Can thiệp ĐMV qua da được hiểu là qua ống thông, luồn dây dẫn (guidewire) qua tổn thương (hẹp, tắc) rồi đưa bóng và/hoặc stent lên để nong rộng chỗ hẹp/tắc và đặt stent để lưu thông lòng mạch. Can thiệp ĐMV đôi khi cũng đi kèm các thủ thuật đặc biệt khác như hút huyết khối, khoan phá mảng xơ vữa (rotahlator)…
Chỉ định, chống chỉ định của can thiệp động mạch vành qua da
Chỉ định
Đau thắt ngực ổn định mà không khống chế được dù đã điều trị nội khoa tối ưu.
Đau thắt ngực ổn định, có bằng chứng của tình trạng thiếu máu cơ tim (nghiệm pháp gắng sức dương tính hoặc xạ hình tưới máu cơ tim dương tính) và tổn thương ở động mạch vành cấp máu cho một vùng lớn cơ tim.
Đau ngực không ổn định/nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên mà phân tầng nguy cơ cao.
Nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên.
Đau thắt ngực xuất hiện sau khi phẫu thuật làm cầu nối chủ vành.
Có triệu chứng của tái hẹp mạch vành sau can thiệp động mạch vành qua da.
Chống chỉ định tương đối
Tổn thương không thích hợp cho can thiệp (ví dụ: Tổn thương nặng lan tỏa, tổn thương nhiều thân mạch vành, tổn thương đoạn xa…).
Tổn thương mạch vành có nguy cơ cao dẫn đến tử vong nếu động mạch vành đó bị tắc lại trong quá trình can thiệp.
Thể trạng dễ chảy máu nặng (số lượng tiểu cầu thấp, rối loạn đông mau…). Bệnh nhân không tuân thủ điều trị trước và sau khi làm thủ thuật can thiệp. Tái hẹp nhiều vị trí sau khi can thiệp.
Lưu ý: Nhiều bệnh nhân có chống chỉ định tương đối, nhưng can thiệp mạch vành qua da lại là lựa chọn điều trị duy nhất của họ.
Chuẩn bị
Chuẩn bị bệnh nhân
Cần đảm bảo bệnh nhân đã dùng đầy đủ thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel, ticagrelor, prasugrel…) trước thủ thuật can thiệp.
Kiểm tra lại các tình trạng bệnh đi kèm (ví dụ: Bệnh dạ dày), chức năng thận.
Tiền sử xuất huyết tiêu hóa, các bệnh rối loạn đông máu, dị ứng các thuốc điều trị và thuốc cản quang.
Chuẩn bị dụng cụ
Chuẩn bị bàn để dụng cụ.
Chuẩn bị bộ dụng cụ mở đường vào động mạch.
Ống thông can thiệp động mạch vành (guide): Các loại guide thông thường là EBU, JL, JR, AL, AR, XB, tùy theo đặc điểm giải phẫu của động mạch vành cần can thiệp và thói quen của thủ thuật viên.
Dây dẫn.
Bộ kết nối guide can thiệp với hệ thống manifold (khúc nối chữ Y). Thiết bị để điều khiển dây dẫn: introducer và torque.
Bơm áp lực định liều: Dùng để tạo áp lực làm nở bóng hoặc stent theo một áp lực mong muốn.
Dây dẫn (guidewire) can thiệp động mạch vành. Có rất nhiều loại dây dẫn mạch vành. Chọn lựa dây dẫn tùy theo đặc điểm tổn thương động mạch vành và thói quen của thủ thuật viên.
Bóng nong động mạch vành: Chọn kích thước và loại bóng (áp lực thường, áp lực cao, bóng có lưỡi cắt – cutting balloon…) tùy theo đặc điểm tổn thương.
Stent: Stent được lựa chọn phù hợp với độ dài và đường kính tham chiếu của tổn thương, chọn stent phù hợp để đảm bảo che phủ hết tổn thương và đảm bảo độ áp thành tối đa.
Pha loãng thuốc cản quang và hút vào bơm áp lực. Pha loãng thuốc cản quang và nước muối sinh lý theo tỉ lệ 1:1.
Các loại thuốc dùng trong quá trình can thiệp và cấp cứu: Heparin không phân đoạn, nitroglycerin, adenosin, dobutamin, dopamin, atropin, xylocain, verapamil, thuốc ức chế GP IIb/IIIa…
Các phương tiện cấp cứu: Oxy mask, bóng, nội khí quản, máy sốc điện, bóng ngược dòng động mạch chủ, máy tạo nhịp tạm thời…
Các bước tiến hành
Bước 1: Mở đường vào mạch máu
Mở đường vào động mạch quay hoặc động mạch đùi.
