Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng bằng đông y

Chào bạn, nếu bạn là sinh viên Y Khoa đã, đang hoặc sắp đi thực hành lâm sàng tại bệnh viện thì không nên bỏ qua Khóa học kiến thức lâm sàng nội khoa này nhé! Đây là khóa học chất lượng được đánh giá cao bởi khoảng 400 thành viên đăng ký là các sinh viên Y Khoa trên khắp cả nước và các bác sĩ nội khoa.

PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ VIÊM LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG

  1. ĐẠI CƯƠNG

Viêm dạ dày hay viêm niêm mạc dạ dày . Trên lâm sàng thường phân thành viêm dạ dày cấp và viêm dạ dày mạn.

Loét dạ dày tá tràng là sự mất chất của niêm mạc dạ dày tá tràng. Loét dạ dày tá tràng là kết quả của sự mất cân bằng giữa 1 bên là yếu tố phá hủy niêm mạc dạ dày tá tràng và 1 bên là yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng. Yếu tố phá hủy niêm mạc: HCl và Pepsine. Yếu tố bảo vệ niêm mạc: chất nhày, HCO3 và hàng rào niêm mạc dạ dày.

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng với biểu hiện lâm sàng là đau vùng thượng vị cùng với một số rối loạn tiêu hóa, được xếp vào bệnh lý của Tỳ Vị với bệnh danh là Vị quản thống.

  1. TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN

Viêm dạ dày cấp

Lâm sàng thường có những cơn đau vùng thường vị nhưng phần lớn là ít triệu chứng.

Viêm dạ dày mạn

Thường có các triệu chứng sau:

Đau vùng thượng vị

Chán ăn, buồn nôn, sút cân

Máu lẫn phân do loét chợt niêm mạc

Chẩn đoán bằng nội soi và sinh thiết

Loét dạ dày tá tràng

Đau vùng thượng vị

Kéo dài từ 15 phút – 1 giờ, có thể khu trú ở bên trái nếu là loét dạ dày hoặc bên phải nếu là loét tá tràng. Cơn đau có thể lan ra vùng hông sườn phải, hoặc có thể chói ra sau lưng (nếu loét ở thành sau dạ dày). Cơn đau có tính chu kỳ và trở nên đau dai dẳng liên tục nếu là loét lâu ngày hoặc loét xơ chai. Cơn đau thường xuất hiện lúc đói, về đêm và giảm ngay sau khi uống sữa hoặc dung dịch Antacid nếu là loét tá tràng, cũng như thường xuất hiện sau khi ăn hoặc ít thuyên giảm với Antacid nếu là loét dạ dày. Đau có tính chất quặn thắt hoặc nóng rát hoặc nặng nề âm ỉ. Trong cơn đau, khám có thể phát hiện thấy vùng thượng vị đề kháng khi sờ nắn.

Táo bón rất thường gặp.

Nôn mửa, buồn nôn xảy ra trong trường hợp loét dạ dày, nhưng nôn mửa thường ít xảy ra trong loét tá tràng nếu không có biến chứng
Chẩn đoán chính xác nhất vẫn là nội soi dạ dày – tá tràng bằng ống mềm (fibroscope) và sinh thiết ổ loét.

III. Các thể lâm sàng theo Y học cổ truyền:

1/Thể Khí uất (trệ)

Với triệu chứng đau thượng vị từng cơn lan ra 2 bên hông sườn kèm ợ hơi, ợ chua, táo bón.

Yếu tố khởi phát cơn đau thường là nóng giận, cáu gắt. Tính tình hay gắt gỏng.

Rìa lưỡi đỏ, rêu vàng nhày, mạch huyền hữu lực.

2/Thể Hỏa uất

Với tính chất đau dữ dội, nóng rát vùng thượng vị, nôn mửa ra thức ăn chua đắng.

Hơi thở hôi, miệng đắng.

Lưỡi đỏ sẫm, mạch hồng sác.

3/Thể Huyết ứ

Đau khu trú ở vùng thượng vị, cảm giác châm chích.

Chất lưỡi đỏ tím hoặc có điểm ứ huyết, mạch hoạt.

Nặng hơn thì đi cầu phân đen hoặc nôn ra máu bầm.

4/Thể Tỳ Vị hư hàn

Hay gặp ở loét dạ dày tá tràng mạn tính, tái phát nhiều lần hoặc ở người già với triệu chứng đau vùng thượng vị mang tính chất âm ỉ liên tục hoặc cảm giác đầy trướng bụng sau khi ăn.

Yếu tố khởi phát thường là mùa lạnh hoặc thức ăn tanh lạnh làm đau tăng.

Lưỡi nhợt bệu, rêu trắng dày nhớt. Mạch nhu hoãn vô lực

  1. ĐIỀU TRỊ:

BÀI THUỐC THANG: Có thể gia giảm vị thuốc và liều lượng

1/Thể Khí uất (trệ)

Phép trị: Sơ Can, lý khí, giải uất, an thần.

Những bài thuốc sử dụng:

-Bài thuốc Sài hồ sơ can thang (Tân biên Trung y kinh nghiệm phương) gia giảm: Sài hồ 12g, Xích thược 8g, Xuyên khung 6g, Trần bì 12g, Hương phụ 12g, Chỉ xác 8g, Cam thảo bắc 4g.

