THÔNG LIÊN NHĨ (TLN)
Ghi nhớ
+ Chiếm khoảng 10% các bệnh tim bẩm sinh.
+ Chẩn đoán trước sinh cần rất thận trọng
+ Chủ yếu gặp ở nữ gấp 2 lần nam.
+ Chẩn đoán lâm sàng dựa vào tiếng thổi tâm thu ở ổ van ĐMP với tiếng T2 tách đôi cố định.
+ Lỗ thông liên nhĩ có thể đóng lại sau 2 năm đầu.
+ Không có nguy cơ Osler.
+ Mổ đóng lỗ TLN tốt nhất vào lúc 5 tuổi với TLN rộng. Đối với trẻ gái có thể đóng muộn hơn vào tuổi sau dậy thì với điều kiện áp lực ĐMP không quá cao.
Giải phẫu và sinh lý bệnh
+ TLN là khuyết vách liên nhĩ, thường gặp nhất nằm ở trên vách liên nhĩ thứ phát, tại vị trí lỗ bầu dục gọi là TLN lỗ thứ phát. Cũng có thể gặp ở vị trí rất cao, giữa tĩnh mạch phổi phải trên và tĩnh mạch chủ trên đổ vào nhĩ, hoặc rất thấp gần chỗ tĩnh mạch chủ dưới đổ vào nhĩ (TLN ở xoang tĩnh mạch). Hiếm gặp nhất là TLN ở xoang vành, tại chỗ đổ vào nhĩ phải của xoang vành.TLN nằm ở vách liên nhĩ tiên phát gọi là TLN lỗ tiên phát, được trình bày trong phần thông sàn nhĩ-thất.
+ TLN tạo nên luồng thông trái-phải có khi rất lớn gây tăng áp lực ÐMP. Tăng gánh tâm trương nhĩ phải và thất phải, đánh giá dựa trên sự giãn của nhĩ phải, thất phải trên siêu âm. Hậu quả của tăng gánh tâm trương nhĩ phải và thất phải làm tăng tuần hoàn phổi, lâu ngày dẫn đến tăng áp lực ĐMP.
Chẩn đoán
TLN lỗ nhỏ:
T/mạch phổi
Xoang t/mạch Lỗ thứ phát Vách liên nhĩ
TLN gần t/mạch chủ dưới
Lâm sàng: Không có triệu chứng cơ năng. Nghe tim thường không phát hiện được tiếng thổi, tiếngT2 gần như bình thường.
Cận lâm sàng:
+ X.quang và điện tâm đồ bình thường.
+ Siêu âm-Doppler tim thấy lỗ TLN nhỏ với luồng thông nhỏ, tỷ lệ đường kính thất phải/thất trái trong giới hạn: 1/2-2/3.
Thái độ xử trí: Theo dõi bằng siêu âm hàng năm.
TLN lỗ vừa:
Lâm sàng: Không có triệu chứng cơ năng. Nghe tim thường phát hiện được tiếng thổi tâm thu nhẹ 2/6 kèm tiếngT2 mạnh ở ổ van động mạch phổi.
Cận lâm sàng:
+ X.quang thấy: tim to vừa, cung ĐMP phồng, phổi ứ máu vừa.
+ Ðiện tâm đồ: thấy trục phải, bloc nhánh phải không hoàn toàn, muộn hơn có thể dày nhĩ phải.
+ Siêu âm-Doppler tim thấy: lỗ TLN rộng vừa, giãn thất phải với tỷ lệ đường kính thất phải /thất trái trong giới hạn 2/3-1, vách liên thất di động nghịch thường.
Thái độ xử trí:
+ Theo dõi bằng siêu âm hàng năm
+ Đóng lỗ thông bằng thông tim can thiệp
+ Ở trẻ trai, mổ đóng lỗ thông lúc 5 tuổi.
+ Ở trẻ gái, mổ đóng lỗ thông tốt nhất sau tuổi thiếu niên.
Thông liên nhĩ lỗ lớn:
Lâm sàng: Trẻ có thể hơi chậm lớn, mệt khi gắng sức, viêm phổi tái đi tái lại. Nghe tim thấy 1 tiếng thổi tâm thu nhẹ khoảng 2/6 kèm với tiếngT2 mạnh tách đôi ở ổ van ÐMP, tiếng T1 mạnh và rung tâm trương do tăng lưu lượng qua van 3 lá.
Cận lâm sàng:
+ X.quang ngực thấy: tim to, cung ÐMP phồng, tăng tuần hoàn phổi chủ động.
+ Ðiện tâm đồ: trục phải, dày nhĩ phải, dày thất phải, bloc nhánh phải không hoàn toàn.
+ Siêu âm-Doppler tim: thấy lỗ TLN rộng, giãn thất phải nhiều với tỷ lệ đường kính Thất phải/Thất trái >1, vách liên thất có thể di động nghịch thường, có tăng áp lực ÐMP.
Nguy cơ tiến triển:
+ Bệnh thường tiến triển rất chậm nên thường dễ bỏ qua chẩn đoán, biến chứng thường gặp là viêm phế quản tái đi tái lại, suy tim phải, rối loạn nhịp, tăng áp lực động mạch phổi. + Không có nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
Thái độ xử trí:
+ Theo dõi bằng siêu âm hàng năm.
+ Ðóng TLN bằng dụng cụ qua thông tim hoặc mổ ngay nếu lâm sàng trẻ dung nạp kém hoặc có tăng áp lực ÐMP nặng.
+ Tuổi mổ TLN tốt nhất là sau 5 tuổi.
YKHOA247.com thành lập với mục đích chia sẻ kiến thức Y Khoa.
Mọi thông tin trên trang web chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc không nên tự chẩn đoán và điều trị cho mình.