Bước 2: Chụp động mạch vành
Bước 3: Đặt ống thông can thiệp (guiding catheter)
Sau khi chụp ĐMV chọn lọc, xác định tổn thương, xác định vị trí cần phải can thiệp.
Lên kế hoạch, chiến lược can thiệp.
Kết nối ống thông với hệ thống khoá chữ Y, manifold.
Trước khi đưa ống thông qua ống mở đường vào động mạch, flush dịch nhiều lần để đảm bảo không còn không khí trong hệ thống guiding – manifold – bơm thuốc cản quang.
Đặt ống thông can thiệp vào lòng động mạch vành tương tự kỹ thuật đặt ống thông chẩn đoán.
Kết nối đuôi ống thông can thiệp (guiding) với đường đo áp lực.
Bước 4: Tiêm heparin cho bệnh nhân
Trước khi đưa dụng cụ can thiệp vào mạch vành phải cho bệnh nhân dùng heparin. Liều heparin là 70 – 100 đơn vị/kg cân nặng tiêm tĩnh mạch. Nếu bệnh nhân đã chụp ĐMV đường mạch quay, đã được dùng đủ heparin thì không cần cho thêm.
Khi thủ thuật kéo dài, kiểm tra thời gian đông máu hoạt hoá (ACT). Mục tiêu là ACT từ 250 – 350 giây. Nếu ACT thấp phải bổ sung liều heparin. Trong thực hành, có thể cho thêm 1000 đơn vị heparin sau 1 giờ thủ thuật tiến hành.
Bước 5: Tiến hành can thiệp mạch vành
Uốn đầu dây dẫn (guidewire) can thiệp ĐMV (loại 0,014”), gập một góc 45 – 60 o , để có thể lái theo các nhánh ĐMV, qua tổn thương.
Luồn,lái dây dẫn can thiệp qua vị trí tổn thương, sau khi đầu dây dẫn đã qua tổn thương, tiếp tục đẩy dây dẫn tới đầu xa của động mạch vành (chú ý không đi vào nhánh nhỏ hoặc quá xa).
Tiến hành nong bóng để làm nở rộng lòng mạch vị trí tổn thương
Tùy thuộc vào mục đích (chỉ nong bóng đơn thuần, không đặt stent hoặc nong bóng kết hợp với đặt stent) mà chọn loại bóng có kích thước phù hợp với tổn thương.
Kết nối bóng với bơm áp lực có chứa thuốc cản quang pha loãng.
Luồn bóng vào dây dẫn và đẩy trượt bóng tới vị trí mong muốn, test lại bằng thuốc cản quang để đảm bảo vị trí chính xác của bóng.
Bơm bóng với áp lực theo hướng dẫn ở bảng áp lực, thời gian lên bóng tùy thuộc vào ý định của bác sĩ can thiệp, thường từ 10 – 30 giây.
Có thể bơm bóng và xẹp bóng nhiều lần tùy thuộc vào ý định của bác sĩ can thiệp.
Rút bóng nong ra khỏi hệ thống ống thông can thiệp.
Tiến hành đặt stent để tránh hiện tượng hẹp trở lại (recoil) của lòng động mạch vành sau khi nong bóng
Chọn loại stent phù hợp với chiều dài và đường kính tham chiếu của tổn thương vừa được nong bóng.
Luồn stent vào dây dẫn, nhẹ nhàng đẩy stent tới vị trí mong muốn, kết nối bơm áp lực định liều có thuốc cản quang pha loãng với đuôi stent, thử test nhiều lần ở các tư thế chụp khác nhau để đảm bảo vị trí chính xác tối ưu của stent.
Làm nở stent với áp lực theo bảng áp lực và chỉ định của bác sĩ can thiệp.
Kiểm tra xem stent đã nở tốt hay không. Nếu stent chưa nở tốt theo lòng mạch có thể sử dụng bóng loại chịu được áp lực cao nong lại stent để đảm bảo stent áp sát thành động mạch tốt nhất.
Sau khi đã đặt stent, chụp lại động mạch vành để đảm bảo không có biến chứng (tách thành động mạch vành, dòng chảy chậm…). Sau đó rút guide wire và guiding ra khỏi động mạch vành, kết thúc thủ thuật.
