Loét dạ dày – tá tràng là bệnh lý mà bạn rất hay gặp trên thực hành lâm sàng. Bệnh nhân thường vào viện với triệu chứng đau thượng vị, bụng chướng nhẹ hoặc đi cầu phân đen.
Vì loét dạ dày – tá tràng rất hay gặp nên bạn cần biết được cách khám lâm sàng, chẩn đoán và điều trị bệnh này.
Ở bài học này bạn sẽ nắm hết được kiến thức cơ bản và chuyên sâu về loét dạ dày – tá tràng. Vui lòng để lại comment hoặc thắc mắc của bạn cho chúng tôi biết nhé.
Đầu tiên tôi muốn bạn xem video này:
Nhắc lại giải phẫu dạ dày-tá tràng
– Dạ dày là đoạn phình to nhất của ống tiêu hóa, phía trên nối với thực quản, phía dưới nối với tá tràng (đoạn đầu của ruột non).
– Đối chiếu lên thành bụng, dạ dày thuộc các vùng: thượng vị, hạ sườn trái và rốn.
Tá tràng (Duodenum) là phần đầu của ruột non, kéo dài từ môn vị của dạ dày đến góc tá tràng – hỗng tràng. Tá tràng là một thành phần quan trọng trong hệ tiêu hóa vì là nơi dịch tụy và dịch mật đổ vào tại nhú tá lớn và nhú tá bé trên tá tràng.
Tá tràng liên quan mật thiết với tụy về nhiều mặt: giải phẫu, sinh lý, bệnh lý nên thường gọi chung là khối tá-tụy.
Về mặt giải phẫu, tá tràng được miêu tả như một chữ C, vắt ngang qua đốt sống và được chia làm 4 phần theo hình dạng:
+ Tá tràng trên (đoạn D1), tá tràng xuống (D2), tá tràng ngang (D3) và tá tràng lên (D4).
+ 2/3 tá tràng trên phình to tạo thành hành tá tràng (là thành phần di động).
+ Tá tràng xuống (D2) là thành phần dính chặt với tụy, ở đây còn có nhú tá lớn và bé, là lỗ đổ của dịch tụy và dịch mật tá tràng.
Nhắc lại sinh lý dạ dày-tá tràng
Dạ dày có 2 chức năng tiêu hóa:
– Chứa đựng thức ăn
– Tiếp tục tiêu hóa sơ bộ thức ăn
Nhắc về bài tiết dịch vị
Dịch vị là dịch tiêu hóa của dạ dày do các tuyến niêm mạc dạ dày bài tiết. Tùy thành phần dịch tiết, có thể chia các tuyến này ra làm 2 nhóm:
Tuyến ở vùng tâm vị và môn vị: bài tiết chất nhầy
Tuyến ở vùng thân: là tuyến tiêu hóa chính của dạ dày, gồm 3 loại tế bào:
– Tế bào chính: bài tiết ra các enzym
– Tế bào viền: bài tiết acid HCl và yếu tố nội
– Tế bào cổ tuyến: bài tiết chất nhầy
Pepsin và HCl
Enzym Pepsin => chức năng quan trọng trong tiêu hóa protit.
Acid HCl => rất quan trọng trong cơ chế bệnh sinh loét dạ dày-tá tràng trên lâm sàng.
Mặc dù HCl không phải là enzym tiêu hóa nhưng có vai trò rất quan trọng trong quá trình tiêu hóa vì nó có các tác dụng sau:
– Làm tăng hoạt tính của pepsin thông qua các cơ chế:
+ Hoạt hóa pepsinogen thành pepsin
+ Tạo môi trường pH thích hợp cho pepsin hoạt động
+ Phá vỡ mô liên kết bọc quanh các khối cơ để pepsin phân giải phần protid của khối cơ. Sự phối hợp giữa acid HCl và pepsin có tác dụng tiêu hóa protid rất mạnh.
– Sát khuẩn: tiêu diệt các vi khuẩn từ ngoài đi vào dạ dày theo thức ăn để tránh nhiễm trùng qua đường tiêu hóa.
– Thủy phân cellulose của rau non
– Góp phần vào cơ chế đóng mở tâm vị và môn vị
Tuy nhiên, acid HCl là con dao 2 lưỡi, khi sự bài tiết của nó tăng lên hoặc trong trường hợp sức đề kháng của niêm mạc dạ dày giảm thì acid HCl sẽ phối hợp với pepsin phá hủy niêm mạc dạ dày gây ra loét dạ dày.
Acid HCl được bài tiết bởi tế bào viền theo cơ chế sau:
Tế bào viền bài tiết acid HCl dưới dạng H+ và Cl-.
H+ được vận chuyển tích cực từ trong tế bào viền đi vào dịch vị để trao đổi với K+ từ dịch vị đi vào dưới tác dụng của enzym H+-K+ATPase (enzym này còn được gọi là bơm proton).
=> Vì vậy, một trong những nguyên tắc điều trị loét dạ dày là dùng các loại thuốc ức chế enzym H+-K+ATPase để làm giảm sự bài tiết acid HCl của tế bào viền. Các thuốc này được gọi là thuốc ức chế bơm proton (omeprazole, lanzoprazole…).
Yếu tố nội (Intrinsic factor)
Do tế bào viền bài tiết, là một chất cần thiết cho sự hấp thu vitamin B12 ở trong ruột non. Khi B12 đi vào dạ dày, nó sẽ được yếu tố nội bọc lấy tạo thành phức hợp B12 – yếu tố nội. Khi xuống đến hồi tràng, phức hợp này sẽ được một loại thụ thể đặc hiệu tiếp nhận và vitamin B12 được hấp thu vào máu.
Do B12 là một vitamin tham gia vào quá trình sản sinh hồng cầu nên yếu tố này còn được gọi là yếu tố nội chống thiếu máu.
Khi thiếu yếu tố nội (cắt dạ dày, teo niêm mạc dạ dày…) bệnh nhân sẽ bị bệnh thiếu máu hồng cầu to (Biermer).
Bấm Đăng nhập để xem toàn bộ bài viết.
Bấm Đăng ký nếu chưa có tài khoản.
Truy cập vào: Danh sách bài học lâm sàng nội khoa.
Tìm hiểu thêm: Khóa học lâm sàng nội khoa.
Bài viết mẫu: Tiếp cận suy thận mạn trên lâm sàng. (FULL)
Bản quyền thuộc về ©YKHOA247.com