VIÊN UỐNG NỘI TIẾT
TRÁNH THAI HẰNG NGÀY
I. Giới thiệu
Hiện nay có rất nhiều biện pháp tránh thai. Mỗi phương pháp có ưu nhược điểm riêng và cần được lựa chọn thích hợp cho từng người, tùy thuộc hoàn cảnh, tâm lý, cũng như sức khỏe của cá nhân.
Năm 2010, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) trên toàn thế giới chiếm 62%, trong đó, tỷ lệ sử dụng các BPTT có can thiệp chiếm 55%. Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng các BPTT ở Việt Nam trong thời gian qua tăng cao từ 53,75% năm 1993 lên 72,7% trong những năm 2000-2003 và đạt 79,5% năm 2008. Tỷ lệ sử dụng các BPTT tại thời điểm 1/4/2011 đạt 78,2%, thấp hơn 1,3% so với kết quả năm 2008, tỷ lệ sử dụng BPTT có can thiệp tại cùng thời điểm 1/4/2011 đạt 68,6%, giảm 0,2% so với năm 2008, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng dân số.
Bảng 1.1. Phân loại các biện pháp tránh thai.
Bảng 1.2. Hiệu quả của các biện pháp tránh thai
theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật CDC 2013.
Trong các BPTT tạm thời dành cho nữ giới thì thuốc nội tiết tránh thai là lựa chọn phổ biến nhất. Từ xưa, con người đã biết dùng các loại cây cỏ sắc uống để ngăn ngừa thai nghén. Từ khi tìm ra các steroid sinh dục, người ta biết được chúng có thể ức chế sự phóng noãn và đã được sử dụng để điều trị thống kinh do lạc nội mạc tử cung, sau đó dùng để tránh thai. Đến năm 1954, khi tổng hợp được các loại progestogen dạng uống thì viên uống nội tiết tránh thai mới ra đời và sử dụng ngày càng phổi biến.Theo nghiên cứu của Mosher (2004), tỷ lệ sử dụng viên uống nội tiết tránh thai trên thế giới là >50%.
Hiệu quả của thuốc tránh thai đường uống có thể xem như tuyệt đối khi dùng đúng cách, nhưng trên thực tế là 91% (9% do dùng sai như quên uống hoặc uống khôngđiều độ…) theo nghiên cứu của Kost K. (2008).
II. THÀNH PHẦN HÓA HỌC
2.1. Viên uống tránh thai kết hợp (COCs)
Gồm 2 thành phần:
– Estrogen tổng hợp: Ethinyl-estradiol (E.E) hoặc Mestranol
– Progesteron tổng hợp: 17α-Hydroxyprogesterone hoặc 19- nortestosteron. Có 3 thế hệ:
+Thế hệ 1: Norethisterone
+Thế hệ 2: Levonorgestrel, Norgestrel
+Thế hệ 3: Gestroden, desogestrel, norgestimate (sử dụng nhiều nhất hiện nay).
+Thế hệ mới: Drospirenone, Chlormadinone, Nomegestrol
2.1. Viên tránh thai đơn thuần (POPs)
Chỉ chứa Progesterone tổng hợp, không chứa Estrogen. Có 2 loại:
+ Progestin liều thấp, liên tục (microprogestatif)
+ Progestin liều cao (macroprogestatif): ít sử dụng vì mục đích tránh thai và thường dùng trong điều trị.
Hình 2.1. Cấu tạo chất hóa học các thành phần trong thuốc tránh thai.
III. CƠ CHẾ TÁC DỤNG
Tùy vào viên uống tránh thai loại kết hợp hay đơn thuần mà có cơ chế tác dụng khác nhau, bao gồm:
3.1. Ức chế phóng noãn
Thành phần estrogen ức chế FSH gây ức chế sự trưởng thành noãn. Progesterone ức chế sự xuất hiện đỉnh LH ở giữa chu kỳ, ngăn chặn sự phóng noãn. Đây là cơ chế chính của viên uống tránh thai kết hợp.
3.2. Ngăn cản sự làm tổ của trứng
Thuốc ảnh hưởng đến hình thái tổ chức niêm mạc tử cung. Thành phần Progesterone làm teo niêm mạc tử cung gây cản trở sự làm tổ của trứng.
Hình 3.1. Cơ chế tác dụng của viên tránh thai kết hợp.
