Hạ đường huyết – chẩn đoán và xử trí cấp cứu

Chào bạn, nếu bạn là sinh viên Y Khoa đã, đang hoặc sắp đi thực hành lâm sàng tại bệnh viện thì không nên bỏ qua Khóa học kiến thức lâm sàng nội khoa này nhé! Đây là khóa học chất lượng được đánh giá cao bởi khoảng 400 thành viên đăng ký là các sinh viên Y Khoa trên khắp cả nước và các bác sĩ nội khoa.

CƠN HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

ĐẠI CƯƠNG

TS. BS. Nguyễn Thị Bích Đào

BV Chợ Rẫy

Hạ đường huyết được xác định khi ngưỡng đường huyết thấp gây ra triệu chứng hạ đường huyết. Định nghĩa tốt nhất về hạ đường huyết là dựa vào sinh lý bệnh. Khi đường huyết tương < 70 mg/dl (3,9 mmol/l) thì thời điểm này sự đáp ứng điều hòa ngược thần kinh – nội tiết kháng insulin sẽ được hoạt hoá. Nhưng triệu chứng lâm sàng thường chỉ xảy ra khi đường huyết ở dưới mức 50 mg/dl (2,8 mmol/L).

Tiêu chuẩn đường huyết trong chẩn đoán hạ đường huyết được xác định khi trị số đường huyết tương < 70 mg/dl (< 3,9 mmol/L), hoặc nếu là máu toàn phần thì đường huyết < 60mg/dl (3,3 mmol/L).

Nguyên nhân:

Hạ đường huyết khi đói

Còn gọi là hạ đường huyết thực thể. Triệu chứng xảy ra muộn, thường sau bữa ăn 5-6 giờ. Triệu chứng nặng, có thể đưa đến hôn mê hoặc tử vong.

Nguyên nhân có thể là do thuốc, rượu, bướu tế bào beta của tụy tạng (insulinome), bướu ngoài tụy (thường bướu có nguồn gốc trung mô, thuộc bướu lành sợi, bướu sợi cơ,bướu sợi thần kinh…), trong bệnh lý gan mật. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như do tự miễn, bệnh lí nội tiết ngoài tụy do thiếu hormone (suy tiền yên, suy vỏ thượng thận, suy giảm hormone tăng trưởng), nhịn đói lâu ngày, suy thận hoặc trên những bệnh nhân có bệnh lí nặng như suy tim nặng, nhiễm trùng huyết, bị bệnh nặng kéo dài.

Hạ đường huyết sau ăn

Còn gọi là hạ đường huyết chức năng. Hạ đường huyết thường xảy ra sớm trong vòng 2-3 giờ sau khi ăn hoặc trễ 4-5 giờ sau ăn.

Hạ đường huyết sớm sau ăn thường gặp ở bệnh nhân sau khi cắt bỏ dạ dày- tá tràng, phẫu thuật tạo hình môn vị.

Hạ đường huyết muộn sau ăn thường là hạ đường huyết phản ứng trên bệnh nhân đái tháo đường (dùng Insulin quá liều).

Các nguyên nhân khác

+ Do thuốc salicylat, ức chế β, barbiturate.

+ Do rượu, nhiễm trùng, suy thượng thận, suy giáp, suy dinh dưỡng.

ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG

Mặc dù triệu chứng lâm sàng xuất hiện ở mức đường huyết thấp như thế nào còn tùy thuộc vào tuổi, cơ địa, giới, nguyên nhân gây bệnh.

Các mức độ của hạ đường huyết

Nhẹ Có triệu chứng, nhưng không ảnh hưởng sinh hoạt và tự điều trị được.
Trung bình Có triệu chứng, có ảnh hưởng sinh hoạt, nhưng còn tự điều trị được.
Nặng Không tự điều trị được do rối loạn tri giác

Cần giúp đỡ của người khác.

Cần truyền glucose hoặc tiêm glucagon để cấp cứu.

Kèm hôn mê hoặc co giật.

CHẨN ĐOÁN LÂM SÀNG VÀ MỘT SỐ XÉT NGHIỆM CHỦ YẾU LIÊN QUAN

Chẩn đoán xác định dựa vào:

Lâm sàng: có thể có một hoặc vài triệu chứng sau.

