đoán và phát hiện ung thư phụ khoa trong giai đoạn đầu của u nang thông qua các cuộc thăm khám sức khỏe hàng năm.

Những nang có nhiều ngăn gợi ý sự tăng trưởng không bình thường của mô, dù ngăn mỏng là gợi ý sự tăng trưởng mô lành tính. Nếu có vách ngăn dày lên, có nốt, hoặc có dòng chảy mạch máu trên siêu âm doppler màu thì nên xem xét phẫu thuật do nghi ngại ác tính.

Hiện nay có một số thang điểm để đánh giá nguy cơ ác tính:

– RMI (risk of malignancy index)

– LR2

– SR (simple rules)

Độ nhạy và độ đặc hiện của các thang điểm:

Thang điểm Trước mãn kinh Hậu mãn kinh
Độ nhạy Độ đặc hiệu Độ nhạy Độ đặc hiệu
RMI I 44% 95% 79% 90%
LR2 85% 91% 94% 70%
SR 93% 83% 93% 76%

Có thể sử dụng trang web để tính các thang điểm http://gin-onc-calculators.com/ovarian.php

– Thang điểm RMI:

RMI = điểm siêu âm x điểm mãn kinh x mức CA-125 trong U / ml

Cách tính RMI:

Nếu có RMI trên 200 thì nên đến trung tâm phẫu thuật ung thư buồng trứng.

Có hai phương pháp để xác định điểm số siêu âm và điểm số mãn kinh, với kết quả RMI được gọi là RMI 1 và RMI 2 tương ứng.

Thang điểm RMI 2 trên 200 có độ nhạy khoảng 74 đến 80%, độ đặc hiệu khoảng 89 đến 92% và giá trị tiên đoán dương khoảng 80% khả năng ung thư buồng trứng. Thang điểm RMI 2 được coi là nhạy hơn thang điểm RMI 1.

Đặc điểm RMI 1 RMI 2
Bất thường trên siêu âm:
  • U nang có nhiều ngăn
  • Có vùng đặc
  • Tổn thương ở cả 2 bên
  • Báng
  • Di căn trong bụng
  • 0 = Không có bất thường
  • 1 = Có một bất thường
  • 3 = Từ hai bất thường trở lên
  • 0 = Không có bất thường
  • 1 = Có một bất thường
  • 4 = Từ hai bất thường trở lên
Điểm mãn kinh
  • 1 = Trước mãn kinh
  • 3 = Hậu mãn kinh
  • 1 = Trước mãn kinh
  • 4 = Hậu mãn kinh
CA-125 Định lượng theo U/ml Định lượng theo U/ml

CA – 125: Là một glycoprotein được sản xuất bởi các tế bào biểu mô lót khoang màng bụng, màng phổi và màng tim. Nó sẽ tăng lên trong ung thư biểu mô buồng trứng. Tuy nhiên, CA – 125 không phải là kháng nguyên đặc hiệu cho khối u, vẫn tăng trong khoảng 1% người khỏe mạnh, tăng trong những bệnh lành tính như lạc nội mạc trong cơ tử cung (adenomyosis), lạc nội mạc ngoài cơ tử cung (endometriosis), u xơ tử cung (leiomyomas), viêm vòi trứng (salpingitis). Tuy có những hạn chế nhưng CA – 125 vẫn có ích và được ghi nhận để xem xét trong những trường hợp u nang buồng trứng lớn, có dấu hiệu siêu âm bất thường.

Tất cả u nang phải được gửi xét nghiệm GPB để xác định tính chất, nếu ác tính phải cắt tử cung và buồng trứng bên kia.

