Sốt là tình trạng thân nhiệt tăng quá mức bình thường, là một biểu hiện bệnh lý của nhiều bệnh thuộc bất cứ cơ quan nào do nhiều nguyên nhân: nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn.
Để phát hiện sốt chỉ cần và phải có nhiệt kế, tuy nhiên có khi việc chẩn đoán nguyên nhân rất khó khăn, cần tiến hành thăm khám tỉ mỉ và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết.
Trước một bệnh nhân sốt, phải lấy nhiệt độ sáng chiều, đôi khi phải lấy mỗi 3 giờ đối với những bệnh nhân nặng khó chẩn đoán, lập biểu đồ nhiệt độ đối với những bệnh nhân sốt kéo dài, rất có ý nghĩa trong việc chẩn đoán nguyên nhân gây sốt.
I. CÁC DẠNG SỐT
1. Sốt dạng cao nguyên
Sốt thường cao ( 39, 40o), không dao động quá 1oC trong suốt thời gian bị bệnh. Dạng sốt này thường gặp trong bệnh sốt thương hàn.
2. Sốt dao động
Được chia làm 2 loại:
2.1. Nhiệt độ không trở về bình thường
Nhiệt độ có giảm, dao động 1 – 2oC nhưng nhiệt độ không trở về bình thường.
2.2. Nhiệt độ có thể trở về bình thường
Đó là dạng sốt mà trong cùng một ngày nhiệt độ có thể từ 37 – 40oC.
3. Sốt có chu kỳ
Đó là những cơn sốt, nhiệt độ có thể lên đến 39, 40 hoặc 41oC, giữa các cơn sốt nhiệt độ trở về bình thường.
4. Sốt nhẹ
Đó là những cơn sốt với nhiệt độ tăng ít, không vượt quá 38oC, nó cũng có dạng như cao nguyên.
5. Sốt dai dẳng
Đó là những cơn sốt kéo dài dao động nhiều kèm theo với gầy sút nhiều và ảnh hưởng nhiều đến tình trạng toàn thân của người bệnh.
6. Sốt dạng lượn sóng
Đặc trưng bởi những đợt sốt kéo dài từ 15 ngày đến 3 tuần, ngày độ ngày càng tăng dần lên, nhiệt độ có thể đến 40oC sau một tuần hoặc 10 ngày, kéo dài sốt cao này vài ngày và sau đó giảm dần dần. Dạng sốt này thường gặp trong bệnh Hodgkin, bệnh Brucellose.
II. CHẨN ĐOÁN NGUYÊN NHÂN SỐT
1. Sốt cấp
Bệnh nhân mới sốt vài ngày, có thể kèm theo hoặc không có dấu chỉ điểm, có thể chẩn đoán được khi có khám lâm sàng.
1.1. Sốt có dấu chỉ điểm
Thường do nhiễm khuẩn, nhiễm siêu vi, nhiễm ký sinh trùng. Dấu chỉ điểm có thể chủ quan hoặc khách quan.
1.1.1. Nhiễm khuẩn họng
Viêm họng cấp, viêm Amygdales.
1.1.2. Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới
Viêm khí phế quản, viêm phổi, viêm màng phổi, abces phổi, lao phổi.
1.1.3. Nhiễm khuẩn tim mạch
Thấp tim, viêm nội tâm mạc, tràn mủ màng ngoài tim.
1.1.4. Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa
Viêm gan abces gan, viêm đường mật, viêm ruột cấp.
1.1.5. Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu
Viêm đài bể thận, thận ứ mủ.
1.1.6. Viêm não, viêm màng não
1.1.7. Nhiễm trùng cơ, xương, khớp
Viêm cơ, viêm xương, viêm khớp.
1.1.8. Nhiễm khuẩn phát ban
Sởi, thủy đậu…
1.2. Sốt không có dấu chỉ điểm:
1.2.1. Nhiễm siêu vi trùng
Đau nhức toàn thân, nhức đầu có thể kèm viêm đường hô hấp trên; thường tự giảm sốt sau 5 – 7 ngày mặc dù không điều trị gì.
1.2.2. Sốt rét cơn
Khởi đầu rét run, rồi sốt cao, sau cùng là vả mồ hôi, sau cơn sốt người bệnh thấy khoẻ hẳn, thường tái diễn cơn sốt sau 1 hoặc 2 ngày.
1.2.3. Thương hàn
Sốt tăng dần, mạch nhiệt phân ly (bình thường cứ nhiệt độ tăng lên 1oC thì mạch tăng thêm 10 lần / phút), vẻ mặt lờ đờ, rối loạn tiêu hóa, khám thấy dấu óc ách ở hố chậu phải.
1.2.4. Các nguyên nhân khác
– Say nắng, nhiễm nóng
– Tiêm protein lạ (sau chủng ngừa)
– Xuất huyết nội
– Tăng sinh tổ chức (ung thư, bệnh máu ác tính)
– Do nội tiết tố (cơn bảo giáp, sốt trước hành kinh)
2. Sốt kéo dài
Khi sốt trên 3 tuần gọi là sốt kéo dài.
Có 4 nguyên nhân gây sốt kéo dài thường gặp là:
– Nhiễm khuẩn, virus, ký sinh trùng
– Các bệnh ác tính: ung thư, bệnh máu ác tính
– Các bệnh u hạt
– Dị ứng do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trong đó nhiễm khuẩn là nguyên nhân thường gặp nhất.
2.1. Sốt dạng cao nguyên:
2.1.1 Thương hàn thời kỳ toàn phát
Ngoài các triệu chứng như đã mô tả ở trên nhưng nặng hơn, có thể kèm thêm lưỡi khô, bẩn, mất nước, lách to, ban đỏ ở bụng, ngực. Cần cấy máu tìm vi khuẩn thương hàn và cần làm phản ứng Widal.
2.1.2. Lao
Lao kê có thể có dạng sốt cao nguyên, cần làm BK đàm, X quang phổi để xác định.
2.1.3. Bệnh Osler (viêm nội tâm mạc bán cấp)
Thường xảy ra trên một bệnh tim có sẵn từ trước kèm thêm có sốt dai dẳng, kèm lách to, tiểu máu vi thể, ngón tay dùi trống.
2.1.4. Nhiễm xoắn khuẩn
Có 4 hội chứng: nhiễm khuẩn, viêm gan, viêm thận, dấu tâm thần kinh.
2.2. Sốt dao động
2.2.1. Nhiễm trùng huyết
– Nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng: tiêu điểm nguyên phát thường ở da, sau khi nặn nhọt. Tiêu điểm thứ phát ở phổi, xương, cơ khớp, màng tim.
– Nhiễm khuẩn huyết do E. Coli: xuất phát điểm thường ở ruột, thận, đường mật, cần cấy máu để xác định chẩn đoán, tốt nhất là khi chưa dùng kháng sinh.
2.2.2. Ổ nung mủ sâu
Thường do abces dưới cơ hoành, abces gan, thận ứ mủ, abces quanh thận.
2.3. Sốt có chu kỳ
Thường là sốt rét cơn điển hình.
YKHOA247.com thành lập với mục đích chia sẻ kiến thức Y Khoa.
Mọi thông tin trên trang web chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc không nên tự chẩn đoán và điều trị cho mình.