ĐÁNH GIÁ ÁP LỰC ĐỘNG MẠCH PHỔI BẰNG SIÊU ÂM TIM
Tăng áp phổi là quá trình bệnh lý mang lại tỷ lệ tử vong cao. Mặc dù thông tim được sử dụng để xác định áp lực động mạch phổi nhưng siêu âm tim là phương pháp quan trọng, không xâm nhập để đánh giá áp lực động mạch phổi. Tăng áp lực động mạch phổi được xác định trên 25 mmHg khi nghỉ ngơi và trên 30 mmHg khi gắng sức.
Siêu âm tim có thể đánh giá gián tiếp tăng áp động mạch phổi hay tính được cụ thể áp lực động mạch phổi thông qua hở van ba lá, hở van động mạch phổi, shunt qua thông liên thất, ống động mạch.
1. Đánh giá gián tiếp tăng áp lực động mạch phổi.
Nhĩ phải giãn, vách liên nhĩ võng sang phải, nếu có shunt tầng nhĩ có thể thấy shunt 2 chiều hoặc shunt P -T
Tĩnh mạch chủ dưới có thể giãn do tăng áp lực nhĩ phải. Ở mặt cắt dưới sườn quan sát vị trí tĩnh mạch chủ dưới đổ về nhĩ phải. Bình thường trong thì hít vào đường kính tĩnh mạch chủ dưới sẽ xẹp trên 50% (siêu âm M-mode), khi đó ước tính áp lực nhĩ phải dưới 10 mmHg. Nếu khi hít vào đường kính tĩnh mạch chủ dưới thay đổi ít hơn 50% hoặc giãn thì áp lực nhĩ phải có thể từ 15- 20 mmHg.
Thất phải giãn, vách liên thất dẹt, võng sang trái.
Thay đổi Myocardial performance Index (Tei Index), Tei index tăng trong những trường hợp tăng áp lực động mạch phổi.
2. Tính áp lực tâm thu ĐMP từ dòng hở van ba lá.
Nếu bệnh nhân không có bệnh lý ở đường ra thất phải, ở van và trên van ĐMP thì áp lực tâm thu của thất phải và trong ĐMP là gần tương đương nhau, do vậy, có thể tính áp lực buồng thất phải dựa trên đòng hở van ba lá, rồi từ đó suy ra áp lực ĐMP.
Siêu âm Doppler tim có thể phát hiện được dòng hở van ba lá (HoBL). Hiện tượng này thường gặp ở bệnh nhân có tăng ALĐMP, nhưng ngay cả ở trẻ em bình thường cũng có 60-85% có hở van ba lá.
Phương pháp: Đặt đầu dò ở mỏm tim, thiết đồ 4 buồng tim, hướng chùm tia siêu âm đi qua van ba lá, song song với dòng hở đi từ thất phải (TP) lên nhĩ phải (NT). Điều chỉnh hướng đầu đò, chùm tia sao cho góc giữa chùm tia và dòng HoBL là nhỏ nhất để thu được dòng HoBL có vận tốc cao nhất. Đây là dòng đi xa khỏi đầu đò nên là một phổ âm, nằm ở dưới đường cơ bản.
Độ chênh áp tâm thu tối đa giữa thất phải và nhĩ phải được tính theo phương trình Bernoulli:
ALttTP – ALttNP = 4 VHoBL2
và chuyển về phương trình ta có:
ALttTP = 4 VHoBL2 + ALttNP
Trong đó:
AlttTP: áp lực tâm thu thất phải
AlttNP: áp lực tâm thu nhĩ phải
VHoBL: vận tốc tối đa của dòng hở van ba lá
Như vậy, áp lực tâm thu động mạch phổi được tính theo công thức:
AlttĐMP = 4VHoBL2 + AlttNP |
Có nhiều phương pháp để ước tính áp lực tâm thu nhĩ phải:
+ Nếu bệnh nhân đang có đường truyền tĩnh mạch trung tâm thì có thể dùng nổ để đo trực tiếp ALttNP.