2.4. Phát hiện sớm và chỉ định nhập viện:

Phần lớn u nang buồng trứng không có triệu chứng đặc hiệu nên không được phát hiện sớm, chỉ được phát hiện tình cờ qua siêu âm hoặc khám phụ khoa định kì. Nên đến gặp các chuyên gia sản phụ khoa trong những trường hợp sau:

– Sốt

– Đau bụng bất thường hoặc đau vùng chậu

– Nôn mửa

– Suy nhược, chóng mặt hay ngất xỉu

– Xanh xao hoặc thiếu máu (có thể đang mất máu)

– Rối loạn kinh nguyệt

– Khối u bất thường vùng bụng hoặc tăng chu vi vòng bụng bất thường

– Đau bất thường ở những bệnh nhân có sử dụng chống đông ví dụ warfarin (coumadin)

– Lông mặt rậm

– Tăng khát và tăng bài xuất nước tiểu

– Sụt cân không giải thích được

– Khối bất thường ở bụng hoặc vùng chậu.

Ngoài ra, các chuyên gia còn khuyến cáo phụ nữ nên nhập viện khoa cấp cứu trong những trường hợp sau:

– Suy nhược, chóng mặt hay ngất xỉu nhất là khi đang đứng

– Sốt kéo dài

– Đau nặng vùng bụng dưới hay vùng chậu

– Huyết áp tăng hay hạ không liên quan đến thuốc

– Tăng khát và tăng bài xuất nước tiểu kéo dài

– Đau vai không giải thích được kết hợp với đau bụng

– Nôn mửa kéo dài

Liệu u nang buồng trứng có dự phòng được không?

Có rất ít tài liệu y khoa nghiên cứu về việc dự phòng u nang buồng trứng, phần lớn chỉ dựa vào các yếu tố nguy cơ.

Yếu tố nguy cơ của u nang buồng trứng bao gồm.

– Tiền sử u nang buồng trứng trước đó

– Kinh nguyệt không đều

– Béo phì

– Tiền sử có kinh sớm (<11 tuổi)

– Vô sinh

– Vô sinh điều trị với gonadotropin

– Suy giáp

– Liệu pháp Tamoxifen cho ung thư vú

Thuốc tránh thai đường uống làm giảm nguy cơ gây u nang buồng trứng, nguyên nhân được ghi nhận là do ngăn chặn quá trình rụng trứng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

  1. Bộ môn Sản đại học Y Hà Nội (2006), “U nang buồng trứng”, Bài giảng sản phụ khoa, NXB Y học.

Tiếng Anh

  1. ACOG (2017), “Ovarian cysts”, Frequently asked questions, pp. 1
  2. Shahrzad Ehdaivand, M.D (2016), WHO Classification of ovarian neoplasms.
  3. Radiology Assistant, “Ovarian cysts”.
  4. Williams gynecology Third Edition 2016, p216-219.
  5. “WHO classification of ovarian neoplasms”

U NANG BUỒNG TRỨNG

NHÓM 3: Bsnt Đinh Thanh Nhân Ths.BS Trần Mạnh Linh

Võ Thị Quỳnh Như

Nguyễn Thị Lan Phương

Trần Ngọc Thiện

Nguyễn Thanh Hải

Nguyễn Đông Hải

1

DANH MỤC VIẾT TẮT

ACOG The American Congress of Obstetricians and Gynecologists

(Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ)

COC Combined Oral Contraceptive

(Thuốc tránh thai phối hợp đường uống)

LNG-IUS Levonorgestrel – intrauterine system

(Vòng tránh thai nội tiết chứa levonorgestrel)

SERM Selective estrogen receptor modulator

(Tác nhân điều biến thụ thể estrogen chọn lọc)

hCG Human chorionic gonadotropin

LH Luteinzing hormone

(Hormone tạo hoàng thể )

GTD Gestational Trophoblastic Disease

(Bệnh lý nguyên bào nuôi do thai nghén)

GEU Grossese Extra Uterine

(Thai ngoài tử cung)

RCTs Randomized controlled trials

(Các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng)

RCOG The Royal College of Obstetricians and Gynecologists

(Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoàng Gia Anh)

5 / 5 ( 1 bình chọn )

YKHOA247.com thành lập với mục đích chia sẻ kiến thức Y Khoa.

Mọi thông tin trên trang web chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc không nên tự chẩn đoán và điều trị cho mình.