I. ĐỊNH NGHĨA
Tràn khí màng phổi là sự hiện diện của không khí giữa 2 lá màng phổi.Có 2 loại:tràn khí màng phổi tự do và tràn khí màng phổi khu trú.
II. NGUYÊN NHÂN
1. Do lao
Thường gặp nhất ở nước ta, khoảng 60-70%, tràn khí màng phổi có thể gặp với mọi thể lao: lao hang, lao cấp, lao xơ, lao di chứng.
2. Vỡ bóng khí phế (bulle) vào khoang màng phổi
Các bóng khí phế này là thứ phát sau:
– khí phế thũng toàn thể lan toả (bệnh lý khí phế thũng)
– Khí phế thũng khu trú thứ phát sau một bệnh gây hẹp phế quản như di chứng bệnh phổi cấp, bệnh giãn phế quản, bụi phổi, k phế quản phổi, hen phế quản, sarcoidose.
3. Vỡ áp xe phổi
4. Viêm phế nang do virus.
5. Chấn thương ngực gây gãy xườn sườn, xương đòn…
6. Tai biến chọc dò màng phổi, dẫn lưu màng phổi, chọc tĩnh mạch dưới đòn
7. Tràn khí màng phổi vô căn.
III. TRIỆU CHỨNG
1. Triệu chứng cơ năng
Gồm đau ngực và khó thở
– Nếu xẩy ra đột ngột gây tràn khí nhanh và số lượng nhiều thường gây đau ngực đột ngột, dữ dội như dao đâm, kèm vã mồ hôi, mặt tái xanh, lượng khí tràn vào màng phổi càng nhiều và càng nhanh thì càng khó thở, khó thở nhanh nông, nhịp thở tăng, co kéo khoảng gian sườn, hố thượng đòn, hõm ức, kèm tím môi và đầu chi
– Nếu tràn khí từ từ chỉ đau ngực âm ỉ với khó thở tăng dần.
2. Triệu chứng thực thể
– Nhìn: lồng ngực bên tràn khí phình to, gian suờn giãn, ít di động.
– Sờ: rung thanh giảm hay mất.
– Gõ: vang như trống là triệu chứng đặc hiệu của tràn khí.
– Nghe: Âm phế bào mất, nghe có âm thổi vò, tiếng vang kim khí
Tam chứng Gaillard gồm rung thanh mất, gõ vang trống, âm phế bào mất.
3. Cận lâm sàng
Quan trọng nhất là x quang
X quang: Bên tràn khí lồng ngực phình to, phổi bên tràn khí sáng hơn bình thường, bên trong vùng sáng này không có hình ảnh của nhu mô phổi, nhu mô phổi bị ép xẹp về phía rốn phổi, cơ hoành bị đẩy xuống thấp, tim và khí quản bị đẩy về phía đối diện với tràn khí.
IV. THỂ LÂM SÀNG
1. Dựa vào sự phân bố của khí trong khoang màng phổi
-Tràn khí màng phổi tự do.
– Tràn khí màng phổi khu trú: tràn khí trên một dày dính màng phổi cũ.
2. Dựa vào đo áp lực khoang màng phổi
– Tràn khí màng phổi không có van khi áp lực khí trong màng phổi nhỏ hơn hay bằng áp lực khí trời.
– Tràn khí màng phổi có van: do khí đi vào khoang màng phổi mà không thoát ra được, làm áp lực trong màng phổi tăng dần, rồi lớn hơn áp lực khí trời, làm lồng ngực cănh phồng khí, bệnh nhân đau ngực dữ dội, rất khó thở, mạch nhanh, cần chỉ định dẫn lưu khí cấp cứu.
V. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT
1. Tràn khí tự do
Chẩn đoán phân biệt với khí phế thũng toàn thể, trong khí phế thũng không có đau ngực đột ngột và dữ dội, gõ vang cả 2 phổi, x quang giúp xác định.
2. Tràn khí khu trú
Chẩn đoán phân biệt với:
– Khí phế thũng bù trừ: nếu một phổi bị bệnh, bên phổi lành sẽ có khí phế thũng bù trừ với âm phế bào tăng.
– Kén khí, hang phổi: dựa vào x quang
VI.TRÀN KHÍ-DỊCH MÀNG PHỔI HỖN HỢP
Trong quá trình theo dõi một tràn khí màng phổi, có thể phát hiện ra tràn khí-dịch màng phổi hỗn hợp.
1.Lâm sàng
-Chú ý đến sự bất động của nửa lồng ngực bị căng phồng và bệnh nhân nằm nghiêng về phía lồng ngực bị bệnh.
-Tam chứng Garlliard:gồm
+Rung thanh mất.
+ âm phế bào mất.
+ gõ vang trống ở phần cao của tràn khí.
-Có thể nghe được âm thổi vò.
2. X quang của tràn khí-dịch màng phổi
-Hình ảnh của tràn dịch màng phổi:
+Là một vùng mờ nằm phía đáy của tràn khí.
+ Giới hạn trên của tràn dịch là một đường thẳng nằm ngang với mọi tư thế
-Hình ảnh của tràn khí màng phổi:
Là một vùng quá sáng, nằm phía trên phần tràn dịch, đẩy nhu mô phổi về phía rốn phổi .
YKHOA247.com thành lập với mục đích chia sẻ kiến thức Y Khoa.
Mọi thông tin trên trang web chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc không nên tự chẩn đoán và điều trị cho mình.