3.3. Thuốc làm tăng hoặc giảm nhu động của vòi trứng
Estrogen làm tăng nhu động của vòi trứng, trong khi đó, Progesterone lại có tác dụng ngược lại. Vì vậy trứng thụ tinh di chuyển đến buồn tử cung ở thời điểm không phù hợp cho sự làm tổ – quá trễ hoặc quá sớm – làm ngăn cản sự làm tổ.
3.4. Ngăn cản sự di chuyển của tinh trùng vào tử cung
Progesterone tổng hợp liều thấp và liên tục làm cho cổ tử cung không mở, niêm dịch tử cung ít đi, độ dính giảm, không tạo điều kiện thuận lợi cho tinh trùng xâm nhập vào cổ tử cung. Đây là một trong các cơ chế tác dụng chủ yếu của các thuốc progesterone liên tục liều thấp.
IV. VIÊN UỐNG TRÁNH THAI KẾT HỢP
4.1. Phân loại
Tùy thuộc vào cách trình bày mà chia ra các loại sau:
+ Loại 1 giai đoạn: liều EE phối hợp progestin cố định và kéo dài suốt vòng kinh.
+ Loại 2 giai đoạn: liều EE cố định suốt vòng kinh và liều progestin tăng ở 10 ngày sau của vòng kinh.
+ Loại 3 giai đoạn: viên 3 pha cho phép giảm tổng liều steroid nhưng hiệu quả tránh thai không thay đổi so với loại 2 giai đoạn.
Bảng 4.1. Phân loại viên uống tránh thai kết hợp và liều lượng tương ứng.
Liều lượng
Loại |
Etrogen tổng hợp | Progesterone tổng hợp |
||
1 giai đoạn | Microgynon | EE 0,03mg | Levonorgestrel 0,15mg | |
Rigevidon | EE 0,03mg | Desonorgestrel 0,15mg | ||
Marvelon | EE 0,03mg | Desogestrel 0,15mg | ||
Mercilon | EE 0.02mg | Desogestrel 0,15mg | ||
2 giai đoạn | Adepal | 7 ngày đầu | EE 0,03mg | Levonorgestrel 0,15mg |
14 ngày sau | EE 0,04mg | Levonorgestrel 0,20mg | ||
3 giai đoạn | Tri-Regol | 6 ngày đầu | EE 0,03mg | Levonorgestrel 0,15mg |
5 ngày giữa | EE 0,04mg | Levonorgestrel 0,15mg | ||
10 ngày cuối | EE 0,03mg | Levonorgestrel 0,15mg |
4.2. Dạng trình bày 1 số loại trên thị trường
Thuốc được đóng vỉ 21 viên hoặc vỉ 28 viên (trong đó có 21 viên có thành phần thuốc và 7 viên đệm không chứa thuốc tránh thai). Ví dụ Marvelon hàm lượng mỗi viên Desogestrel 150 mcg, Ethinyl estradiol 30 mcg…
Hình 4.1. Các loại viên uống tránh thai kết hợp phổ biến trên thị trường Việt Nam.
4.3. Cách sử dụng
4.3.1. Thời điểm bắt đầu
Vì thuốc chưa có tác dụng tối ưu trong 7 ngày đầu nên cần chọn thời điểm bắt đầu thích hợp và các phương pháp hỗ trợ kèm theo nếu cần. Có 3 cách chọn thời điểm bắt đầu:
Cách 1: bắt đầu vào ngày đầu tiên của chu kì kinh kế tiếp, đây là cách được ưa thích nhất vì không cần biện pháp hỗ trợ.
Cách 2: bắt đầu vào ngày chủ nhật bất kì nên dùng phương pháp tránh thai hỗ trợ trong 7 ngày đầu tiên (ví dụ bao cao su…). Cách này có thể dẫn đến hành kinh không rơi vào cuối tuần.
Cách 3: bắt đầu từ ngày được tư vấn thì nên dùng biện pháp hỗ trợ trong 7 ngày đầu.
Lưu ý trong các trường hợp đặc biệt:
+ Sau đẻ không cho con bú: uống từ tuần thứ tư sau đẻ.
+ Sau nạo, sau sẩy thai, có thể bắt đầu sớm trong vòng 5 ngày đầu sau nạo.