Triệu chứng sớm: Cảm thấy đói hoặc vã mồ hôi, dị cảm, lo lắng, bứt rứt, run, hồi hộp, tim đập nhanh, yếu cơ (cảm giác bủn rủn chân tay),

Triệu chứng trễ hơn hoặc nặng: nhức đầu, nhìn đôi, mờ mắt, lú lẫn, cư xử bất thường, mất trí nhớ, mất tri giác, kinh giật, hôn mê.

Xét nghiệm c ý nghĩa quyết định:

Khi cấp cứu: Đường huyết mao mạch thấp.

Nếu có điều kiện( trong bệnh viện) nên làm thêm đường huyết tương tĩnh mạch, insulin.

Các xét nghiệm khác: Sau khi xác định có hạ đường huyết, cần hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng để tiến hành làm xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Cần phân biệt hạ đường huyết khi đói và hạ đường huyết sau ăn. Chẩn đoán nguyên nhân: Trong HSCC thường gặp:

+ Hạ đường huyết khi đói: do rượu, thiếu dinh dưỡng ở bệnh nhân cấp cứu

+ Hạ đường huyết sau ăn, hay dùng insulin quá liều.

+ Hạ đường huyết ở người đang cai thở máy rất nguy hiểm

XỬ TRÍ

Xử trí cấp cứu hạ đường huyết tùy thuộc vảo tình trạng bệnh nhân bao gồm tri giác, nồng độ glucose huyết, dự đoán diễn biến lâm sàng.

Tại chỗ:

Cấp cứu ban đầu:

Nếu phát hiện có hạ đường huyết nhưng bệnh nhân còn tỉnh, ăn uống được thì điều trị tốt nhất là với glucose. Đường huyết thường tăng đến mức bình thường trong vòng vài phút với 15- 20gam glucose, tương ứng với 3-4 thìa đường. Số lượng carbohydrat tương ứng với 100- 120 ml nước trái cây, 120- 150 ml soda thường, 1lát bánh mì, 4 bánh quy, 1 ly sữa hoặc cơm.

Nếu bệnh nhân rối loạn hoặc mất tri giác, động kinh hoặc không uống được:

+ Tiêm tĩnh mạch glucose 30 – 50%: 25- 50 ml.

+ Hoặc tiêm bắp hoặc tiêm dưới da glucagon 1mg. Có thể lặp lại 2- 3lần, mỗi lần cách nhau 10- 15 phút nếu bệnh nhân không tỉnh.

Chú ý: Không sử dụng glucagon để xử trí cho những bệnh nhân có bệnh gan, bệnh nhân không đái tháo đường bị hạ đường huyết vì sẽ rất nguy hiểm nếu bệnh nhân có insulinom.

Điều trị duy trì:

Truyền tĩnh mạch glucose 5- 10%. Duy trì đường huyết 100 mg/dl. (5,56 mmol/l)

Đánh giá nguy cơ tái phát hạ đường huyết để điều chỉnh kế hoạch điều trị.

Tại khoa chuyên khoa sâu.

Đối với bệnh nhân đái tháo đường:

Điều chỉnh lại các liều thuốc đang sử dụng như liều insulin, sulfonylurea. Chú ý các tương tác thuốc khi sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau. Điều chỉnh lại chế độ ăn bao gồm cả giờ ăn, khoảng cách các bữa ăn, thành phần thức ăn. Điều chỉnh loại hình vận động, thời gian vận động thể lực cho phù hợp.

Đối với bệnh nhân không bị đái tháo đường:

Tiếp tục tìm các nguyên nhân gây hạ đường huyết để điều trị theo nguyên nhân.

Tất cả bệnh nhân và thân nhân người bị hạ đường huyết cần được trang bị các kiến thức nhận biết dấu hiệu báo hiệu hạ đường huyết và cách xử trí ban đầu, cũng như tầm quan trọng của việc theo dõi đường huyết thường xuyên để làm sao duy trì đường huyết không cho giảm dưới 70 mg/dl (< 3,9 mmol/L).

Bệnh nhân nên luôn mang theo thức ăn, nước uống ngọt và thẻ bệnh nhân nói rõ bệnh lý và cách xử trí ban đầu.

Đăng ký nhận thông báo
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả các bình luận
You cannot copy content of this page
Copy link
Powered by Social Snap