Con đường đông máu ngoại sinh
Sở dĩ được đặt tên như vậy vì yếu tố khởi phát cho con đường này là yếu tố III nằm bên ngoài dòng máu (ngoại = ngoài). Khi bạn bị dao cứa vào tay, dao sẽ đâm từ ngoài vào, và các tế bào mô nằm ngoài mạch máu sẽ bị tổn thương trước, sau đó mạch máu mới bị đứt. Khi các tế bào mô nằm ngoài mạch máu này bị tổn thương, chúng giải phóng ra yếu tố III vào dòng máu. Trong dòng máu, yếu tố III, sau một số sự kiện, sẽ dẫn đến việc hoạt hóa yếu tố X thành yếu tố X hoạt hóa.
Con đường đông máu nội sinh
Ngược với con đường ngoại sinh, yếu tố khởi phát cho con đường nội sinh là yếu tố XII có trong dòng máu (nội = trong). Yếu tố XII (ở dạng chưa hoạt hóa) lưu hành trong dòng máu và được hoạt hóa khi nó tiếp xúc với vật thể lạ (là vật thể bình thường không có trong dòng máu). Khi mạch máu bị đứt, các sợi collagen bên ngoài mạch máu sẽ lộ ra, khi máu lưu thông qua chỗ đứt sẽ tiếp xúc với các sợi collagen này. Bình thường, các sợi này không có trong dòng máu nên rõ ràng chúng là lạ đối với yếu tố XII. Khi máu tiếp xúc với các sợi collagen này, yếu tố XII sẽ được hoạt hóa, sau vài bước, nó cũng sẽ dẫn đến việc hoạt hóa yếu tố X thành yếu tố X hoạt hóa. Điều này cũng giải thích lý do tại sao khi đưa mẫu máu của bệnh nhân vào ống nghiệm thì lượng máu đó sẽ dần đông lại. Nguyên nhân là vì yếu tố XII trong mẫu máu của bệnh nhân tiếp xúc với thành ống nghiệm – một vật liệu lạ đối với dòng máu rồi khởi động con đường đông máu nội sinh → đông máu.
Sau khi chuyển yếu tố X từ dạng chưa hoạt động thành yếu tố X hoạt hóa. Các bước tiếp theo của cả 2 con đường trên đều giống nhau và được gọi là con đường chung. Trước tiên, yếu tố X hoạt hóa cùng một số yếu tố khác chuyển prothrombin (yếu tố II) thành thrombin (yếu tố II hoạt hóa). Thrombin có 2 nhiệm vụ quan trọng:
(1) Nó chuyển fibrinogen (yếu tố I) thành fibrin (yếu tố I hoạt hóa). Các sợi fibrin không tan bao quanh nút tiểu cầu tạo thành cục máu đông hoàn chỉnh.
(2) Nó chuyển yếu tố XIII thành yếu tố XIII hoạt hóa giúp làm cho các sợi fibrin chắc khỏe, giúp cục máu đông được chắc chắn hơn (không bị vỡ ra).
Việc hiểu về quá trình đông máu rất quan trọng, các xét nghiệm đánh giá chức năng đông máu (PT, INR và aPTT) hay các thuốc chống đông (heparin, kháng vitamin K), thuốc tiêu sợi huyết đều dựa trên nguyên lý của quá trình đông máu. Hiểu được những điều này, chúng ta sẽ hiểu được nhiều vấn đề khác trên lâm sàng.
Nguồn: GIẢI PHẪU SINH LÝ
YKHOA247.com thành lập với mục đích chia sẻ kiến thức Y Khoa.
Mọi thông tin trên trang web chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc không nên tự chẩn đoán và điều trị cho mình.