+ Có thể ước tính ALttNP dựa vào tình trạng của bệnh nhân:
Người bình thường: ALttNP khoảng 5mmHg
Bệnh nhân suy tim nhẹ: ALttNP khoảng 10mmHg
Bệnh nhân nặng: ALttNP khoảng 15-20mmHg.
+ Có tác giả dựa trên hình ảnh của tĩnh mạch trên gan
Tác giả Berger M. đã nghiên cứu so sánh siêu âm và thông tim đã đề xuất công thức ước tính áp lực động mạch phổi:
ALttĐMP = 4VHoBL2 x 1,23 (mmHg)
3. Ước tính áp lực tâm thu động mạch phổi từ dòng chảy qua lỗ thông liên thất.
Nếu bệnh nhân có lỗ thông liên thất thì có thể dùng phổ Doppler của dòng chảy qua lỗ thông liên thất để ước tính áp lực tâm thu thất phải.
Độ chênh áp tối đa giữa thất trái và thất phải được tính theo phương trình Bernoulli:
ALTTTT – ALTTTP = 4VTLT2
Trong đó:
ALTTTT: áp lực tâm thu thất trái
ALTTTP: áp lực tâm thu thất phải
VTLT: vận tốc tối đa của dòng chảy qua lỗ thông liên thất
Nếu bệnh nhân không bị tắc – hẹp dòng chảy từ thất trái lên động mạch chủ thì áp lực tâm thu buồng thất trái cũng tương đương với huyết áp tâm thu của bệnh nhân (HA), do vậy:
ALTTTP = HA – 4VTLT2
Có nghĩa là:
ALTTĐMP = HA – 4 VTLT2 |
Công thức này được áp dụng cho những trường hợp thông liên thất có shunt T-P.
Nếu bệnh nhân cũng không bị tắc-hẹp dòng chảy từ thất phải lên động mạch phổi thì áp lực của thất phải sẽ tương đương áp lực động mạch phổi. Như vậy, phương pháp này cho phép ước tính áp lực động mạch phổi ở các bệnh nhân có thông liên thất (không tắc-hẹp đường ra thất trái và thất phải) với độ tin cậy cao (hệ số tương quan giữa đo trên siêu âm Doppler và thông tin r = 0,93 – 0,97).
Cần phải thăm dò dòng qua lỗ thông liên thất từ nhiều thiết đồ khác nhau để có được góc Doppler nhỏ nhất. Nhìn chung, dòng thông liên thất phần màng thường đi về phía trước – phải. Thông liên thất phần cơ được thăm dò tốt nhất ở thiết đồ mỏm tim hoặc dưới mũi ức. Tốt nhất là tìm rõ lỗ thông trên siêu âm Doppler màu để hướng chùm tia siêu âm tới góc nhỏ nhất với dòng chảy qua lỗ thông liên thất.
Một điểm quan trọng nữa là phải chú ý tới phương pháp đo huyết áp tránh sai số khi đo huyết áp, sẽ làm sai lệch kết quả ước tính áp lực động mạch phổi theo phương trình Bemoulli.
4. Tính áp lực tâm thu động mạch phổi dựa vào dòng chảy qua ống động mạch
Công thức tính áp lực tâm thu động mạch phổi tương tự như tính qua thông liên thất.
AlttĐMP = HA – 4 Vodm2 |
Công thức được áp dụng cho ống động mạch shunt T-P.
5. Tính áp lực tâm trương động mạch phổi dựa vào dòng hở van động mạch phổi.
Hở van động mạch phổi ghi được trên Doppler có thể gặp ở 70% trẻ bình thường và còn hay gặp hơn nữa ở bệnh nhân có bệnh tim, nhất là khi có tăng áp lực động mạch phổi. Đo vận tốc tâm trương của dòng hở van động mạch phổi sẽ cho phép ước tính áp lực cuối tâm trương của động mạch phổi.