4.3.2. Liệu trình dùng thuốc:
+ Uống mỗi ngày một viên vào một giờ nhất định (nên chọn thời điểm dễ nhớ) theo chiều mũi tên trên vỉ thuốc. Với vỉ 28 viên thì uống liên tục, khi hết vỉ thì uống viên đầu tiên của vỉ tiếp theo vào ngày hôm sau dù đang còn kinh. Với vỉ 21 viên khi hết vỉ nghỉ 7 ngày rồi dùng tiếp vỉ sau.
Hình A Hình B
Hình 4.2. Cách dùng viên uống tránh thai kết hợp trong 1 vỉ.
4.3.3. Xử trí khi quên thuốc
+ Nếu quên thuốc 1 viên thì uống ngay khi nhớ ra và tiếp tục như bình thường.
+ Nếu quên thuốc 2 viên liên tiếp thì phải uống mỗi ngày 2 viên trong hai ngày sau đó. Đồng thời dùng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ cho đến khi hết vỉ thuốc.
+ Nếu quên từ 3 viên trở lên, bỏ vỉ thuốc và bắt đầu dùng vỉ mới. Dùng biện pháp hỗ trợ trong 7 ngày đầu tiên.
Hàng năm, người phụ nữ cần phải đi khám kiểm tra 1 lần hoặc khi có dấu hiệu bất thường.
V. VIÊN UỐNG TRÁNH THAI ĐƠN THUẦN LIỀU THẤP
5.1. Thành phần: chỉ có Progestin, không có Estrogen, thường dùng liều 0,5mg mỗi ngày.
5.2. Dạng trình bày:
Viên tránh thai progestin liều thấp hay được sử dụng là EXLUTON (lynestrenol 0,5mg), vỉ 28 viên. Ngoài ra còn có thể gặp ở thị trường: Microval (Levonorgestrel 0,03mg), Milligynon (Norethisterone Acetate, 0,6mg). Ogyline (norgestrienone).
Hình 5.1. Dạng trình bày Exluton
5.2. Cách sử dụng
5.2.1. Thời điểm bắt đầu
Thời điểm bắt đầu tương tự viên kết hợp tuy nhiên có thể sử dụng bắt đầu ngay sau sinh mà không cần quan tâm đến việc cho con bú. Ghi chú: WHO và IPPF đề cập đến giả thuyết ảnh hưởng của thuốc lên sự tiết sữa và khuyến khích chờ cho đến 6 tuần sau mới bắt đầu dùng.
5.2.2. Liệu trình dùng
Tất cả 28 viên trong vỉ đều chứa Progestin liều thấp, uống một viên mỗi ngày vào cùng một thời điểm trong ngày cho đến khi hết vỉ thuốc (theo thứ tự đánh dấu trên vỉ). Bắt đầu uống vỉ tiếp theo vào ngày hôm sau.
5.2.3. Xử trí khi quên thuốc
Nếu quên uống 1 viên > 3 giờ so với giờ thường ngày hay uống, uống ngay viên thuốc đã quên và sử dụng biện pháp tránh thai khác hỗ trợ trong 48 giờ.
Nếu quên uống 1 viên bất kì trong 3 ngày thì uống ngay 1 viên thuốc tránh thai khẩn cấp do đó nên có thuốc tránh thai khẩn cấp tại nhà.
Về so sánh hiệu quả giữa 2 loại viên uống trên, theo nghiên cứu của Anne MacGregor (2013), tỉ lệ thất bại của viên uống tránh thai kết hợp và viên đơn thuần liều thấp là tương đương nhau và bằng 0,3 trên 100 phụ nữ sử dụng. Theo Hiệp hội sức khỏe tình dục Hoa Kỳ 2013 (ASHA), khi so sánh hiệu quả của viên uống tránh thai với các biện pháp tránh thai khác cho thấy hiệu quả thấp hơn phương pháp triệt sản, nhưng trong nhóm các biện pháp tránh thai tạm thời khác, viên uống tránh thai có hiệu quả cao nhất, trung bình 94,5% (92-97% tùy nghiên cứu). Cũng trong báo cáo này cho thấy biện pháp không can thiệp hiệu quả kém hơn và nhất là biện pháp xuất tinh ngoài âm đạo.
Sơ đồ 5.1. So sánh hiệu quả của các biện pháp tránh thai – Hiệp hội sức khỏe tình dục Hoa Kỳ 2013 (American Sexual Health Association –ASHA).