-Bài thuốc Tiêu dao gia Uất kim gia giảm: Sài hồ 8g, Bạch thược 8g, Phục linh 10g, Đương quy 8g, Bạch truật 8g, Sinh cam thảo 8g, Uất kim 6g.

Nếu bệnh nhân lo lắng, gắt gỏng : gia Sài hồ, Phục linh hoặc gia Toan táo nhân (sao đen) 10g. Nếu cơn đau mang tính chất quặn thắt kéo dài: tăng liều Bạch thược, Cam thảo. Nếu có triệu chứng lợm giọng, buồn nôn, bội thêm Bạch truật. Nếu có cảm giác nóng rát, cồn cào bội thêm Đương quy, gia Đại táo 3 quả, bỏ Uất kim.

– Bài thuốc Điều hòa Can Tỳ gồm Sài hồ, Mộc hương, Hương phụ, Chỉ xác, Hoài sơn, Liên nhục, Sa nhân, Trần bì, Bán hạ.

-Bài thuốc Hương cúc bồ đề nghệ gia giảm: Hương phụ 8g, Cúc tần 12g, Mã đề 12g, Xương bồ 8g, Nghệ vàng 6g.

Nếu bệnh nhân đau nhiều bội thêm Hương phụ 16g. Nếu đau kèm theo cảm giác nóng rát thì bội Mã đề 20g. Nếu có cảm giác đầy chướng, ợ hơi, ợ chua bội thêm Xương bồ 12g.

2/Thể Hỏa uất

Phép trị: Thanh hỏa trừ uất

Bài thuốc Hương cúc bồ đề nghệ gia giảm: Hương phụ 8g, Cúc tần 12g, Mã đề 12g, Xương bồ 8g, Nghệ vàng 6g. Nhưng tăng liều Mã đề 20g hoặc gia thêm Bối mẫu 16g, Nhân trần 20g, Chi tử 12g, Bồ công anh 20g.

3/Thể Huyết ứ:

Phép trị: Hoạt huyết, tiêu ứ, chỉ huyết.

Những bài thuốc :

Bài thuốc Hương cúc bồ đề nghệ gia giảm: Hương phụ 8g, Cúc tần 12g, Mã đề 12g, Xương bồ 8g, Nghệ vàng 6g. Gia Cỏ mực, Trắc bá diệp sao đen.

Bài thuốc Tiêu dao gia Uất kim : Sài hồ 8g, Bạch thược 8g, Phục linh 10g, Đương quy 8g, Bạch truật 8g, Sinh cam thảo 8g, Uất kim 6g. Gia Cỏ mực, Trắc bá diệp sao đen.

Bài Tứ vật đào hồng gia giảm: Đương quy, Bạch thược, Xuyên khung, Sinh địa, Đào nhân, Hồng hoa gia Cỏ mực, Trắc bá diệp sao đen.

Cụ thể trong chứng Vị quản thống thể Huyết ứ nên dùng bài Tiêu dao gia Uất kim hoặc Hương cúc bồ đề nghệ nhưng tăng liều Uất kim hoặc Khương hoàng 12g, Cỏ mực (sao đen) 12g, Trắc bá diệp (sao đen) 12g.

4/Thể Tỳ Vị hư hàn

Phép trị: Ôn trung kiện tỳ.

Những bài thuốc :

-Bài Hoàng kỳ kiến trung thang (Kim quỹ yếu lược) gia giảm: Hoàng kỳ 10g, Can khương 6g, Cam thảo chích 8g, Bạch thược 8g, Hương phụ 8g, Cao lương khương 8g, Đại táo 3 quả. Gia Đại hồi 4g, Ích trí nhân 8g, Bạch đậu khấu 4g, Thảo quả 6g.

Nếu bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, lợm giọng bội Hoàng kỳ 16g, Cam thảo chích 12g. Nếu bệnh nhân đầy chướng bụng, tiêu sệt bội thêm Can khương 8g, Cao lương khương 8g.

-Bổ Trung Ích Khí Thang (Tỳ Vị luận) gia giảm:Hoàng Kỳ 2-4g, Nhân sâm, Bạch Truật, Đương Quy, Thăng Ma, Trần bì, Sài hồ mỗi thứ 1g, chích cam thảo 2g.

THUỐC THÀNH PHẨM:

– Thuốc trị triệu chứng: Cao chè dây

phối hợp với thuốc điều trị nguyên nhân:

Nếu tỳ vị hư hàn: Hoàng kỳ, cam thảo, Bạch truật, Trần bì, Đương quy, Thăng ma, Nhân sâm, Sài hồ, Đại táo, Gừng tươi, tá dược vừa đủ.

Nếu khí huyết ứ trệ: Huyền hồ sách, mai mực, phèn chua, tá dược vừa đủ

  1. TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bệnh học và điều trị nội khoa (kết hợp đông tây y) –PGS.TS Nguyễn Thị Bay – NXB Y Học 2007

Đăng ký nhận thông báo
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả các bình luận
You cannot copy content of this page
Copy link
Powered by Social Snap