Bước 6: Rút ống mở đường vào
(Xem mục 3. Kiểm soát vị trí đường vào mạch máu)
Bước 7: Chăm sóc người bệnh sau rút ống mở đường vào
Trong thời gian bệnh nhân còn nằm tại giường, y tá phải theo dõi bệnh nhân mỗi nửa giờ một lần, kiểm tra các thông số sau:
Mạch, huyết áp và các dấu hiệu của sốc giảm thể tích.
Vùng đùi bên chọc nhằm phát hiện chảy máu hoặc sự hình thành khối máu tụ. Mạch mu chân, màu sắc và nhiệt độ da của chân bên chọc mạch đảm bảo không có tình trạng thiếu máu chi.
Ngoài ra cần hướng dẫn bệnh nhân:
Nằm tại giường trong 6 giờ đầu. Giữ thẳng chân bên can thiệp trong 2 giờ đầu. Ấn giữ vùng vết chọc khi ho hoặc hắt hơi.
Gọi ngay điều dưỡng khi phát hiện ra chảy máu tái phát.
Báo cho điều dưỡng nếu thấy đau nhiều vùng can thiệp.
Uống thêm nước để phòng tụt áp và bệnh thận do thuốc cản quang .
Biến chứng và xử trí
Giảm áp lực đột ngột (hiện tượng tì đầu ống thông)
Hiện tượng tì đầu do ống thông can thiệp nằm quá sâu trong lòng mạch vành, hoặc có hẹp lỗ vào động mạch vành.
Xử trí: Rút bớt ống thông ra khỏi động mạch vành, dùng ống thông can thiệp có lỗ bên.
Rối loạn nhịp
Rối loạn nhịp nhanh: Xử trí bằng các loại thuốc chống loạn nhịp. Nếu có nhịp nhanh thất có rối loạn huyết động hoặc rung thất: Sốc điện.
Rối loạn nhịp chậm: Dùng atropin, có thể cần đặt máy tạo nhịp tạm thời.
Tìm nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp để điều trị. Hiện tượng dòng chảy chậm
Xử trí bằng tiêm thuốc giãn mạch vào mạch vành, lý tưởng nhất là sử dụng ống thông siêu nhỏ để bơm vào đoạn xa mạch vành.
Các loại thuốc và liều dùng:
Nitroglycerin: 100 – 200 ụg
Adenosine: 100 Iig
Verapamil: 100 – 200 ^g
Có thể bơm nhiều lần cho đến khi dòng chảy đạt TIMI 3.
Tách, vỡ thành động mạch vành
Đặt stent nếu có tách thành động mạch vành.
Tràn máu màng tim: Tùy theo mức độ tràn máu mà có thể gây ra ép tim cấp. Tiến hành chọc dẫn lưu máu màng tim, truyền dịch hoặc máu nếu cần thiết, đồng thời tìm vị trí vỡ ĐMV để bơm bóng cầm máu hoặc đặt stent loại có màng bọc, hoặc phẫu thuật cấp.
Thủng mạch vành
Lỗ thủng nhỏ: Bơm bóng ở đầu gần mạch vành, trong vòng 5 – 10 phút để cầm máu.
Lỗ thủng lớn: Đặt stent có màng bọc để bịt lỗ thủng. Xử trí tràn máu màng tim.
Chọc dịch màng tim nếu có ép tim cấp. Truyền dịch hoặc máu nếu cần thiết.
Hội chẩn ngoại khoa nếu cần phẫu thuật. Các biến chứng khác:
Tắc mạch khác: Tai biến mạch não, tắc mạch đùi, mạch quay… Tách thành động mạch chủ do thủ thuật.
Bơm khí vào động mạch vành.
Biến chứng cường phế vị do đau gây nhịp chậm, tụt huyết áp (cho atropin, thuốc vận mạch nếu cần).
Dị ứng thuốc cản quang, sốc phản vệ: Cần phát hiện sớm để xử trí. Nhiễm trùng (hiếm gặp).
Biến chứng tại chỗ chọc mạch: Chảy máu, máu tụ, giả phình.
Suy thận do thuốc cản quang (chú ý truyền đủ dịch trước can thiệp).
Các biến chứng liên quan đến rơi dụng cụ: Rơi stent, đứt rơi đầu wire. có thể dùng dụng cụ như thòng lọng (snare) để kéo ra.
YKHOA247.com thành lập với mục đích chia sẻ kiến thức Y Khoa.
Mọi thông tin trên trang web chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc không nên tự chẩn đoán và điều trị cho mình.