VI. CÁC ẢNH HƯỞNG KHÁC CỦA THUỐC LÊN CƠ THỂ
6.1. Các tác dụng có lợi
6.1.1.Viên uống tránh thai kết hợp
– Đối với chu kì kinh nguyệt
+ Chu kì kinh nguyệt đều và ngắn hơn.
+ Giảm đau bụng kinh.
+ Giảm lượng máu kinh → giảm mất sắt →giảm nguy cơ thiếu máu thiếu sắt.
+ Giảm nguy cơ xuất huyết nội do rụng trứng (đặc biệt quan trọng ở những phụ nữ dùng kháng đông hay tiền sử xuất huyết các tạng).
+ Điều hòa kinh nguyệt và cung cấp Progestin cho những phụ nữ không rụng trứng/Hội chứng buồng trứng đa nang.
– Đối với tình dục/tâm lý
+ Một số loại có thể gây tăng ham muốn tình dục
+Giao hợp thoải mái hơn do không gây gián đoạn lúc giao hợp và giảm nguy cơ có thai.
– Đối với ung thư, khối u
+ Có tác dụng ngăn ngừa ung thư buồng trứng (40%) và ung thư nội mạc tử cung (50%). Thời gian bảo vệ kéo dài ít nhất 15 năm sau khi ngưng sử dụng và tăng lên khi sử dụng (Frances E Casey- 2016).
+ Giảm nguy cơ tử vong do ung thư đại trực tràng (Beral – 1999).
+ Giảm 25% tất cả những bệnh lý lành tính tuyến vú
+ Giảm nguy cơ nang hoàng thể và xuất huyết nang hoàng thể.
– Khác
+ Giảm mụn trứng cá và các dấu hiệu nam tính khác (lông, râu).
+ Giảm nguy cơ thai ngoài tử cung và viêm vùng chậu, đau vùng chậu.
+ Ứng dụng điều trị trong một số bệnh lý phụ khoa: rong kinh rong huyết, lạc nội mạc tử cung.
6.2.2. Viên uống tránh thai đơn thuần liều thấp
– Đối với chu kì kinh nguyệt: giảm lượng máu kinh, co thắt và đau bụng kinh.
– Đối với tình dục/tâm lý:
+ Có thể gia tăng ham muốn tình dục do bớt lo lắng mang thai.
+ Không gián đoạn quá trình giao hợp: tạo tự nhiên, thoải mái.
–Khác:
+Nhanh chóng có thai trở lại sau khi ngưng thuốc.
+ Có thể làm giảm nguy cơ viêm cùng chậu do chất nhầy cổ tử cung đặc lại.
6.2. Các tác dụng bất lợi
– Buồn nôn, nôn, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, giảm thị lực.
– Sạm da, rụng tóc, tăng cân, đau vú.
– Tăng cân do giữ nước và tăng chuyển hóa đường đạm.
– Ra huyết tử cung bất thường, vô kinh.
6.3. Các biến chứng
6.3.1. Thay đổi về đông máu
Thành phần estrogen của viên uống tránh thai kết hợp có khả năng kích hoạt cơ chế đông máu.
– Tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch: nguy cơ huyết khối tăng gấp đôi với phụ nữ sử dụng viên uống tránh thai kết hợp, gấp 5 lần đối với phụ nữ sử dụng viên uống tránh thai kết hợp trong thai kì và tăng lên với những thuốc chứa desogestrel, gestodene và drospirenone (S. Eichinger – 2013).
– Thuốc tránh thai có hàm lượng Estrogen trên 50µg làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Không có sự gia tăng nguy cơ này ở những phụ nữ dùng viên uống tránh thai kết hợp liều thấp và không có yếu tố nguy cơ cao (Rachel E.J, Roach – 2015).
– Nguy cơ cao ở những phụ nữ trên 35 tuổi, hút thuốc lá hơn 15 điếu/ngày hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch như: cholesterol cao, tăng huyết áp và đái tháo đường, có tiền sử đột quỵ, nhồi máu cơ tim, huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc đau nửa đầu thoáng qua.
→ Không nên dùng cho các đối tượng sau:
+ Người có tiền sử mắc bệnh tim (nhất là các bệnh van tim) và rối loạn đông máu.