Tất cả các yếu tố: mức độ hở van động mạch phổi, mức độ tăng áp lực động mạch phổi và chức năng thất phải, đều làm ảnh hưởng tới độ chênh áp cuối tâm trương qua van động mạch phổi (chênh áp cuối tâm trương giữa động mạch phổi và thất phải). Khi van động mạch phổi chỉ hở nhẹ, áp lực cuối tâm trương buồng thất phải bình thường và áp lực tâm trương động mạch phổi thấp thì vận tốc cuối tâm trương của dòng hở phổi sẽ trở về đường cơ bản ở cuối kỳ tâm trương. Vận tốc cuối tâm trương thấp chứng tỏ độ chênh áp cuối tâm trương thấp giữa động mạch phổi và thất phải. Nhưng vận tốc thấp cũng có thể gặp ở những bệnh nhân có hở van động mặch phổi nặng và tăng nhiều áp lực cuối tâm trương thất thải. Ở những bệnh nhân có tăng áp lực tâm thu và tâm trương động mạch phổi mà hở van động mạch phổi không nhiều lắm thì vận tốc dòng hở van động mạch phổi lại có thể cao ở cuối kỳ tâm trương.
Các tác giả đều thống nhất là có thể ước tính khá chính xác áp lực cuối tâm trương của động mạch phổi dựa vào dòng hở van động mạch phổi, theo phương trình Bemoulli:
ALTTRĐMP – ALTTRTP = 4V2 Trong đó:
ALTTRĐMP: áp lực tâm trương động mạch phổi
ALTTRTP: áp lực tâm trương thất phải
V: vận tốc cuối tâm trương của dòng hở van động mạch phổi
Nếu biết áp lực tâm trương của nhĩ phải (ALTTRNP) và coi như nó bằng áp lực cuối tâm trương của thất phải, thì:
ALTTRĐMP = 4V2 + ALTTRNP
Người ta thường qui ước ALTTRNP là 10 mmHg, như vậy:
ALTTRĐMP = 4V2 + 10 (mmHg) |
Các nghiên cứu đã chứng minh kết quả đo độ chênh áp giữa động mạch phổi và thất phải trên siêu âm Doppler cũng tương đương với kết quả đo trên thông tim (r = 0,94, sai số chuẩn 3 mmHg).
Dựa trên kết quả nghiên cứu, các tác giả còn đề xuất công thức tính:
4V2 + 2
ALTTRĐMP =
0,61
Ở người bình thường, áp lực tâm trương động mạch phổi là: 13,3 + 1,3 mmHg
6. Tính áp lực trung bình động mạch phổi dựa vào dòng hở van động mạch phổi
Các nghiên cứu cho thấy áp lực trung bình động mạch phổi tương quan chặt chẽ với vận tốc tối đa của dòng hở van động mạch phổi và có thể ước tính theo công thức:
ALTTĐMP = 4V2 +10 (mmHg) |
Trong đó:
V: vận tốc tối đa của dòng hở van động mạch phổi
Dựa trên kết quả nghiên cứu, các tác giả còn đề xuất công thức tính áp lực trung bình động mạch phổi:
4V2 + 2
ALTBĐMP =
0,7
Ở người bình thường, áp lực trung bình động mạch phổi là: 18,8 ± 4 mmHg
7. Tính áp lực tâm thu động mạch phổi dựa vào dòng hở van động mạch phổi
Từ áp lực trung bình và áp lực cuối tâm trương động mạch phổi, có thể tính áp lực tâm thu động mạch phổi theo nguyên tắc chung, dựa trên công thức:
ALTTĐMP = 3 ALTBĐMP – 2 ALTTRĐMP |
Ths. Lê Thị Phượng
YKHOA247.com thành lập với mục đích chia sẻ kiến thức Y Khoa.
Mọi thông tin trên trang web chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc không nên tự chẩn đoán và điều trị cho mình.