+ Trước và sau khi mổ 6 tháng, nhất là các phẫu thuật vùng chậu.
+ Không nên sử dụng thuốc ngừa thai kết hợp trong 3 tuần đầu sau sinh vì gây tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Nếu có các yếu tố nguy cơ của huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, nên sử dụng thuốc tránh thai kết hợp sau 4-6 tuần sau sinh.
+ Ngưng thuốc khi có các triệu chứng như: đau, phù ở cẳng chân, chuột rút, nhức đầu một cách bất thường, đau đột ngột ở ngực, rối loạn về mắt.
6.3.2. Thay đổi chuyển hóa
+ Tăng LDL, giảm HDL, tăng triglycride, tăng phospholipide.
+ Tăng khả năng gắn ,, và trong huyết thanh.
+ Giảm khả năng dụng nạp glucose, vì vậy cần tránh dùng thuốc tránh thai cho người có tiền căn đái tháo đường, đái tháo đường.
+ Progesterone đơn thuần ít làm thay đổi chuyển hóa hơn dạng kết hợp.
6.3.3. Tăng huyết áp
Người ta cho rằng steroid làm tăng sản xuất aldosterone, Ethinyl Estradiol có tác dụng giữ muối nước, progesterone làm tăng sự đồng hóa. Liều lượng thuốc tránh thai có liên quan đến huyết áp. Với liều cao, 5% bệnh nhân có huyết áp tăng 140/90mmHg, liều thấp có ảnh hưởng rất nhỏ (Frances E Casey 2016). Đối với phụ nữ có tăng huyết áp, chỉ nên dùng viên uống tránh thai progesterone đơn thuần.
6.3.4. Ảnh hưởng chức năng gan
Steroid làm thay đổi ít nhiều chức năng gan. Tuy nhiên, nghiên cứu ở một số người dùng thuốc lại cho kết quả không rõ ràng. Có tác giả nhận thấy chức năng bài tiết bromosulfophtalein (BSP) giảm đi 40% và gặp ở 1/45.000 người dùng thuốc tránh thai. Thường xảy ra ở những người có tiền sử vàng da trong các lần có thai trước và ngưng khi dùng thuốc.
6.3.5. Ung thư
Người ta nghi ngờ Ethinyl Estradiol có khả năng gây ung thư. Sử dụng viên uống tránh thai kết hợp gia tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư cổ cung. Nguy cơ này biến mất sau 5-10 năm ngừng sử dụng (Cibula D – 2010). Do vậy, phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai kết hợp lâu dài nên đi khám định kì.
VII. NHỮNG VẤN ĐỀ CỤ THỂ TRONG VIỆC SỬ DỤNG VIÊN UỐNG NỘI TIẾT TRÁNH THAI HẰNG NGÀY
Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế ngày 04/04/2016:
5.1. Viên uống tránh thai kết hợp
5.1.1. Chỉ định
Tất cả các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (trừ một số chống chỉ định) đang muốn sử dụng một biện pháp tránh thai. Phương pháp tránh thai này khá thuận tiện và dễ sử dụng.
Nên dùng thuốc cho những phụ nữ có các hội chứng phụ khoa như: thống kinh, kinh nhiều, rong kinh cơ năng, chu kì kinh không đều.
5.1.2. Chống chỉ định
5.1.2.1 Chống chỉ định tuyệt đối.
– Có thai hoặc nghi ngờ có thai.
– Đang cho con bú trong vòng 6 tuần sau sinh.
– Lớn tuổi (≥ 35 tuổi) và hút thuốc thường xuyên ≥ 15 điếu/ngày.
– Có nhiều nguy cơ bị bệnh mạch vành (lớn tuổi, hút thuốc lá, đái tháo đường và tăng huyết áp).
– Tăng huyết áp nặng (HA tâm thu ≥ 160 mmHg, HA tâm trương ≥ 100 mmHg).
– Đã hoặc đang bị bệnh lý tim mạch và đông máu như bệnh lý mạch máu, hoặc thuyên tắc tĩnh mạch sâu, hoặc thuyên tắc phổi, hoặc bệnh lý đông máu, hoặc bệnh thiếu máu cơ tim, hoặc bệnh lý van tim phức tạp, hoặc tai biến mạch máu não, hoặc cơ địa huyết khối di truyền.
– Sắp phẫu thuật đòi hỏi nằm trên 1 tuần.
– Đau nửa đầu (migrain).
– Đang bị ung thư vú.
– Đái tháo đường có biến chứng (thận, thần kinh, võng mạc, mạch máu).
-Đang bị lupus ban đỏ hệ thống và có kháng thể kháng phospholipid (hoặc không làm xét nghiệm).
– Đang bị bệnh gan nặng có suy giảm chức năng gan trầm trọng như viêm gan cấp đang diễn tiến, hoặcxơ gan mất bù, hoặc u gan (ngoại trừ trường hợp tăng sinh lành tính dạng nốt – benign focal nodular hyperplasia).
5.1.2.2.Chống chỉ định tương đối.
– Đang cho con bú sau sinh từ 6 tuần đến 6 tháng hoặc không cho con bú trong vòng 4 tuần sau sinh.
– Lớn tuổi (≥ 35 tuổi) và hút thuốc < 15 điếu/ngày.
– Đã hoặc đang bị cao huyết áp trung bình (HA tâm thu 140 – 159 mmHg, HA tâm trương 90 – 99 mmHg).
– Đã hoặc đang bị tăng lipid máu hoặc tăng cholesterol do uống thuốc tránh thai.
– Đã từng bị ung thư vú và không có biểu hiện tái phát trong vòng 5 năm trở lại.
– Sỏi mật đang điều trị nội khoa hoặc xơ gan còn bù.
– Đang sử dụng một số loại thuốc như rifampicin/rifabutin, thuốc kháng virus nhóm ức chế protease Ritonavir-booster (Ritonavir-booster protease inhibitor) và một số thuốc chống co giật như phenytoin, carbamazepin, barbiturat, primidon, topiramat, oxcarbazepin hoặc lamotrigin.
5.2.Viên uống tránh thai đơn thuần progesterone liều thấp
5.2.1. Chỉ định:
– Đang cho con bú
– Chống chỉ định với Estrogen
5.2.1. Chống chỉ định tuyệt đối.
– Có thai.
– Đang bị ung thư vú.
5.2.2.Chống chỉ định tương đối.
– Đang bị thuyên tắc tĩnh mạch sâu/thuyên tắc phổi.
– Đang bị lupus ban đỏ hệ thống và có kháng thể kháng phospholipid (hoặc không làm xét nghiệm) hoặc có giảm tiểu cầu trầm trọng.
– Đã từng bị ung thư vú và không có biểu hiện tái phát trong vòng 5 năm trở lại.
-Xơ gan mất bù có suy giảm chức năng gan trầm trọng, hoặc u gan (ngoại trừ trường hợp tăng sinh lành tính dạng nốt – benign focal nodular hyperplasia).
– Đang sử dụng một số loại thuốc như rifampicin/rifabutin, thuốc kháng virus nhóm ức chế protease Ritonavir-booster (Ritonavir-booster protease inhibitor) và một số thuốc chống co giật như phenytoin, carbamazepin, barbiturat, primidon, topiramat, oxcarbazepin.
– Không tiếp tục sử dụng nếu khách hàng:
+ Đã hoặc đang bị tai biến mạch máu não hoặc thiếu máu cơ tim
+ Đau nửa đầu có kèm mờ mắt
5.3. Tư vấn cho người sử dụng viên uống nội tiết tránh thai
– Lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu của người dùng về viên uống nội tiết tránh thai.
– Nêu rõ hiệu quả, những thuận lợi và không thuận lợi khi sử dụng thuốc.
– Cho người dùng xem vỉ thuốc và hướng dẫn cách sử dụng trên vỉ thuốc.
– Cho người sử dụng biết các tác dụng phụ, như buồn nôn, ra máu ít, đau đầu, căng ngực, tăng cân và những khó khăn có thể gặp.
– Nhắc người dùng cách theo dõi trong khi sử dụng thuốc:
+ Người dùng có thể quay lại khám và tư vấn bất kỳ lúc nào nếu có vấn đề (Tính chất kinh nguyệt, các rối loạn phụ,…).
+Trong 3 tháng đầu uống thuốc phải đến cơ sở y tế khám, đo huyết áp, cân nặng.
+ Hẹn đến khám lại hàng năm.
VIII. TỔNG KẾT
Viên uống nội tiết tránh thai hằng ngày là một biện pháp tránh thai tạm thời, được sử dụng phổ biến nhất trong các biện pháp tránh thai (>50%). Thuốc có bản chất là nội tiết tổng hợp có tác dụng tương tự nội tiết tố nữ. Có 2 loại: viên uống tránh thai kết hợp sử dụng cho phụ nữ bình thường trong độ tuổi sinh đẻ và viên tránh thai đơn thuần Progestin liều thấp dùng được ở phụ nữ cho con bú và những phụ nữ có chống chỉ định sử dụng Estrogen (đang cho con bú, phẫu thuật…). Sử dụng thuốc cần tuân thủ chỉ định, chống chỉ định và đúng cách sẽ đạt hiệu quả cao. Nhân viên y tế cần tư vấn các tác dụng phụ và biến chứng của thuốc và khuyên người dùng đến khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TIẾNG VIỆT
1. Bộ Y Tế (2015),”Thuốc tránh thai”, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh Sản phụ khoa, NXB Hà Nội.
2. Bộ môn Phụ Sản ĐHYD Huế (2012), “Các biện pháp tránh thai”, Sản phụ khoa tập 2 , Nhà xuất bản Y Học, Hà Nội, tr. 652 – 669.
3. Bộ môn Phụ Sản ĐHYD TP Hồ Chí Minh (2013), “Biện pháp tránh thai tạm thời cho nữ giới”, Sản phụ khoa tập 2 , Nhà xuất bản Y Học, TP Hồ Chí Minh, tr. 980-983.
TIẾNG ANH
1. The American Congress of Obstetricians and Gynecologists (2014), “ ACOG Combined Hormonal Birth Control: Pill, Patch, and Ring”, ACOG.
2. Barbara L. Hoffman (2016), “Contraception and Sterilization”, Williams gynecology (3rd ed), New York: McGraw-Hill Medical, pp. 118-119.
3. Cibula D, Gompel A, Mueck AO, La Vecchia C ( 2010), “Hormonal contraception and risk of cancer”, Human Reproduction Update 16(6).
4. Rachel E.J Roach, Frans M Helmerhorst, Willem M. Lijfering (2015),”Combined oral contraceptives: the risk of myocardial infarction and ischemic stroke”, Cochrane database of systematic reviews.
5. S. Eichinger J.L.H. Evers, A. Glasier, C. La Vecchia (2013), “Venous thromboembolism in women: A specific reproductive health risk”, Human Reproduction Update 19 (5).
6. Frances E Casey (2016),” Hormonal Contraceptives”, Medscape Drugs and Diseases.
7. Mosher WD, Martinez GM, Chandra A, Abma JC, Willson SJ. (2004), “Use of contraception and use of family planning services in the United States: 1982-2002” Advance Data from Vital Health State (350).
8. Kost K. Singh S. Vaughan B. Trussell J. Brankole A. (2008), “Estimates of contraceptive failure from the 2002 National Survey of Family Growth” Contraception 77 (1).
9. American Sexual Health Association (2013), “Birth control method comparison chart”, ASHA pp. 1 – 4.
10. Anne MacGregor (2013), “Oral contraception: properties and side-effects of COCs and POPs”, Drug review 24 (18).
11. Rorbert A. Hatcher, Mimi Zieman(2006), “ Combined contraceptives”, Managing contraception, pp. 92 – 135.
VIÊN UỐNG NỘI TIẾT TRÁNH THAI HẰNG NGÀY
1. Cao Đình Huy Ths.Bs. Nguyễn Hoàng Long
2. Phan Kiều Linh
3. Lê Anh Tuấn
4. Nguyễn Thị Mỹ Thơm
5. Nguyễn Tuyết Trinh
6. Phan Thị Minh Ý
Huế, 12/2016
DANH MỤC VIẾT TẮT
ASHA American Sexual Health Association
(Hiệp hội sức khỏe tình dục Hoa Kỳ)
BPTT Biện pháp tránh thai
CDC Centers for Disease Control and Prevention
(Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ)
COCs Combined Oral Contraceptives
(Viên uống tránh thai kết hợp)
POPs Progestogen-only Pills
(Viên uống tránh thai đơn thuần Progesterone)
YKHOA247.com thành lập với mục đích chia sẻ kiến thức Y Khoa.
Mọi thông tin trên trang web chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc không nên tự chẩn đoán và điều trị cho mình.